Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChi tiêu quốc phòng TQ: Các nước lo ngại về sự mở...

Chi tiêu quốc phòng TQ: Các nước lo ngại về sự mở rộng quân sự của Bắc Kinh và nguy cơ mất ổn định trong khu vực

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng thế giới đã đạt đến mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, chủ yếu do sự tăng mạnh ngân sách quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc.

TQ tăng ngân sách quốc phòng thứ 24 liên tiếp

Trong Báo cáo thường niên về chi tiêu quốc phòng thế giới, SIPRI cho biết tổng cộng chi tiêu quân sự của thế giới trong năm 2018 đạt 1.820 tỉ USD, tăng 2,6% so với năm 2017. Đây là con số kỉ lục kể từ năm 1988, thời điểm Chiến tranh lạnh sắp sửa kết thúc. Đáng chú ý, Trung Quốc là nước có ngân sách lớn thứ 2 (sau Mỹ) với mức tăng 5%, đạt 250 tỉ USD và là năm tăng ngân sách quốc phòng thứ 24 liên tiếp của Trung Quốc.

Hồi đầu năm 2018, Trung Quốc thông báo nước này nâng ngân sách quốc phòng lên mức hơn 1,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (174 tỷ USD), tăng 8,1% so với 7% của năm 2017. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố “đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong môi trường an ninh quốc gia, chúng ta phải khẳng định vững chắc vị trí lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc tăng cường phát triển lực lượng vũ trang”.

TQ dành ngân sách cho hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông?

Theo giới phân tích quốc tế và khu vực, các hoạt động quân sự hóa, bồi đắp đảo ở Biển Đông đã tiêu tốn hàng tỷ USD của Trung Quốc. Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ không quân sự hóa các bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà nước này cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo và xây dựng các công trình trái phép trên đó. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, Trung Quốc đã công khai ý đồ độc chiếm Biển Đông. Từ cuối năm 2016 khi nước này quyết định đưa súng phòng không cùng các khí tài mà nước này gọi là “các hệ thống vũ khí cận chiến” hiện diện thường trực trên các đảo nhân tạo nói trên. Để hoàn thiện khả năng kiểm soát toàn khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã triển khai cả tên lửa hành trình đối hạm và tên lửa đất đối không lên ít nhất 3 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa là đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi. Trong đó, tên lửa đất đối không HQ-9B có tầm hoạt động hơn 200km và tên lửa hành trình đối hạm YJ-12B có tầm hoạt động lên tới gần 300km bao trùm hầu khắp khu vực phía Đông Biển Đông và đe dọa tới hạm đội Hải quân của một số nước khác. Các hoạt động quân sự hóa tương tự cũng diễn ra ở khu vực phía Tây Biển Đông. Trung Quốc đã liên tục mở rộng và hiện đại hóa phi pháp các căn cứ trên đảo Phú Lâm, một trong những hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Trung Quốc đã kéo dài đường băng trên hòn đảo này lên 2.700m, đủ để các chiến đấu cơ nước này dễ dàng cất và hạ cánh. Trung Quốc cũng đã nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển trên đảo và triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 đến đây.

Tiêu tốn ngân sách cho tàu sân bay và vũ khí mới ở Biển Đông

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết nước này sẽ chế tạo 4 tàu sân bay hạt nhân vào năm 2035 để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, mở rộng sức mạnh và cố gắng bắt kịp Mỹ về sức mạnh hải quân. Để theo đuổi tham vọng này, Trung Quốc cũng phải tốn rất nhiều tiền trong suốt những năm qua. Trung Quốc hiện có một tàu sân bay đang hoạt động là Liêu Ninh, được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Liêu Ninh vốn là tàu sân bay Varyag chưa hoàn thành của Liên Xô cũ được Trung Quốc mua lại từ Ucraina. Trung Quốc đã tiêu tốn hàng chục triệu USD để tân trang, nhưng sau đó tàu này chỉ được sử dụng để huấn luyện phi công và thủy thủ đoàn tàu sân bay. Bắc Kinh cũng đang thử nghiệm tàu sân bay Type-001A đóng mới trong nước. Con tàu này cũng khiến Bắc Kinh tiêu tốn khá nhiều ngân sách khi vừa phải chế tạo vừa phải thử nghiệm để sửa chữa. Đến nay,tàu sân bay Type-001A vẫn chưa thể bàn giao cho quân đội Trung Quốc. Hồi tháng 11/2018, Trung Quốc loan báo đóng tàu sân bay nội địa thứ hai. Tàu sân bay Type-002 sẽ được trang bị máy phóng điện từ (EMALS), tương tự loại sử dụng trên siêu tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ. EMALS giảm sự hao mòn cho tàu và máy bay, cho phép phóng máy bay lên không trung nhanh hơn. Tuy nhiên, một nguồn tin quân đội Trung Quốc giấu tên nói rằng công việc trên tàu sân bay Type-002 đã chậm lại do cắt giảm ngân sách và chi phí gia tăng liên quan đến tiêm kích trên hạm J-15.

