Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngTàu chiến Mỹ bất ngờ qua lại dày đặc ở eo biển...

Tàu chiến Mỹ bất ngờ qua lại dày đặc ở eo biển Đài Loan

Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc long trọng tổ chức 70 năm thành lập quân chủng hải quân, Mỹ điều hai tàu khu trục đi qua eo biển Đài Loan.

Đây có lẽ là động thái rõ ràng muốn “nhắn nhủ” Bắc Kinh về quyết tâm của Washington nhằm duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.

Thông cáo của hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết hai tàu khu trục USS Stethem và USS William P. Lawrence “đã thực hiện lộ trình đi qua eo biển Đài Loan như thông lệ trong ngày 28 và 29-4”.

Điều này cũng được thực hiện “theo đúng với luật pháp quốc tế” như khẳng định của trung tá hải quân Clay Doss, người phát ngôn hạm đội 7.

Mật độ tàu Mỹ dày đặc ở eo biển

Trong ngày 29-4, Cơ quan quốc phòng Đài Loan xác nhận sự việc, cho rằng việc các chiến hạm Mỹ tự do qua eo biển Đài Loan là một phần trong “các nhiệm vụ chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ”.

Trong năm qua, theo quan sát của báo Japan Times (Nhật Bản), Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động qua lại của tàu chiến ở khu vực eo biển chiến lược rộng 180km ngăn cách giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Đã có ít nhất 7 lần như thế trong vòng 8 tháng qua. Trước đó, các hoạt động kiểu này khá hiếm, thường chỉ diễn ra với tần suất khoảng 1 lần/năm.

Mặc dù eo biển Đài Loan được xem là tuyến đường biển quốc tế, song lâu nay Trung Quốc vẫn luôn nhạy cảm trước sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây. Gần như trong mọi lần chính quyền Trung Quốc đều phát thông điệp phản đối khi chiến hạm Mỹ xuất hiện ở đây. Tuy nhiên, cho tới chiều 29-4, Trung Quốc vẫn chưa phản ứng về sự việc.

Đó là “phát súng” cảnh báo với Trung Quốc, nói rõ là chúng ta sẽ không chấp nhận các hoạt động kiểu “vùng xám” trên biển.

Ông JAMES STAVRIDIS, đô đốc hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho rằng đô đốc Richardson đã đúng khi phát đi thông điệp cứng rắn như vậy với Trung Quốc.

Răn đe “vùng xám” Trung Quốc

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 29-4, truyền thông quốc tế và giới chuyên gia Biển Đông đã chia sẻ một thông tin mà theo giáo sư luật Julian Ku thuộc Đại học Hofstra (Mỹ), có thể là sự kiện đánh dấu “một sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ”.

 Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Financial Times đăng ngày 28-4 (giờ Mỹ), người đứng đầu lực lượng hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, khẳng định Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc rằng họ sẽ hành xử với các hành vi khiêu khích của lực lượng cảnh sát biển và các tàu cá Trung Quốc theo đúng cách Washington “đối xử” với hải quân Trung Quốc.

Đô đốc John Richardson cho biết trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 1 năm nay, ông đã nói với phó đô đốc Thẩm Kim Long của Trung Quốc về quan điểm này, bởi cả hai lực lượng tàu cá và cảnh sát biển của Trung Quốc đều đang được sử dụng để thúc đẩy các tham vọng quân sự của Bắc Kinh.

“Tôi đã nói rất rõ là hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động (tự do hàng hải) thường kỳ, hợp pháp trên toàn thế giới để bảo vệ những điều đúng đắn, các quyền tự do, đảm bảo việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và không phận cho tất cả” – đô đốc Richardson chia sẻ với tờ Financial Times.

Không chỉ tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo ngang nhiên chiếm đóng ở Biển Đông, Trung Quốc còn điều động ra khu vực các lực lượng bán quân sự.

Trong rất nhiều vụ việc liên quan tới các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines và cả với lực lượng hải quân Mỹ, các tàu cá Trung Quốc đã điều động những chuyến tàu đầy ắp người, ngăn chặn việc tiếp cận các đầm phá, quấy rối tàu thuyền nước khác, tham gia chiếm đóng các bãi san hô và bãi cạn.

Trong báo cáo thường niên về tình hình quân đội Trung Quốc năm 2018, Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh những vấn đề liên quan tới lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc. Đây là lực lượng bắt đầu được Bắc Kinh củng cố từ năm 2015, khi lực lượng này ngang nhiên xây dựng trụ sở điều hành tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Lầu Năm Góc khẳng định lực lượng dân quân trên biển đã được huấn luyện cùng với hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định đội tàu của lực lượng này “đóng vai trò đáng kể trong các hoạt động cưỡng bách nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không phải tham chiến”.

Thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng lực lượng dân quân trên Biển Đông vì việc dùng các tàu cá giúp giảm nguy cơ vấp phải phản ứng quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, với cảnh báo mới nhất từ tư lệnh hải quân Mỹ, chắc chắn Bắc Kinh sẽ phải dè chừng hơn khi muốn đưa các tàu không thuộc lực lượng hải quân tham gia những hoạt động gây hấn ở Biển Đông.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng: “Bằng cách đưa ra chính sách cảnh báo mơ hồ đối với lối cưỡng bách kiểu vùng xám của Trung Quốc, Mỹ hi vọng sẽ răn đe Trung Quốc không có hành xử gây bất ổn trên biển, bao gồm cả việc họ trông vào các tàu của cảnh sát biển và dân quân biển để bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn”.

Báo Trung Quốc muốn dùng hạt nhân “đe” Mỹ

Trong bài xã luận đăng trên Thời Báo Hoàn Cầu cuối ngày 28-4, trước thời điểm các chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, tác giả nêu quan điểm cho rằng Trung Quốc cần tăng cường kho vũ khí hạt nhân để “răn đe” Mỹ không tiến hành các hoạt động hàng hải gần Đài Loan và Biển Đông.

Tờ báo thuộc quản lý của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng: “Nếu số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc lên tới hàng ngàn, Mỹ sẽ không bao giờ dám tiến hành kiểu “tự do hàng hải” vớ vẩn này tại Biển Đông và những động thái của họ ở eo biển Đài Loan cũng sẽ bị kiềm chế”.

Từ đó, bài xã luận kêu gọi: “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc nên tăng cường quy mô và chất lượng sức mạnh hạt nhân chiến lược của mình”.

RELATED ARTICLES

Tin mới