Nhật báo Wall Street Journal (23/4) cho biết Bắc Kinh sử dụng các vệ tinh của Mỹ vào mục đích tăng cường an ninh theo dõi dân và phục vụ quân đội kiểm soát trái phép ở Biển Đông.
Vệ tinh của Mỹ chụp ảnh hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc
Trung Quốc sử dụng vệ tinh của Mỹ
Theo Wall Street Journal, Mỹ có một bộ luật cấm các công ty Mỹ bán vệ tinh cho Trung Quốc, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã lách luật này bằng cách thuê băng tần truyền qua các vệ tinh đã đưa lên quỹ đạo, hoặc sử dụng các vệ tinh Mỹ bán cho các công ty của Hồng Kông. Cụ thể, công ty AsiaSat, trụ sở tại Hồng Kông được kiểm soát chủ yếu bởi Citic, một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc và quỹ Carlyle của Mỹ. Hai công ty này nắm 75% vốn của công ty. Trong những năm gần đây, AsiaSat đã đưa 9 vệ tinh do Mỹ sản xuất lên quỹ đạo trái đất. Chủ yếu đó là các vệ tinh của Boeing và SSL, một công ty thuộc tập đoàn Mỹ Maxar Technologie.
Wall Street Journal cho biết, các tài liệu chứng khoán của AsiaSat, bản tiếng Anh mô tả các hoạt đông của công ty là truyền tín hiệu truyền hình, chủ yếu là các chương trình thể thao. Nhưng các bản tiếng Trung thì ghi rõ là các vệ tinh của AsiaSat đã giúp chính phủ Trung Quốc trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ và các vụ nổi dậy bạo động ở Tây Tạng hay trong vùng Hồi Giáo Tân Cương từ năm 2008-2009. Cụ thể, theo phóng sự điều tra của Wall Street Journal, đầu năm 2013, một công ty viễn thông Trung Quốc đã sử dụng vệ tinh của AsiaSat để cung cấp dịch vụ điện thoại di động và truy cập internet cho các đơn vị quân đội Trung Quốc đang đóng trong các khu vực có tranh chấp trong Biển Đông.
Đáng chú ý, AsiaSat biện minh và giải thích rằng quân đội Trung Quốc “chỉ dùng các vệ tinh của họ trong trường hợp có tai nạn hoặc thiên tai lớn”.
Trung Quốc đang tìm mọi cách phát triển hệ thống vệ tinh riêng
Trên thực tế, trong những năm gần đây, cùng với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, Bắc Kinh đã tích cực nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống vệ tinh hiện đại, có tầm quan sát tốt. Ngoài việc phục vụ các mục đích dân sự, hệ thống vệ tinh của Trung Quốc còn được triển khai thành lực lượng trinh sát chiến lược, được sử dụng trong các hoạt động trinh sát, kiểm soát và theo dõi quân sự. Trong đó, việc giám sát, theo dõi phi pháp ở Biển Đông là một trong những mục tiêu chiến lược được Bắc Kinh đặc biệt quan tâm.
Giám sát biển được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển vệ tinh của Bắc Kinh, được ưu tiên ở cấp quốc gia và là một trong 8 lĩnh vực quan trọng đã được xác định trong Kế hoạch Phát triển Công nghệ Cao của Nhà nước mang số hiệu 863. Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) và một cơ quan nhà nước (SOA) có nhiệm vụ thiết kế, phát triển và quản lý các vệ tinh giám sát biển đầu tiên của Trung Quốc. Thời gian vừa qua, quân đội Trung Quốc đã phóng khá nhiều vệ tinh trinh sát biển với khả năng hỗ trợ tác chiến cho tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa phòng không, như các vệ tinh quang – điện tử (EO) cung cấp hình ảnh số; vệ tinh mang rađa mặt mở tổng hợp (SAR) để quan sát ban đêm, cung cấp hình ảnh trong mọi điều kiện thời tiết; vệ tinh tình báo điện tử (ELINT) để xác định vị trí và nhận dạng các tàu bằng phát xạ điện từ.
