Trước việc các lực lượng bán quân sự Trung Quốc như Hải Cảnh và tàu cá của dân quân biển càng lúc càng hung hăng trên Biển Đông, Tư lệnh hải quân Mỹ,Đô đốc John Richardson đã cảnh cáo Tư lệnh hải quân Trung Quốc,Phó Đô đốc Thẩm Kim Long rằng,Mỹ sẵn sàng áp dụng các quy tắc đối phó với hải quân để đáp trả các hành vi khiêu khích của hải cảnh và tàu cá Trung Quốc.
Mỹ sẽ đối phó với hải cảnh và tàu cá TQ như đối với hải quân
Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times hôm 28/4, Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson cho biết trong cuộc tiếp xúc với Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Phó Đô đốc Thẩm Kim Long hồi tháng 01/2019, ông đã lưu ý rằng nếu các tàu hải cảnh hay tàu cá Trung Quốc có những hành động hiếu chiến, Mỹ sẽ không xem đó là các lực lượng dân sự hay bán quân sự, mà sẽ đáp trả bằng các biện pháp dùng để đối phó với một lực lượng hải quân thực thụ, vì các lực lượng này đã được Trung Quốc sử dụng làm công cụ quân sự.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã cho triển khai tại Biển Đông các lực lượng bán quân sự như hải cảnh, hay dân quân biển đội lốt tàu cá dân sự, để áp đặt quyền lực của Trung Quốc. Tờ Financial Times ghi nhận rằng lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã được tăng cường kể từ năm 2015, khi Bắc Kinh cho đặt một bản doanh của thành phần này tại quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng, nhưng hiện có Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện cùng với hải quân và hải cảnh Trung Quốc. Trong bản báo cáo mới nhất về quân Đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đội dân quân biển này đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng chế đối phương, cho phép Bắc Kinh đạt được các mục tiêu chính trị mà không cần chiến đấu.
Thực tế hải cảnh và tàu cá TQ đã được quân sự hóa rõ ràng
Trung Quốc ngày càng sử dụng lực lượng dân quân biển để tránh bị phản ứng quân sự từ phía Mỹ. Tuy nhiên, lời cảnh cáo vừa được Tư lệnh hải quân Mỹ đưa ra, đã làm tăng đáng kể nguy cơ đối với các tàu bán quân sự hay dân sự của Trung Quốc can dự vào các hành vi gây hấn. Trong nhiều vụ việc ở Biển Đôn vừa qua, Trung Quốc đã cho tàu cá của họ tấn công hay sách nhiễu tàu của đối phương, phong tỏa lối vào các đảo nhỏ, tiến hành chiếm giữ các rạn san hô và bãi cạn. Trong vụ việc liên quan đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện do Philippines chiếm đóng) vừa qua, Trung Quốc đã điều hàng trăm tàu cá, tàu hải cảnh bao vây đảo này. Tương tự tại các thực thể khác do Trung Quốc chiếm đóng, nước này cũng huy động một lực lượng lớn tàu cá tạo hàng rào bên ngoài để ngăn cản không cho tàu các nước tiếp cận các đảo do Trung Quốc đang tiến hành xây dựng, quân sự hóa.
Theo các báo cáo trước đây, Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Những tàu cá của Trung Quốc thường được trang bị súng, mìn, vòi rồng, hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc và dễ dàng nhận được sự “trợ giúp” của lực lượng này. Tại Biển Đông, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp cảnh báo, phát hiện các tàu nước ngoài. Theo các chuyên gia, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Trong một diễn biến khác liên quan, Mỹ tiếp tục tăng cường sức ép đối với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, bằng cách cho chiến hạm vượt eo biển Đài Loan. Một thông cáo của Hạm Đội 7 của Mỹ cho biết là ngày 28/4/2019, hai khu trục hạm Mỹ là USS William P. Lawrence và USS Stethem đã băng qua eo biển Đài Loan nằm giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Một phát ngôn viên Hạm Đội 7 tuyên bố: “Việc các chiến hạm quá cảnh eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do”.