Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiGiải mã vai trò của nhân tố TQ trong "ván cờ" Triều...

Giải mã vai trò của nhân tố TQ trong “ván cờ” Triều Tiên

Sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 (2-2019) tại Hà Nội mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, giới quan sát quốc tế nhận định, Trung Quốc có thể là nhân tố ảnh hưởng không hề nhỏ đến kết quả cuộc gặp này. Vậy Trung Quốc thực sự đang đóng vai trò gì trong “ván cờ” hạt nhân Triều Tiên?

Triều Tiên từ lâu đã coi việc trở thành đồng minh của Trung Quốc là điều hiển nhiên, bởi họ nhận thấy được nhu cầu địa chính trị của Trung Quốc trong việc duy trì Triều Tiên như một bước đệm ổn định.

Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này là sự phụ thuộc đối với Trung Quốc nhằm đảm bảo đối trọng và cải thiện mối quan hệ với các quốc gia khác mà Triều Tiên không mong muốn.

Nhìn lại lịch sử

Ngày 25-6 tới đây sẽ đánh dấu 69 năm nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), thời điểm quân Triều Tiên tràn qua đường vĩ tuyến 38, mở đầu cho cuộc chiến khiến hơn 3 triệu người thiệt mạng.

Cuộc chiến sau đó chứng kiến sự đối đầu trực tiếp giữa một bên là liên quân Mỹ và bên còn lại là Trung Quốc, sau khi nước này lo ngại chiến tranh sẽ lan rộng qua bờ sông Áp Lục – biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên (khi đó còn gọi là Bắc Triều Tiên).

Hiệp định đình chiến nổi tiếng từng được ký ở Bàn Môn Điếm không chỉ có Mỹ (đại diện cho Liên hợp quốc) và Bắc Triều Tiên, mà còn có Bắc Kinh.

Bởi vậy, từ năm 1953, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên luôn được coi là những bên chính trong các vấn đề liên quan đến bán đảo này. Bắc Kinh là đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng, là nơi bảo đảm an ninh cũng như cung cấp nhu yếu phẩm cho Triều Tiên khi quốc gia này bị áp đặt lệnh cấm vận quốc tế.

Các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc luôn tận dụng vị thế này để giữ vai trò “cầm cờ lệnh” trong vấn đề Triều Tiên.

Bước ngoặt khó đoán hơn

Thế nhưng, mọi việc trở nên khó đoán hơn từ năm 2011, khi ông Kim Jong-un chính thức trở thành lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, với nhiều động thái bất ngờ và không có tiền lệ, dường như Bắc Kinh không thể kiểm soát được Bình Nhưỡng theo cách họ muốn như trước.

Dù là đồng minh, Trung Quốc vẫn ủng hộ nhiều lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên, điều này trong lịch sử rất hạn chế thực hiện. Trong khi đó, những nhà lãnh đạo cao cấp được cho là thân với Bắc Kinh như người chú và cũng là người đỡ đầu của Chủ tịch Kim Jong-un, Jang son-thaek, cũng bị thanh trừng.

Những đột biến ngoại giao từ đầu năm 2018 ở bán đảo Triều Tiên, từ Olympic PyeongChang với sự góp mặt của bà Kim Yo-yong (em gái Chủ tịch Kim Jong-un) cho đến Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3, sau 10 năm tại Bàn Môn Điếm và tất nhiên, cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ tại Singapore, đều không thấy hình ảnh của Bắc Kinh.

Đó thực sự là tình huống “qua mặt” mà Trung Quốc không hề mong muốn. Với tất cả những yếu tố lịch sử, địa chính trị, vấn đề kiềm tỏa của Mỹ và tham vọng “hóa rồng” của Trung Quốc trong thế kỷ này, sẽ rất ngây thơ nếu tin rằng, Bắc Kinh cho phép bán đảo Triều Tiên đi theo những hướng đi mà không có sự góp mặt của mình.

Mối lo ngại lớn nhất của Trung Quốc là sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á, đặc biệt khi hai miền Triều Tiên thống nhất theo cách sắp xếp của người Mỹ.

