Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHành động vô liêm sỉ của TQ: Lồng ghép hình ảnh đánh...

Hành động vô liêm sỉ của TQ: Lồng ghép hình ảnh đánh chiếm trái phép đá Gạc Ma của Việt Nam trong video quảng cáo “chiến tích” hải quân

Bộ Quốc phòng Trung Quốc (16/3) tán phát video quảng cáo “chiến tích” của Hải quân Trung Quốc từ khi thành lập đến nay, trong đó có lồng ghép hình ảnh về việc quân đội Trung Quốc tàn sát cán bộ, binh lính Việt Nam tại đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Quân đội Trung Quốc tàn sát cán bộ, binh lính Việt Nam tại đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Video trên dài 02 phút, do Trung tâm Truyền thông của đơn vị tuyên truyền văn hóa thuộc cục chính trị hải quân Trung Quốc sản xuất nhằm tuyên truyền về “chiến tích” của hải quân Trung Quốc từ khi thành lập cho đến nay (1949 -2019). Trong đó có 30 giây hình ảnh về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm và tàn sát cán bộ, binh lính Việt Nam ở đảo Gạc Ma.

Gạc Ma là một phần thiêng liêng của Việt Nam bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng

Ngay từ thế kỷ 17, dưới các triều đại phong kiến, Việt Nam là nước đầu tiên phát hiện và quản lý lâu dài, một cách hòa bình đối với quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng.

Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng là không thể tranh cãi, dựa trên các yếu tố cấu thành chủ quyền của một quốc gia về lãnh thổ đó là khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước và sự đương nhiên thừa nhận trong tập quán quốc tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất có những dữ kiện địa lý, bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế để xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam trong quá trình xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn phù hợp với hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế về xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ. Đó là một quốc gia khi xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải thể hiện đầy đủ tính chất về mặt nhà nước, tức là nhà nước đó có ban hành văn bản, chính sách và tổ chức quản lý hành chính vùng lãnh thổ đó hay không khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, đồng thời cách thức xác lập chủ quyền phải được thực hiện bởi tổ chức hành chính trực thuộc nhà nước. Xét về khía cạnh này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Biển Đông đáp ứng đầy đủ tính chất về xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng về mặt nhà nước theo quy định của luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế.

Quá trình hoạch định và triển khai chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến đã được thể hiện rõ nét trong suốt mọi giai đoạn lịch sử, nội dung đó đã hình thành và liên tục được kế thừa phát triển qua các thể chế nhà nước. Đặc biệt, trong chính sách về biển đảo có nội dung khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng. Những chứng lịch sử đã chứng minh quá trình xác lập chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển đảo của Nhà nước Việt Nam, trong đó có quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng là một trong những nội dung cơ bản của quá trình triển khai chính sách về biển đối với các Nhà nước phong kiến Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên các vùng biển đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khu vực Biển Đông luôn được xác định rõ ràng, nội dung này được thể hiện qua những nội dung cơ bản của quá trình hoạch định và thực thi chính sách về biển của quốc gia, điều này hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ vô chủ đương thời. Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại, bởi vậy, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng trên Biển Đông đã bị một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực bất chấp những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nội dung của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như những quy định của luật biển quốc tế đã xâm chiếm trái phép hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc khơi dậy nỗi đau tàn sát cán bộ, binh lính Việt Nam ở đá Gạc Ma

Hình ảnh trong đoạn video trên có đoạn về sự kiện Trung Quốc (14/3/1988) không chỉ cho binh lính lên đá Gạc Ma sát hại cán bộ chiến sỹ Việt Nam mà còn dùng pháo 100 ly, 37 ly 2 nòng xả đạn dã man sát hại gần hết số cán bộ chiến sỹ Việt Nam đang giữ đảo. Trong cuộc thảm sát phi nghĩa của Trung Quốc đã khiến 64 cán bộ chiến sỹ Việt Nam hy sinh, mãi nằm lại nơi vùng đất thiêng liêng của tổ quốc.

Trung Quốc đã có âm mưu đánh chiếm các đảo, đá của Việt Nam ở Biển Đông từ lâu. Việt Nam hiểu rõ điều này nên cố gắng cho cán bộ, binh lính lên đồn trú bảo vệ chủ quyền tại đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Đến tối 13/3/1988, trên đảo có 48 chiến sĩ công binh, chỉ mang theo xà beng, cuốc xẻng mà không mang theo vũ khí. Ngoài ra, có 2 tàu cỡ 400 tấn mang số hiệu HQ 604 và HQ 605 là hai tàu chuyên chở các chiến sĩ công binh lên đảo. Đây chính là tàu Trung Quốc đã viện trợ cho ta trong chiến tranh chống Mỹ, chỉ làm nhiệm vụ vận tải, không có vũ khí tấn công. Trên tàu HQ 605 chỉ có súng AK (trang bị vũ khí nhẹ của bộ binh) và B40 tầm bắn 150m. Tương tự, tàu HQ 604 không có vũ khí gì đáng kể, mấy khẩu AK, một khẩu súng máy tầm bắn 300m, một khẩu súng chống tăng tầm bắn 150m. Ngoài ra, ta còn có tàu HQ 505 nguyên là tàu USS Bulloch County LST-509.

Trong khi đó, Trung Quốc chiếm ưu thế hoàn toàn về lực lượng với 3 tàu chiến chuyên dụng. Ba tàu của Trung Quốc là tàu khu trục, gồm tàu khu trục 502 nặng 1.400 tấn, trang bị 3 pháo 100 mm và 8 pháo 37mm, tàu khu trục nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 2 pháo 37mm, tàu khu trục 531 nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 8 pháo 37mm. Cả 3 tàu chiến chuyên dụng được trang bị đầy đủ hỏa lực đại bác cỡ lớn, có thể bắn vào mục tiêu từ tầm xa trên 10km.

Khi lính Trung Quốc đổ bộ thấy cờ Việt Nam cắm trên đá Gạc Ma thì xông đến để nhổ cờ, dập xuống nước. Các chiến sĩ Việt Nam cố sức bảo vệ lá quốc kỳ nên xảy ra xô xát bằng dao găm. Ngay lập tức, lính Trung Quốc đứng đó không xa dùng tiểu liên bắn quét tất cả 48 chiến sĩ trên đảo. Tàu chiến Trung Quốc cũng đã nã pháo bắn chìm luôn hai tàu HQ 604 và HQ 605 của Việt Nam, làm 16 cán bộ và chiến sĩ trên tàu hi sinh. Còn một số chiến sĩ kịp lên các xuồng cao su sau đó được Bộ Tư lệnh hải quân cử tàu mang cờ chữ thập đỏ đến cứu.

Đáng chú ý, trong suốt quá trình xung đột, Hải quân Việt Nam chưa hề bắn phát súng nào đáp trả, chỉ cố gắng bảo vệ hòa bình và chủ quyền của dân tộc, chỉ có Trung Quốc dùng súng thảm sát cán bộ, binh lính Việt Nam nhằm xâm chiếm hải đảo của Việt Nam. Kết quả 64 chiến sĩ hy sinh dưới họng súng của phía xâm lược. Cách thức hành động là tàu Trung Quốc đứng từ xa nã đạn pháo vào tàu Việt Nam để hỗ trợ cho binh lính Trung Quốc dùng xuồng đổ quân lên chiếm Gạc Ma – nơi có một tổ cắm cờ 5 người cùng 20 chiến sĩ công binh Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng trên bãi đá. Cái gọi là “trận đánh” chẳng qua chỉ là sự điên cuồng nhả đạn đủ loại trọng liên 12,7mm, pháo 37mm, pháo 76,2mm, pháo 100mm, rocket 12 nòng của hải quân Trung Quốc, bắn vào tàu HQ-604 và binh lính Việt Nam trên đá Gạc Ma – họ gần như tay không bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng.