Bắt đầu từ tháng 5/2002, Trung Quốc phóng vệ tinh giám sát biển đầu tiên Hải Dương-1A (HY-1A) lên quỹ đạo. Vệ tinh này theo dõi nhiệt độ và màu sắc nước biển, đồng thời thực hiện cả nhiệm vụ quân sự. Đến tháng 4/2006, Bắc Kinh phóng vệ tinh Dao cảm để đẩy nhanh quá trình kiểm soát, theo dõi ở Biển Đông. Tháng 4/2007, Trung Quốc tiếp tục phóng vệ tinh Hải Dương-1B để giám sát các vùng biển, kể cả các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc. Cùng năm, Bắc Kinh triển khai 3 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu-1, tuy việc cung cấp dịch vụ ở phạm vi từ 70-140 kinh độ đông và từ 5-55 vĩ độ bắc còn hạn chế nhưng khu vực dẫn đường chính xác tới 20m. Năm 2012, quân đội Trung Quốc đã phóng 11 vệ tinh cảm biến từ xa (remote sensing) mới, 3 vệ tinh thông tin liên lạc và 1 vệ tinh chuyển tiếp để liên lạc với các trạm mặt đất. Trung Quốc cũng đã phóng các hệ thống vệ tinh cảnh giới đại dương hải quân (NOSS) phiên bản thứ ba vào tháng 9/2013. Trong năm 2016, Bắc Kinh phóng vệ tinh “Gaofen3” được trang bị hệ thống radar, có khả năng chụp hình ảnh từ vũ trụ với độ phân giải lên tới 1 mét và hoạt động được trong mọi thời thiết để “giám sát môi trường biển, đảo, đá, tàu và các giếng dầu”. Năm 2018, Trung Quốc đã phóng thêm 10 vệ tinh quang học và 15 vệ tinh Hải Dương để tăng cường giám sát Biển Đông. Đáng chú ý, những vệ tinh trên còn có khả năng phân tích mọi vật thể trên vùng biển này một cách chi tiết đến mức có thể xác định được cấu trúc của các con tàu. Theo dự kiến, từ năm 2019 Trung Quốc sẽ triển khai chương trình trên và sẽ hoàn thiện vào năm 2021. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, Trung Quốc sẽ phóng lên quỹ đạo 3 vệ tinh quang học đầu tiên vào nửa cuối năm 2019. Chúng sẽ được trang bị các cảm biến quang học điều khiển từ xa, có khả năng định vị tàu thuyền và theo dõi bề mặt nước biển. Tuy nhiên, hệ thống camera trang bị cho 3 vệ tinh quang học đầu tiên sẽ chỉ đủ độ phân giải để tập trung vào các tàu có kích thước trung bình và cỡ lớn. Trong giain đoạn thứ hai, Trung Quốc sẽ phóng 2 vệ tinh siêu phổ vào năm 2020. Vệ tinh trên có khả năng đánh giá điều kiện môi trường nước biển. Trong giai đoạn cuối, Trung Quốc sẽ phóng 3 vệ tinh quang học và 2 vệ tinh radar vào năm 2021, những vệ tinh này có khả năng giám sát độ phận giải cao, trong mọi điều kiện thời tiết.
Song song với việc phóng vệ tinh vào vũ trụ, Trung Quốc cũng xây dựng, đưa vào sử dụng các trạm thu nhận tín hiệu mặt đất, trong đó có trạm đặt tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, được lắp đặt hai hệ thống truyền và nhận dữ liệu, lấy thông tin từ hơn 10 vệ tinh gồm: vệ tinh Thực tiễn số 9, vệ tinh Gám sát môi trường và thiên tai, vệ tinh Giám sát tài nguyên số 3… và truyền dữ liệu bằng cáp quang tốc độ cao. Với trạm này, Trung Quốc được cho là có khả năng thu thập dữ liệu qua vệ tinh về khu vực Biển Đông, qua đó, phân tích, dự báo tình hình môi trường, giám sát thiên tai, nghiên cứu tác động biến đổi khí hậu, giám sát trái phép những thay đổi đối với các đảo trên Biển Đông cũng như giúp nước này hoàn thiện trái phép các hệ thống nghiên cứu khoa học như: hệ thống bảo vệ môi trường sinh thái, hệ thống giám sát băng cháy, hệ thống nghiên cứu địa chất đáy biển, hệ thống giám sát tài nguyên nguồn cá… .
Hệ thống vệ tinh trên của Trung Quốc nhằm phục vụ âm mưu tăng cường kiểm soát Biển Đông
Thứ nhất, hệ thống vệ tinh trên có khả năng thu thập thông tin, theo dõi bề mặt nước biển, đánh giá điều kiện môi trường nước biển và có khả năng định vị tàu thuyền trong mọi điều kiện thời tiết; khiến Bắc Kinh nắm bắt được sự thay đổi về môi trường sinh thái ở các vùng biển và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp với đặc điểm từng vùng.
Thứ hai, hệ thống giám sát cũng hỗ trợ hải quân, nhất là lực lượng tàu ngầm chiến lược và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trong việc định hướng, xác định mục tiêu và theo dõi tàu chiến của các nước khác. Theo thiết kế, các tàu ngầm thường dùng kỹ thuật lan truyền sóng âm thanh dưới nước (sonar) để xác định vị trí, nhận diện và theo dõi tàu khác. Tốc độ và hướng của sóng âm lại bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ và độ mặn của vùng nước tàu chạy qua, điều này sẽ khiến tàu ngầm Trung Quốc khó có thể tấn công chính xác các mục tiêu,
Thứ ba, hệ thống giám sát trên còn giúp Trung Quốc giám sát tàu thuyền của các nước hoạt động trong khu vực Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi để Bắc Kinh đưa ra đối sách phù hợp nhằm ngăn chặn, giám sát hoặc xua đuổi tàu thuyền các nước.
Thứ tư, hệ thống vệ tinh trên cũng khiến Bắc Kinh nắm được mọi di biến động trên các đảo ở Biển Đông, bao gồm cả các vị trí bố trí quân sự của các nước.
Hệ thống vệ tinh trên của Trung Quốc là bước đi nguy hiểm, tác động lớn đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Thứ nhất, một khi được hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực kiểm soát trên thực địa của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp; đe dọa đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; góp phần gia tăng cơ sở vật chất – kỹ thuật để khẳng định “chủ quyền” phi pháp trong khu vực; đẩy mạnh khả năng thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước.
Thứ hai, việc triển khai hệ thống giám sát vệ tinh trên biển còn khiến Trung Quốc nắm bắt, kiểm soát tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông, nâng cao năng lực phối hợp tác chiến, giành ưu thế trong mọi tình huống…
Thứ ba, tuy Trung Quốc liên tục tuyên truyền rằng các hệ thống giám sát hàng hải của Bắc Kinh chủ yếu phục vụ kiểm soát tài nguyên, phòng chống thiên tai hay đảm bảo an toàn hàng hải. Nhưng mục đích thật sự của Chính quyền Bắc Kin nhằm phục vụ nhu cầu quân sự. Hành động theo dõi, giám sát hoạt động của tàu, thuyền của các nước đang qua lại ở Biển Đông là vi phạm các quy định về luật pháp quốc tế và đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải.
Việc Trung Quốc triển khai hệ thống vệ tinh giám sát ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc triển khai kế hoạch phóng vệ tinh theo dõi các vùng biển của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc triển khai hệ thống giám sát dưới đáy Biển Đông cũng đi ngược lại Điều 2 và Điều 3 của Tuyên bố về ứng xử của các các bên ở Biển Đông (DOC). Điều 2 quy định: “Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”. Trong khi đó, Điều 3 ghi rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS 1982”.
Nhìn chung, Bắc Kinh triển khai hệ thống vệ tinh giám sát phi pháp ở Biển Đông là để tăng cường quyền kiểm soát trong khu vực, ngăn chặn Mỹ và các nước can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Việc dùng vệ tinh để viễn thám “kiểm soát” trái phép mọi động thái diễn ra trên khu vực Biển Đông là một bước leo thang mới hết sức nguy hiểm và khó lường của Bắc Kinh. Hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông mà còn vi phạm luật pháp quốc tế liên quan.