Mong muốn của một siêu cường mới nổi như Trung Quốc chắc chắn là việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, để tự do làm “anh cả” trong khu vực. Khi không có tiếng nói quyết định về tương lai của một đất nước Triều Tiên thống nhất, người Trung Quốc có lẽ vẫn coi giải pháp hai miền như hiện tại là tối ưu cho họ, bởi nguy cơ một thế lực hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, lại thân Mỹ nằm sát ngay biên giới là điều “không thể chấp nhận được”.

Bắc Kinh chưa từng thể hiện mong muốn cụ thể nào trong đàm phán liên Triều, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng ẩn ý rằng: “Trung Quốc sẽ đóng một vai trò trong việc thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ngụ ý, Bắc Kinh sẽ tìm kiếm vai trò “tích cực hơn”.

Chính vì vậy, không khó hiểu khi tâm lý lạc quan ở Đông Á về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều nhanh chóng xẹp xuống sau khi ông Kim Jong-un sang Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Rõ ràng, Bắc Kinh muốn quá trình này diễn ra chậm hơn và họ phải là người cầm lái thay vì chính Triều Tiên, Hàn Quốc, hay Mỹ.

Bởi, nếu nhìn vào Singapore, sẽ thấy một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, nơi Hàn Quốc đóng vai trò không chính yếu và Trung Quốc thậm chí không góp mặt. Đó sẽ là thất bại với Bắc Kinh, và chắc chắn Trung Quốc sẽ tránh lặp lại điều này trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong tương lai.

Người bảo hộ cuối cùng?

Cùng với đó, dù mối quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng có phần nguội lạnh hơn so với trước, Trung Quốc vẫn giữ vai trò là “người bảo hộ cuối cùng” cho Nhà nước Triều Tiên.

Theo đó, quốc gia này sẽ không mạo hiểm tiến hành những bước thay đổi lớn lao mà không có sự tham gia của Bắc Kinh. Bởi thế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp ông Kim Jong-un đến 2 lần trong vòng hơn 1 tháng trước thềm hội nghị Singapore (một lần sau hội nghị Bàn Môn Điếm và lần hai sau khi biết thông tin về cuộc gặp sẽ diễn ra với Mỹ) – điều này chưa từng có tiền lệ. Rất có thể, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã ấm lên trông thấy sau cuộc hội đàm ở Singapore.

Những thay đổi chóng mặt ở Đông Bắc Á buộc Trung Quốc phải “lộ mặt” và trở nên tích cực hơn về vấn đề Triều Tiên trong thời gian tới. Trung Quốc sẽ phải tỏ rõ quan điểm: liệu họ muốn một cơ chế hòa bình song phương giữa Mỹ – Triều Tiên, ba bên giữa Mỹ – Triều Tiên – Hàn Quốc, hay bốn bên với sự tham gia của mình?

Lợi ích quốc gia mà Bắc Kinh có được ở bán đảo Triều Tiên là không thể phủ nhận, tuy vậy, họ cũng sẽ phải cân bằng nó trong những cuộc đàm phán, chứ không chỉ bằng quan hệ song phương và các cách thức “kín đáo” như vẫn thực hiện từ trước đến nay.

Kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Singapore được công bố vào tháng 3-2018 đến nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thăm Trung Quốc tổng cộng 4 lần. Trong mọi cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ hay Hàn Quốc của ông Kim đều có sự góp mặt của Trung Quốc.

Điều này chứng tỏ ông Kim “ngầm” coi Trung Quốc là đồng minh số một của mình. Tuy nhiên, Triều Tiên hoàn toàn có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào khi thấy một trong hai bên Trung – Mỹ gây áp lực quá sức.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bình Nhưỡng đang cố gắng tìm thế cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh nhân cuộc chiến thương mại và quan hệ đối ngoại căng thẳng giữa hai bên. Đồng thời tận dụng mối quan hệ truyền thống với Nga, đề xuất “nhà hảo tâm” dang tay giúp nước này khắc phục những hậu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới