Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ ra đòn thương mại với TQ, bài toán Triều Tiên thêm...

Mỹ ra đòn thương mại với TQ, bài toán Triều Tiên thêm phức tạp

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng mối quan hệ mật thiết với Triều Tiên để gây sức ép trong đàm phán thương mại với Mỹ.

Mỹ bất ngờ ra đòn

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra theo chiều hướng xấu khi Tổng thống Donald Trump hôm qua (5/5) thông báo trên Twitter rằng từ 10/5 sắp tới, mức thuế nhập khẩu 10% đang áp dụng với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ được tăng lên thành 25%.

Trong thông báo, ông Trump cũng dọa sẽ sớm áp thuế 25% với 325 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa. Tổng thống Mỹ khẳng định: “Thuế này ít có ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Thiệt hại chủ yếu do Trung Quốc gánh. Đàm phán thương mại với Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, nhưng quá chậm”.

Về phía Trung Quốc, một nguồn tin thân cận cho hay Bắc Kinh đang cân nhắc hủy chuyến đi của đoàn đàm phán tới Washington tuần này. Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán khoảng 100 người tới Washington vào ngày 8/5.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kéo dài 10 tháng qua. Mỹ áp thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Trung Quốc cũng đáp trả với thuế tương tự lên 110 tỷ USD hàng Mỹ. Đến đầu tháng 12/2018, ông Trump và ông Tập quyết định đình chiến để đàm phán thỏa thuận thương mại. Việc này phần nào giúp nhà đầu tư bớt lo ngại. Gần đây, Mỹ và Trung Quốc tích cực gặp gỡ để tìm cách tháo gỡ bế tắc hiện nay. Giới chức hai bên đều tỏ ra lạc quan với tiến triển đạt được.

Chính vì thế, thông báo của ông Trump ngày 5/5 cho thấy sự đảo ngược hoàn toàn về quan điểm của Nhà Trắng. Theo đánh giá của giới quan sát, động thái này chẳng những khiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang căng thẳng mà còn khiến cho việc giải quyết bài toàn phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thêm phần phức tạp.

Ông Harry Kazianis, giám đốc dự án Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia (CNI) Mỹ cảnh báo: “Tổng thống Donald Trump đã nói về việc tăng thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump cần phải cẩn trọng vì nó có thể làm chính sách Triều Tiên của ông ấy đổ vỡ”.

Trước đó, hôm 5/5, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Triều Tiên hôm 4/5 đã thực hiện một cuộc “diễn tập tấn công” mục tiêu trên biển dưới sự giám sát trực tiếp của lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-un đã kiểm tra “năng lực tác chiến của các khí tài và thiết bị”, đồng thời hối thúc các binh sĩ cần ghi nhớ “thực tế rằng hòa bình và an ninh thực sự chỉ được đảm bảo bằng sức mạnh”. Ông nhấn mạnh cần thiết phải “tăng cường khả năng chiến đấu, nhằm bảo vệ chủ quyền và sự tự chủ kinh tế” của Triều Tiên trước các mối đe doạ và ý đồ xâm lược.

Động thái này của Triều Tiên diễn ra chỉ 2 tháng sau khi cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng tại Hà Nội không đạt kết quả như mong muốn. Các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ kể từ đó

Triều Tiên trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Chính quyền Tổng thống Trump cho đến nay vẫn bảo lưu quan điểm gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên, bao gồm cả đe dọa tấn công quân sự đi kèm với các biện pháp bao vây, cấm vận về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Harry Kazianis, không phải Mỹ mà chính Trung Quốc mới là bên có thể gây tác động lớn nhất đối với Triều Tiên bởi có tới 90% hàng hóa của Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh có thể tận dụng các mối quan hệ với Bình Nhưỡng như đòn bẩy trên bàn đàm phán với Washington.

Nếu thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sụp đổ, Bắc Kinh có thể sử dụng mối quan hệ với Triều Tiên như một thứ vũ khí để chống lại Washington, ông Kazianis nói. Trung Quốc có thể “xả van” áp lực tối đa mà Mỹ muốn áp đặt với Triều Tiên chỉ trong vài ngày bằng cách mở cửa biên giới.

Theo ông Kazianis, vụ thử nghiệm vũ khí cuối tuần qua là nỗ lực của ông Kim Jong-un để nhắc nhở với Mỹ rằng Triều Tiên vẫn có khả năng tiếp tục phát triển năng lực quân sự. Ông Kazianis cho rằng, Triều Tiên có thể vẫn đang tiếp tục chế tạo tên lửa đạn đạo trong các phòng thí nghiệm, chỉ có điều không tiến hành phóng thử mà thôi.

“Vì vậy mà những gì ông Kim Jong-un đang muốn cố gắng nói với chúng ta là: Hãy nhìn xem, nếu bạn không thể đạt được thỏa thuận, vũ khí của chúng tôi sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và tốt hơn hết là nên có được một thỏa thuận ngay bây giờ”, ông Kazianis giải thích.

Phi hạt nhân hóa theo giai đoạn là yêu cầu bắt buộc

Ông Kazianis cho rằng cách duy nhất để Washington có thể tiến tới một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng là thực hiện cách tiếp cận từng bước.

“Cách duy nhất để làm điều này là phi hạt nhân hóa theo giai đoạn, trong đó Triều Tiên nhượng bộ và chúng tôi cũng có nhượng bộ phù hợp. Tôi cho rằng, sẽ là ảo tưởng khi theo đuổi cái gọi là thỏa thuận lớn – với việc Triều Tiên cơ bản từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và sau đó Mỹ mới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”, ông Kazianis nói.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới