Sau cuộc duyệt binh quốc tế nhằm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân hôm 23/4 vừa qua, giới quan sát quân sự các nước nhận định Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động tập trận chung song phương, đa phương với ASEAN và các nước, như đã từng tổ chức năm 2018.
Việc tập trận chung giữa TQ và các nước trước đây
Bắt đầu từ năm 2015, Trung Quốc chủ động đề xuất tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với các nước ASEAN ở Biển Đông, nhằm “cùng nhau giải quyết tranh chấp và kiểm soát rủi ro” như giới quân sự nước này thông báo. Do một số nước thành viên ASEAN từ chối tham gia với lý do“Trung Quốc muốn tập trận ở vùng biển có chủ quyền chồng lấn”, tức là ở các khu vực tranh chấp, nên đề xuất của Trung Quốc không được thực hiện. Đến năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đề nghị các nước ASEAN tập trận chung với “mục đích” là nhằm giảm nguy cơ xung đột, song cũng chưa có nước nào đồng ý tham gia. Mãi đến tháng 10/2017, theo lời mời của Trung Quốc, nước này và 6 nước ASEAN (gồm Philippines, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Myanmar và Lào) đã tham gia một cuộc diễn tập chung về cấp cứu trên biển ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, với tình huống giả định là vụ va chạm giữa một tàu chở khách Trung Quốc với một tàu hàng lớn của Campuchia ở trên biển. Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia không tham gia cuộc tập trận này.
Ngày 22/10/2018, cuộc tập trận chung đầu tiên giữa lực lượng hải quân 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông mới diễn ra ở ngoài khơi thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cuộc tập trận do hải quân Singapore, nước hiện giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2018 và hải quân Trung Quốc đồng tổ chức.Theo đài truyền hình CCTV, 8 tàu chiến đã rời cảng Trạm Giang cùng với 1.200 binh lính của 11 nước tham gia cuộc tập trận. Theo kế hoạch, một cuộc tập trận tương tự giữa ASEAN và Mỹ cũng sẽ diễn ra vào năm 2019.
Sáng 13/3/2019, tập trận “Rồng vàng” năm 2019 giữa quân đội Campuchia – Trung Quốc chính thức bắt đầu tại trường bắn đạn thật huyện Chum Kiri, tỉnh Kampot. Lễ khai mạc cuộc diễn tập “Rồng vàng” năm 2019 được tổ chức dưới sự chủ trì của Đại tướng Vong Pisen, Tổng Tư lệnh Quân đội hoàng gia Campuchia, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên, Thiếu tướng Phong Hương, Phó Tham mưu trưởng lục quân, Quân khu miền Nam, Quân đội Trung Quốc. Tại cuộc diễn tập lần này, phía Trung Quốc đã cử các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia bao gồm các lực lượng đặc nhiệm, không quân, lục quân, công binh, pháo binh, tăng thiết giáp…, với tổng quân số là 252 người và các phương tiện, trang thiết bị quân sự hiện đại như xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng, pháo cối… Lực lượng Campuchia tham gia tập trận gồm 2.542 người, trong đó số quân trực tiếp tham gia tập trận là 382 người, lực lượng hậu cần là 448 người, và 1.685 người tham dự lễ khai mạc và bế mạc.
Hải quân Trung Quốc sẽ cũng hải quân Nga tổ chức tập trận hải quân “Tương tác trên biển – 2019” từ ngày 29/4 đến ngày 4/5/2019 tại cảng Thanh Đảo và vùng lãnh hải của Trung Quốc. Phía Nga có tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu hộ tống The Perfect và tàu đổ bộ cỡ lớn “Oslabia” tham gia. Cuộc tập trận hải quân này được tổ chức thường niên kể từ năm 2012 tại các vùng biển khác nhau trên thế giới.
Ý đồ không thay đổi của Trung Quốc trong các cuộc tập trận này
Đầu tiên, Trung Quốc muốn thông qua các sự kiện quốc phòng như vậy để hướng lái dư luận rằng Trung Quốc và các nước sẽ “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”. Thứ hai, các cuộc tập trận chung sẽ giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Đây cũng là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Thứ ba, nước này sẽ sử dụng các cuộc tập trận chung để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Cuối cùng, Trung Quốc muồn dùng các cuộc tập trận chung để xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước.