Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ có thể sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa lên...

Mỹ có thể sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa lên Triều Tiên, nhất là kinh tế

Căn cứ vào lợi ích cốt lõi và lâu dài của Mỹ, bài viết này sẽ phân tích sách lược Mỹ có thể lựa chọn để xử lý bế tắc do vấn đề hạt nhân của Triều Tiên gây ra.

 
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 26/4/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh những tuyên bố của người đồng cấp Nga Vladimir Putin về vấn đề Triều Tiên sau cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Triều Tiên.

Ông Trump cho biết thêm Trung Quốc đang giúp sức bằng cách tiến hành các nỗ lực hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đồng thời, khẳng định ông rất cảm kích về sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại thành phố cảng Vladivostok của Nga.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận việc tăng cường quan hệ song phương cũng như nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, bao gồm các biện pháp trừng phạt liên quan hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.

Căn cứ vào lợi ích cốt lõi và lâu dài của Mỹ, bài viết này sẽ phân tích sách lược Mỹ có thể lựa chọn để xử lý bế tắc do vấn đề hạt nhân của Triều Tiên gây ra.

Đối với bán đảo Triều Tiên, chắc chắn Mỹ muốn và hiểu được cần phải duy trì vai trò chủ đạo số một không bao giờ lay chuyển đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Mỹ kiểm soát Hàn Quốc và Nhật Bản bằng quan hệ đồng minh quân sự và chính trị.

Quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản tạo thế dựa vào nhau, vừa là di sản của Chiến tranh Thế giới thứ hai, của Chiến tranh Lạnh, lại vừa là hòn đá tảng của hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Quân đồn trú có ba tác dụng chủ yếu. Thứ nhất, giải giáp lực lượng vũ trang của Nhật Bản, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Thứ hai, bảo vệ an ninh của các đồng minh, duy trì sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên.

Thứ ba, điều quan trọng nhất là ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á.

Theo đó, chắc chắn Mỹ sẽ không dỡ bỏ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) một cách dễ dàng.

Quân đội Mỹ nhân cơ hội cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên leo thang để triển khai THAAD. Bởi vì THAAD có thể giúp Mỹ giám sát gần hơn các vụ thử nghiệm và phóng tên lửa liên lục địa.

Đối với các hoạt động viện trợ nhân đạo và nới lỏng trừng phạt, có thể Mỹ sẽ tính đến mức độ viện trợ kinh tế chậm và ít hơn trước khi Triều Tiên chưa từ bỏ vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học, hóa học bằng phương thức giải trừ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID).

Đồng thời, viện trợ kinh tế của Mỹ cũng không thể quá vội vàng và quá nhiều ngay cả sau khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và sinh học, hóa học bằng phương thức này.

Nếu không sẽ tạo tiền lệ cho một số quốc gia và tổ chức khủng bố cố tình tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân để hăm dọa thế giới.

Chủ tịch Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump cùng nhau đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole tại Hà Nội (Ảnh: Reuters).

Định nghĩa về phi hạt nhân hóa có thể sẽ được Mỹ nghiên cứu, xem xét lại để các bên liên quan có thể đi đến thống nhất về nội hàm của phi hạt nhân hóa.

Hiện tại, định nghĩa của Mỹ chỉ là Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân bằng phương thức CVID.

Trong khi đó, cả Triều Tiên và Hàn Quốc cho rằng định nghĩa này nên được hiểu là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố chung Bình Nhưỡng ngày 19/9/2018 sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu rõ: “phải khiến cho bán đảo trở thành vùng đất hòa bình không có vũ khí hạt nhân và mối đe dọa từ loại vũ khí này”.

Theo đó, có thể hiểu rằng không chỉ Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân mà mọi vũ khí hạt nhân của tất cả cường quốc hạt nhân cũng không thể đưa vào bằng bất cứ cách nào để đe dọa bán đảo, trong đó có cả Mỹ, Nhật Bản,…

Đối với Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump có lẽ sẽ tiếp tục kiên trì gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên, đặc biệt là về kinh tế.

Mỹ càng trừng phạt nghiêm khắc, lập trường càng cứng rắn thì rủi ro chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên lại càng nhỏ. Lúc đó, đàm phán về phi hạt nhân hóa càng có kết quả sớm hơn.

Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sau năm 2020 mới là cơ hội tốt nhất để xem xét xóa bỏ toàn bộ trừng phạt đối với Triều Tiên.

Về phía Triều Tiên, khó khăn vì phải trả giá cho việc buôn bán hàng cấm vận sẽ không ngừng tăng lên, cần chi nhiều tiền, vàng hơn song lại khó thu về khiến dự trữ tiền, vàng ngày càng cạn kiệt.

Khi đó, tình hình kinh tế của Triều Tiên sẽ trở nên vô cùng khó khăn, chính quyền sẽ có thái độ, mức độ và tốc độ đàm phán từ bỏ hạt nhân khác hơn.

Nguyên nhân khiến cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un lần 2 tại Hà Nội thất bại là do bất đồng về lợi ích giữa Mỹ và Triều Tiên quá lớn.

Trong chiến lược của chính quyền Donald Trump, nếu các lệnh trừng phạt nghiêm khắc được nới lỏng thì Triều Tiên có thể sẽ tìm mọi cách làm cho tiến trình phi hạt nhân dậm chân tại chỗ.

Nếu Triều Tiên không đàm phán, không nhượng bộ thì Mỹ chắc chắn vẫn duy trì mức độ trừng phạt hiện tại.

Nếu Triều Tiên tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa mới thì đó là sự khiêu khích nghiêm trọng lâu dài đối với Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, trật tự quốc tế và hòa bình thế giới.

Mỹ phải đệ trình một dự thảo trừng phạt mới nghiêm khắc hơn, Hội đồng Bảo An nhiều khả năng sẽ nhất trí thông qua.

Trong trường hợp đó, các nỗ lực làm dịu căng thẳng của Triều Tiên từ đầu năm 2018 đến nay không thu được bất kỳ lợi ích nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới