Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (25/4) đã lên tiếng về thông tin Việt Nam cho xây dựng 10 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.
Trả lời phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ về thông tin Việt Nam xây 10 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (25/4) khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế”. Bà Hằng khẳng định, “các hoạt động nhằm duy tu, bảo dưỡng các cơ sở vật chất đã xuống cấp của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý thực tế ở Trường Sa là hoàn toàn bình thường và hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và không làm thay đổi nguyên trạng, không tổn hại môi trường, không làm phức tạp thêm tình hình”.
Trước đó, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI, 8/4) của Trung tâm nghiên Chiến lược Quốc tế CSIS ở Washington (Mỹ) công bố tài liệu cho rằng Việt Nam tiếp tục nâng cấp các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa mặc dù rõ ràng không vấp phải những phản ứng mà các lực lượng quân sự hàng hải của Trung Quốc cũng như của Philippines phải đối mặt gần đây.
Theo AMTI, Việt Nam đã “âm thầm” nâng cấp việc xây dựng các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa nhưng không có ý định quân sự hóa trên vùng Biển Đông như Trung Quốc; cho rằng Việt Nam hiện đang “chiếm cứ” 49 tiền đồn trải rộng trên 27 thực thể xung quanh quần đảo Trường Sa. Trong số các thực thể trên, chỉ có 10 có thể được gọi là đảo nhỏ trong khi phần còn lại là các bãi đá ngầm nằm bên dưới mặt nước. AMTI nhận định Việt Nam “đã tiến hành mở rộng” Trường Sa – tiền đồn lớn nhất và là trung tâm hành chính của Việt Nam trong khu vực Biển Đông – “để kéo dài một đường băng nhỏ cũng như tạo nên một cảng được bảo vệ”. AMTI so sánh với những khảo sát được công bố vào giữa năm 2017, cho rằng Việt Nam đã tạo ra khoảng 40 acre (hơn 16 hecta) đất mới trong quần đảo Trường Sa bằng việc “sử dụng các thiết bị xây dựng để nạo vét các phần của bãi ngầm xung quanh đảo Trường Sa và phủ cát lên đó. Quy trình này mất nhiều thời gian hơn nhưng ít gây hại tới môi trường hơn các phương pháp của Trung Quốc, trong đó sử dụng việc nạo vét theo quy mô công nghiệp và vùi chôn trong đất trên các cơ sở của họ trong quần đảo Trường Sa”.
Cụ thể: Trước 2014, Việt Nam bồi đắp thêm 6 mẫu đất trên rạn Phan Vinh (Pearson Reef); từ năm 2015- 2016, mở rộng đường băng ở đảo Trường Sa từ 750m ban đầu lên đến 1.300m và xây một bến cảng. Tổng cộng, Việt Nam đã tạo thêm khoảng 40 mẫu đất tại đảo Trường Sa thông qua nạo vét một phần rạn san hô bao quanh đảo rồi san lấp bằng cát. Quá trình này được cho là tốn nhiều thời gian hơn và ít gây hại cho môi trường hơn so với các phương pháp nạo vét và san lấp quy mô công nghiệp của Trung Quốc tại Trường Sa. Từ 2016, tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất trên rạn Phan Vinh, bao gồm xây dựng sân bay trực thăng, lắp các tấm pin mặt trời và trồng thảm thực vật trên các khu đất mới. Từ giữa 2017 đến nay, Việt Nam cho lắp một radar lớn trên đỉnh một tòa nhà ở phía tây của rạn Phan Vinh, cho thấy sự cải thiện về tín hiệu hoặc khả năng liên lạc. Việc trồng cây xanh trên các khu vực bãi đất mới, có lẽ để tránh xói mòn, cũng đã hoàn tất. Việt Nam cũng tiến hành mở rộng Đá Nam và Đá Núi Thị (Petley và South Reefs). Việt Nam còn xây thêm các trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghiệp ở Bãi Phúc Tần (Prince of Wales) và Bãi cạn Quế Đường (Grainger Banks) và một sân bay trực thăng lớn. Cũng trong năm này, Việt Nam hoàn thiện đường băng và bốn nhà chứa máy bay; Các máy bay này nhiều khả năng là máy bay giám sát hàng hải PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295.
AMTI cho biết, việc nâng cấp của Việt Nam bao gồm hoàn tất đường băng, việc xây dựng các cơ sở liên lạc và các kênh thoát nước. Dù có các yếu tố ngoại cảnh giữa lúc có những đàm phán và những căng thẳng cũng như mối hiểm họa bạo lực, thì dường như Hà Nội vẫn kiên trì mở rộng từng tí một các khả năng trên và xung quanh quần đảo Trường Sa. Đáng chú ý, khảo sát của AMTI còn cho biết rằng “Việt Nam không có ý định quân sự hóa các thực thể với quy mô lớn như của Trung Quốc.” AMTI cũng nói rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy các cơ sở được xây dựng để chứa các máy bay tấn công.” Thay vào đó, những nâng cấp của Việt Nam dường như hướng đến việc mở rộng khả năng theo dõi và tuần tra của họ trên vùng biển có tranh chấp và cải thiện các điều kiện cũng như đảm bảo rằng họ có thể tái cung ứng bằng đường không khi cần thiết.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng cần đặt việc này trong đúng bối cảnh. Đó là việc Việt Nam, thực ra, đã sở hữu một số thực thể ở Trường Sa từ trước năm 2002, thời điểm Trung Quốc và ASEAN kí kết Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Theo DOC, các bên tham gia cam kết không tiến hành chiếm bất cứ các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ… nào ở Biển Đông. Trường hợp Việt Nam, nước cũng tham gia DOC, thực tế đã tiến hành việc chiếm hữu một số thực thể ở đây trước năm 2002. Do đó, việc AMTI mới đây đưa ra báo cáo công khai về tình hình xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa có thể khiến nhiều người nhảy dựng lên rằng “các nước khác cũng đang làm y như Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, ảnh vệ tinh cho thấy các khu vực mà Trung Quốc đang quân sự hóa trên Biển Đông chiếm diện tích chủ yếu. Trong khi một phần rất nhỏ còn lại là của các nước khác”. Giáo sư Carl Thayer cho rằng “báo cáo AMTI thực ra muốn đưa ra cái nhìn công bằng hơn về tình hình ở Biển Đông, với một bên là đối trọng Trung Quốc”. Cụ thể hơn, việc xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa – như mô tả trong báo cáo – là bình thường, với các công trình rất nhỏ và khiêm tốn. Không thể nào so sánh được với quy mô xây dựng của Trung Quốc. Không những vậy, báo cáo của AMTI nói rằng Việt Nam đang hoàn thiện đường băng dài 1.300m và cho lắp đặt radar cho phép Việt Nam có thể thu phát các tín hiệu liên lạc từ các tàu, thuyền của Trung Quốc thì không có gì là, vì đây là một cuộc chơi công bằng giữa các bên liên quan ở Biển Đông và sẽ không cho rằng có nước nào phải phật lòng về động thái này của Việt Nam. Việt Nam đã ở đó từ trước 2002. Thực tế là Việt Nam đã hiện diện tại một số vị trí ở Biển Đông từ trước Giải phóng Miền Nam và đã có lịch sử đánh bắt, khai thác cá tại ngư trường này. Việt Nam đã đưa người tới các khu vực đó sinh sống, lập gia đình, sinh con cái, mở trường học. Và không có vấn đề gì từ đó tới nay. Việt Nam chưa thực hiện hành động nào đe dọa an ninh khu vực. Đáng chú ý, ông Carl Thayer đặt câu hỏi ngược cho rằng “nếu như những việc Việt Nam đang làm được cho là gây nguy cơ cho an ninh khu vực, thì thử nói xem những cái mà Trung Quốc đang tiến hành là gì?”
Dù chỉ xây dựng lặng lẽ và với quy mô nhỏ như vậy suốt nhiều năm tại Trường Sa và một số đảo khác tại Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc làm này là cần thiết để Việt Nam khẳng định chủ quyền và sự hiện diện của mình ở Biển Đông. Hiện Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông và điều quan trọng là các nước chọn cách thức phản ứng như thế nào. Chúng ta có thể hợp tác nhưng không có nghĩa là không có cách để lên tiếng mạnh mẽ về chủ quyền của mình. Và Việt Nam đang đi con đường đúng đắn. “So sánh với những gì đã xảy ra với Philippines thì tôi cho rằng Việt Nam đã chọn con đường phù hợp hơn. Nếu như Việt Nam im lặng trước mọi hành động bắt nạt của Trung Quốc thì cái mà Việt Nam nhận được sẽ là gì? Trung Quốc sẽ lại tiếp tục bao vây, xua đuổi, tấn công tàu cá, tịch thu lưới đánh cá… Và Việt Nam đã chọn cách củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực này…. Hoàn toàn trái ngược với cách Tổng thống Philippines từng chọn là ‘khom lưng cúi gối’ mà làm bạn với Trung Quốc”, ông Carl Thayer nói.
Ngoài ra, giáo sư Carl Thayer cho biết, Trung Quốc biết Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Trường Sa nhưng tới nay vẫn im lặng, không phản ứng quyết liệt như họ mới đây đã làm với việc xây dựng của Philippines trên đảo Thị Tứ, điều này cho thấy các bước đi của Việt Nam “không gây lo ngại cho bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc”.