Nhà đầu tư đang dần không còn lý do để theo đuổi thị trường giá lên của Trung Quốc.
Sau khi vốn hóa thị trường chứng khoán có thêm 2.500 nghìn tỷ USD và đà tăng vượt qua mọi nơi khác trên thế giới, xu hướng giá lên ở Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Những trở ngại xuất hiện, như mùa báo cáo lợi nhuận không mấy hứa hẹn, Bắc Kinh ít khả năng có chính sách kích thích như kỳ vọng. Đàm phán thương mại Mỹ – Trung cũng tiếp tục trong tuần này.
Một số giao dịch “nóng nhất” bắt đầu “đổ vỡ” trong 2 tuần qua, bao gồm các nhà môi giới, cổ phiếu vốn hóa nhỏ và cổ phiếu có liên quan đến các mạng lưới viễn thông thế hệ tiếp theo.
Giới phân tích nhận định tình hình có thể xấu hơn bởi chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã không thể giữ ở trên nhiều ngưỡng hỗ trợ then chốt. Thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ nghỉ lễ 3 ngày kể từ ngày 1/5.
“Sự điều chỉnh còn ở rất xa”, Shen Bifan, chiến lược gia tại Shenzhen Spruces Capital Management Co, nói. “Điều đó đòi hỏi có lợi nhuận và yếu tố kinh tế cơ bản tốt, hoặc một sự thay đổi trong chính sách, để làm động lực tăng. Không có yếu tố nào đang sẵn có”.
Số liệu công bố ngày 30/4 cho thấy chỉ số sản xuất trong tháng 4 của Trung Quốc bất ngờ giảm, làm gia tăng lo ngại về sức khỏe nền kinh tế thứ hai thế giới.
Dưới đây là 5 đồ thị cho thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc đang mất đà thế nào.
Chứng khoán Trung Quốc có tuần tệ nhất so với thế giới kể từ đầu năm 2016
Đến tháng 3, chứng khoán Trung Quốc vẫn vượt qua các thị trường khác trên thế giới về giá trị tăng thêm kể từ tháng 6/2015. Xu hướng này đảo chiều chỉ vài tuần sau đó. Shanghai Composite mất 5,6% trong 5 ngày cho đến ngày 26/4, bị chỉ số MSCI All-Country World (tất cả thị trường trên thế giới) bỏ xa nhất kể từ tháng 1/2016.
Nhà đầu tư dừng theo đuổi chứng khoán Trung Quốc
Đà tăng của chứng khoán Trung Quốc đang yếu dần. Một chỉ số theo dõi tốc độ và mức độ tăng đã giảm, chạm đáy kể từ đầu tháng 1, khi chứng khoán Trung Quốc bắt dầu đi lên.
Chỉ số đo sức mạnh thị trường trong 14 ngày chưa chạm mốc 70 kể từ ngày 10/4, cho thấy thị trường không còn quá nóng.
Shanghai Composite mất các mốc quan trọng
Shanghai Composite gần đây đã giảm xuống dưới một số mốc quan trọng từng được coi là ngưỡng hỗ trợ cho chỉ số này. Chốt phiên 26/4, Shanghai Composite xuống dưới 3.100 điểm, xuống dưới đường trung bình động 50 ngày hôm 29/4.
Nhà đầu tư ngoại rời bỏ
Các nhà đầu tư nước ngoài, những người mua vào chứng khoán Trung Quốc trong thị trường giá lên, đang chốt lời. Họ đã bán ròng 17,4 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD) cổ phiếu hạng A trong tháng 4, theo số liệu Bloomberg tổng hợp đến ngày 29/4. Tháng 4 sẽ là tháng có dòng vốn thoát ra nhiều nhất kể từ cuối năm 2016.
Cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn bình an vô sự
Nhà đầu tư bắt đầu mua vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của Trung Quốc, thường diễn biến tốt khi thị trường giảm tốc do có lợi nhuận ổn định, ít biến động.
Chỉ số SSE 50 của các công ty vốn hóa lớn tăng 1,6% trong ngày 29/4, chỉ số CSI Smallcap 500 (nhóm vốn hóa nhỏ) giảm 2,6%, rơi vào vùng điều chỉnh do đã giảm 10% so với đỉnh trong tháng 4.
Chênh lệch khối lượng giao dịch cổ phiếu vốn hóa lớn và vốn hóa nhỏ đang lớn nhất kể từ tháng 11/2017.