Hình ảnh phục vụ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân, song nó cho thấy Trung Quốc là kẻ cướp vũ trang, xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.

Mục đích video trên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là nhằm tuyên truyền vè 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, nó sử dụng những hình ảnh về việc tàn sát cán bộ, binh lính Việt Nam ở đá Gạc Ma, đã làm rõ bộ mặt của Trung Quốc – kẻ cướp vũ trang, xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, vì:

Việc Trung Quốc dùng súng thảm sát cán bộ, binh lính Việt Nam ở đá Gạc Ma năm 1988 là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Nhân đạo quốc tế, Công ước Genève về đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh chiến tranh…

Đầu tiên, hành động thảm sát cán bộ, binh lính Việt Nam của Trung Quốc được coi là tội ác chiến tranh, nó là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật áp dụng trong xung đột vũ trang (còn gọi là Luật Nhân đạo quốc tế). Theo đó, các hành vi được coi là tội ác chiến tranh bao gồm “giết người, ngược đãi hoặc chuyển người dân dân sự của một lãnh thổ bị chiếm đóng vào các trại lao động nô lệ”, “các vụ giết người hoặc ngược đãi các tù nhân chiến tranh”, giết các con tin, “phá hủy bừa bãi các thành phố, thị xã, làng, và tàn phá không có lý do cần thiết quân sự, hoặc dân sự”… Luật trên cũng quy định những người nằm ngoài và những người bị loại khỏi vòng chiến phải được tôn trọng về sinh mạng, được đảm bảo toàn vẹn về thân thể và tinh thần. Trong mọi trường hợp, các đối tượng trên phải được bảo hộ và đối xử nhân đạo không có bất kỳ sự phân biệt nào; nghiêm cấm việc giết hoặc làm bị thương đối phương khi họ đã quy hàng hoặc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu; người bị thương hoặc bị ốm phải được thu gom lại và chăm sóc bởi bên đối phương đang cầm giữ họ. Các nhân viên y tế, các trạm và phương tiện vận chuyển và trang thiết bị y tế phải được tôn trọng và bảo vệ. Biểu tượng chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ trên nền trắng là dấu hiệu bảo hộ những người và vật dụng nói trên nên phải được tôn trọng; tù binh và dân thường bị phía đối phương bắt giữ phải được tôn trọng về sinh mạng, phẩm giá, các quyền tự do và tư tưởng cá nhân, chính trị, tín ngưỡng và tập tục tôn giáo. Cấm sử dụng các hành động bạo lực hoặc trả đũa đối với họ. Họ được bảo đảm quyền liên lạc với gia đình và tiếp nhận sự cứu trợ… Tuy nhiên, Trung Quốc không hề để ý đến quy định của Luật Nhân đạo quốc tế, không cho phép tàu mang cờ chữ thập đỏ của Việt Nam vào cứu chữa những người bị thương trên đảo, đồng thời Trung Quốc cũng đàn áp, không cứu chữa những người bị thương khi bắt giữ họ.

Thứ hai, vào thời điểm năm 1988, luật quốc tế đã cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc sử dụng vũ lực chỉ được cho phép trong trường hợp ngoại lệ khi có sự cho phép của Liên hiệp quốc theo Điều 42 hoặc tự vệ khi bị xâm lược theo Điều 51 của Hiến chương. Không những vậy, Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác.

Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của Liên hợp quốc”.

Vi phạm Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này. Trên thực tế, do thiếu vắng sự cho phép của Liên hợp quốc và cơ sở pháp lý hợp pháp cho hành vi tự vệ, hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc vào năm 1988 là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy phạm bắt buộc jus cogen của luật quốc tế.

Không những vậy, Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế.Nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện và có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ đối với các điều ước quốc tế mà nước mình đã tham gia ký kết. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế khác. Lời mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc đã khẳng định quyết tâm của các nước thành viên là: “Tạo những điều kiện cần thiết để bảo đảm công lý và tôn trọng những nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế đặt ra”.

Điều 26 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế cũng nêu rõ “Mọi điều ước đã có hiệu lực ràng buộc các bên tham gia và phải được các bên thi hành với thiện chí”. Tuyên bố năm 1970 về Các nguyên tắc của luật quốc tế; Định ước Helsinki năm 1975 cũng có nêu rõ nguyên tắc này.

Thứ ba, đối với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, việc Trung Quốc dùng súng thảm sát cán bộ, binh lính Việt Nam ở đá Gạc Ma năm 1988 là vi phạm Điều 39 về các nghĩa vụ của tàu thuyền và phương tiện bay trong khi quá cảnh. Theo đó, Việt Nam là nước có chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng, nên tàu thuyền của Trung Quốc khi đi qua vùng biển này “không được đe dọa hay dùng vũ lực để chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của các quốc gia ven eo biển hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc pháp luật quốc tế được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc; Không được có hoạt động nào khác ngoài những hoạt động cần cho sự quá cảnh liên tục và nhanh chóng, theo phương thức đi bình thường, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trừ trường hợp nguy cấp” (Mục b, c, Khoản 1, Điều 39). Điều đáng nói ở đây, Trung Quốc không chỉ đe dọa sử dụng vũ lực mà còn dùng súng để thảm sát cán bộ, binh lính của Việt Nam đang ở trên đá Gạc Ma.

Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm Điều 301 về việc sử dụng biển vào những mục đích hòa bình. Điều 301 quy định: “Trong việc thực hiện các quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình theo đúng Công ước, các quốc gia thành viên tránh dựa vào việc đe dọa hay sử dụng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của mọi quốc gia hay tránh cùng bất kỳ cách nào khác không phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc”.

Thứ tư, khi bắt giữ 9 binh lính Việt Nam, Trung Quốc đã giam giữ và có các hành động tra tấn và không cứu chữa vết thương đối với họ. Hành động này của Trung Quốc cũng đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Genève về đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh chiến tranh. Theo Công ước, đối xử nhân đạo với tù binh và hàng binh chiến tranh là các hướng dẫn về việc bảo toàn an toàn tính mạng, danh dự, phẩm giá tù binh và hàng binh. Nó bao gồm các khuyến cáo về việc trợ giúp cứu chữa cho người bị thương; các hành vi bị khuyến cáo không được phép dùng để truy bức về tinh thần và thể xác; các hình thức, các nhục hình và các lời nói làm xúc phạm đến nhân phẩm người bị bắt hoặc xúc phạm niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng hoặc lý tưởng người bị bắt; các khuyến cáo về việc không được dùng tù binh và hàng binh làm con tin hoặc bia đỡ đạn, hoặc lao động khổi sai… các hướng dẫn về việc sinh hoạt tối thiểu của người bị bắt về vệ sinh, lương thực, thuốc men, thực phẩm tuỳ theo điều kiện cho phép của các bên và tình hình chiến trường. Công ước Genève cũng khuyến cáo các hành vi của lực lượng chiếm đóng đối với dân thường trong việc nhanh chóng lập lại trật tự xã hội, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của dân thường và việc cung cấp các phương tiện sống căn bản và chăm sóc y tế căn bản cho nạn nhân chiến tranh. Công ước Genève cũng xác định các quyền lợi và nghĩa vụ của lực lượng chiếm đóng trong việc được tiếp tục sở hữu các tài sản và quyền lợi của chính quyền cũ về cơ sở hạ tầng và cơ sở kinh tế nhưng lực lượng chiếm đóng phải gánh chịu các nghĩa vụ nợ của chính quyền cũ, kể cả các món nợ lương và lương hưu của các nhân viên dân sự phục vụ chính quyền cũ hoặc các món nợ kinh tế vay từ bên ngoài không phục vụ trực tiếp cho chiến tranh.

RELATED ARTICLES

Tin mới