Ngân sách không nhỏ cho các hoạt động tập trận, huấn luyện

Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc đẩy quân đội tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu kể từ khi ông đảm nhận công việc lãnh đạo đất nước vào năm 2012. Các nhà quan sát cho rằng việc tăng cường các cuộc tập trận có thể là nhằm mục đích củng cố sức mạnh quân sự Trung Quốc, nhưng việc đề cập tới mục tiêu này vào đầu năm cũng cho thấy đó là một phần việc quan trọng hơn trong kế hoạch năm 2019. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã tiến hành hàng chục cuộc tập trận ở Biển Đông và tiêu tốn khá nhiều ngân sách. Tháng 2/2018, Biên đội Huấn luyện thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã tiến hành tập trận tại các khu vực Biển Đông, Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương với các tình huống giả định về phòng không, bảo vệ hàng hải và tác chiến trên biển. Tháng 3/2018, Trung Quốc tiếp tục tổ chức tập trận ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Trong đó, phía truyền thông Trung Quốc cho biết cuộc tập trận này nhằm nâng cao khả năng kiểm soát thực địa các vùng biển tranh chấp, trong đó đã huy động cả các máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35. Tháng 4/2018, Trung Quốc tổ chức tập trận trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Vi Châu 24 hải lý về phía Đông Bắc và 11 hải lý về phía Đông Nam. Trong đó, ngày 26/3, tàu sân bay Liêu Ninh và khoảng 40 tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào khu vực phía Nam đảo Hải Nam để tiến hành tập trận. Không quân Trung Quốc cũng đã điều 12 máy bay ném bom H-6K xuất phát từ tỉnh Thiểm Tây đến “một địa điểm ở Biển Đông” để tiến hành huấn luyện và diễn tập chiến đấu tầm xa. Từ ngày 04/4 đến ngày 12/4/2019, Trung Quốc cũng tiến hành tập trận bắn đạn thật kéo dài 07 ngày tại khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam, với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và 48 tàu chiến các loại, 76 máy bay chiến đấu và hơn 10.000 binh sỹ và nhiều tàu ngầm thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trực tiếp thị sát cuộc tập trận này. Dư luận cho rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh và thể hiện quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời đáp trả sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ và các nước ở Biển Đông, cũng như việc Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với các nước.

TQ ưu tiên ngân cách cho chế tạo các loại vũ khí công nghệ cao

Kể từ đầu năm 2019, quân đội Trung Quốc tiết lộ hàng loạt các loại vũ khí tinh vi với những thông số kỹ thuật đáng gờm. Các thử nghiệm về loạt vũ khí này cũng được đưa tin lan tràn trên nhiều mặt báo của Trung Quốc. Trung Quốc đang xây dựng một tổ hợp các hệ thống phòng thủ đặt sâu dưới địa hình đồi núi tại một địa điểm không được tiết lộ có tác dụng bảo vệ các căn cứ của Trung Quốc, hệ thống này được mệnh danh là “vạn lý trường thành ở Biển Đông” của Trung Quốc. Nước này cũng đẩy mạnh thử nghiệm chế tạo các nhà máy điện hạt nhân nổi, hệ thống định vị về tinh Bắc Đẩu ở Biển Đông, vũ khí điện từ… Truyền hình Trung Quốc cũng lần đầu tiên giới thiệu máy bay không người lái tàng hình Thiên Ưng vào đầu tháng 1/2019 với các tính năng ấn tượng có thể bay nhanh hơn, xa hơn và tránh bị phát hiện. Gần đây nhất, nước này công bố loại máy bay săn ngầm thế hệ mới nhất Y-8Q/GX-6 của quân đội nước này. Mẫu máy bay săn ngầm này của Hải quân Trung Quốc được trang bị 4 động cơ turboprop WJ-6C với 6 cánh quạt cho tốc độ tối đa 660km/h, tốc độ hành trình 550km/h. Máy bay đạt tầm bay tối đa 5.615km, trần bay 10,4km, tốc độ lên cao 10m/s.

RELATED ARTICLES

Tin mới