Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnHải quân TQ sau 70 năm thành lập

Hải quân TQ sau 70 năm thành lập

Hải quân Trung Quốc ban đầu dựa vào Liên Xô để xây dựng lực lượng, sau đó tìm cách tự chế tạo tàu chiến và dần mở rộng quy mô.

70 năm trước, hải quân Trung Quốc (PLAN) được thành lập vào ngày 23/4/1949, sau khi lãnh đạo Mao Trạch Đông tuyên bố rằng nước này cần xây dựng một “lực lượng hải quân mạnh để chống lại đế quốc xâm lược”. 7 tháng sau, Học viện Hải quân Đại Liên được thành lập, trở thành nơi huấn luyện đầu tiên của PLAN với phần lớn giáo viên là các sĩ quan Liên Xô.

Đến năm 1954, có khoảng 2.500 cố vấn Liên Xô tham gia huấn luyện lực lượng hải quân Trung Quốc và Moskva cũng bắt đầu cung cấp các tàu chiến cho Bắc Kinh. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, PLAN trong giai đoạn 1954-1955 được tổ chức thành Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.

Trong giai đoạn đầu, hải quân Trung Quốc tiếp nhận hoàn toàn trang bị, vũ khí và công nghệ của Liên Xô nhằm xây dựng một lực lượng tác chiến mặt nước hạng nhẹ. Năm 1953, Trung Quốc ký thỏa thuận với Liên Xô để được phép sản xuất 5 loại tàu chiến gồm tàu hộ vệ, tàu ngầm ngư lôi cỡ trung, tàu quét mìn, tàu săn ngầm và tàu phóng lôi.

Đến năm 1958, khi Moskva từ chối hỗ trợ chương trình phát triển tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, PLAN bắt đầu lập Đơn vị Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học để tự nghiên cứu thiết kế tàu ngầm, công nghệ thủy âm, vũ khí dưới nước và công nghệ dẫn đường.

Cuối năm 1960, khi Liên Xô rút toàn bộ cố vấn và ngừng hỗ trợ về công nghệ, thiết bị, PLAN lập ra nhiều cơ quan nghiên cứu để lấp chỗ trống nhằm tiếp tục hiện đại hóa lực lượng. Các cơ quan này hỗ trợ đắc lực trong việc sao chép các công nghệ nước ngoài, giúp Trung Quốc có thể tự đóng được thế hệ tàu chiến nội địa đầu tiên với một số tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu khảo sát, tàu khu trục, tàu hộ vệ cùng nhiều hệ thống vũ khí.

Một tàu tấn công nhanh lớp Huangfeng của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLAN.

Một tàu tấn công nhanh lớp Huangfeng của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLAN.

Trong thập niên 1970, Trung Quốc phân bổ gần 20% ngân sách quốc phòng cho hải quân, giúp lực lượng này phát triển nhanh chóng. Lực lượng tàu ngầm thông thường tăng từ 35 lên 100 chiếc, tàu mang tên lửa tăng từ 20 lên 200 chiếc, dây chuyền sản xuất các tàu mặt nước cỡ lớn cũng được mở rộng. Tuy nhiên, các tàu chiến Trung Quốc thời kỳ này chỉ được bảo vệ bằng pháo phòng không, do chưa được trang bị tên lửa phòng không hiện đại, trong khi năng lực tác chiến chống ngầm cũng rất hạn chế.

PLAN sau đó tìm cách hiện đại hóa các hệ thống vũ khí, trang bị tên lửa cho tàu chiến và dần mở rộng hoạt động huấn luyện, diễn tập ra các vùng biển xanh thay vì tập trung phòng thủ gần bờ. Năm 1982, PLAN phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm trong trạng thái lặn. 4 năm sau, họ đưa vào sẵn sàng chiến đấu ít nhất một tàu ngầm lớp Xia mang 12 tên lửa đạn đạo JL-2 và 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Han trang bị 6 tên lửa hành trình SY-2.

Đến tháng 3/1984, Hạm đội Biển Bắc tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng đầu tiên giữa tàu chiến và máy bay, đánh dấu giai đoạn mới trong huấn luyện hiệp đồng của PLAN. Tuy vậy, lực lượng này đến cuối thập niên 1980 vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong tác chiến chống ngầm, tác chiến điện tử trên biển và năng lực không quân hải quân.

 PLAN năm 1987 được coi là lực lượng hải quân lớn thứ ba thế giới, nhưng chủ yếu tập trung ở vùng biển gần bờ, với lớp bảo vệ ngoài cùng cho đường bờ biển 1.500 km là hơn 100 tàu ngầm diesel – điện lớp Romeo và Whiskey vốn chỉ có thể hoạt động trên biển trong thời gian ngắn. Lớp phòng thủ thứ hai là các tàu khu trục, tàu hộ vệ trang bị tên lửa chống hạm P-15 Termit và pháo 130 mm cùng chiến đấu cơ bố trí tại căn cứ trên đất liền.

Những mục tiêu xuyên thủng hai lớp phòng thủ đầu tiên sẽ phải đối mặt với gần 900 tàu tấn công nhanh, phía sau đó là lực lượng phòng thủ bờ biển được trang bị tên lửa chống hạm và pháo, được hỗ trợ bởi lực lượng bộ binh tuyến sau.

Năm 1997, PLAN lần đầu tiên cử một đội tàu chiến thực hiện hành trình hơn 24.000 hải lý tới thăm 4 nước Mỹ, Mexico, Peru và Chile, đánh dấu lần đầu tiên lực lượng này vượt Thái Bình Dương và tới châu Mỹ.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa quân đội, giảm bớt quy mô và vai trò của lục quân, đồng thời tăng cường đầu tư cho không quân và hải quân. Với nguồn ngân sách khổng lồ, PLAN dần từ bỏ chiến lược phòng thủ ven bờ và hướng tới xây dựng lực lượng biển xanh có phạm vi hoạt động ngày càng lớn.

Sau khi cải hoán và biên chế tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc thúc đẩy chương trình đóng tàu sân bay nội địa với sự ra đời của Type-001A đang được thử nghiệm cùng kế hoạch sở hữu 4-6 tàu sân bay. Đây sẽ là hạt nhân trong các nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của PLAN nhằm cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng với hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Tàu sân bay Liêu Ninh trong một đợt diễn tập trên biển. Ảnh: PLAN.

Tàu sân bay Liêu Ninh trong một đợt diễn tập trên biển. Ảnh: PLAN.

Phát biểu trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc hôm nay, ông Tập kêu gọi các lực lượng hải quân trên thế giới phối hợp cùng nhau để thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình trên biển.

“Các quốc gia cần sử dụng cơ chế tham vấn để giải quyết vấn đề, không nên tùy tiện sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, ông Tập nói. “Các nước cần tham vấn trên cơ sở bình đẳng, cải thiện các cơ chế quản lý khủng hoảng, tăng cường hợp tác an ninh khu vực và giải quyết một cách thích hợp các tranh chấp trên biển”.

RELATED ARTICLES

Tin mới