Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaSingapore đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc...

Singapore đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như môi trường xung quanh thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội, Singapore đã và đang nỗ lực thúc đẩy các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tàu RSS Punggol của Hải quân Singapore

Hiện nay, tranh chấp Biển Đông đang dần nguội đi, thái độ của Philippines – nước thúc đẩy đưa vấn đề biển Đông ra tòa án quốc tế, đã có sự chuyển biến mang tính mâu thuẫn, Tổng thống Duterte bày tỏ rõ ràng việc gác lại tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, điều này đã khiến vấn đề Biển Đông phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Tại thời điểm này, Singapore lại khiến người ta bất ngờ khi quan tâm sâu sắc vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong các chuyến thăm Mỹ, Nhật Bản nhiều lần đề cập đến Biển Đông, kêu gọi các nước liên quan tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài.

Singapore quan ngại sâu sắc về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông

Singapore là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới, được coi là “chấm nhỏ đỏ” trên bản đồ. Nhìn vào diện tích lãnh thổ, Singapore được hợp thành từ đảo chính và hơn 60 hòn đảo nhỏ lân cận, diện tích toàn quốc chỉ 719,1 km², dân số 5,533 triệu người, mật độ dân số đến 7.697 người/km². Bốn bề là biển, nguồn nước ngọt thiếu hụt nghiêm trọng, lượng nước ngọt trên bình quân đầu người đứng áp chót thế giới. Singapore thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực này ngoài các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… , các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng cũng thường xuyên xuất hiện, thế lực Mỹ cũng nhúng tay vào. Các nước láng giềng Indonesia, Malaysia là nước lớn của khu vực Đông Nam Á, cũng là đất nước Hồi giáo, có mô hình phát triển kinh tế cũng như thể chế chính trị, tôn giáo và chủng tộc không giống với Singapore, hơn nữa trong lịch sử Singapore có quan hệ không thân thiện lắm với hai nước này. Ở trong khu vực điểm nóng như vậy, Singapore có “cảm giác bị bao vây” sâu sắc.

Singapore cho rằng dựa vào sức mạnh bản thân khó mà đảm bảo an ninh quốc gia, chỉ có thể tìm kiếm an ninh tập thể, song đang ngày càng lo ngại vấn đề Biển Đông sẽ chia rẽ đoàn kết trong nội khối ASEAN. Singapore là một trong những nước đầu tiên không ngừng thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị các nước ASEAN, đồng thời mở rộng lĩnh vực hợp tác đến an ninh khu vực. ASEAN đem đến sân chơi giao lưu kết nối cho các nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á, phát huy vai trò to lớn trong việc duy trì ổn định khu vực. Phát triển đến nay, sự gắn kết của các nước ASEAN không ngừng tăng lên, trở thành một lực lượng quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ASEAN đã xây dựng cơ chế đối thoại với các nước lớn ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, tầm ảnh hưởng không ngừng mở rộng. Đồng thời, ASEAN cũng đem đến một nền tảng ngoại giao vô cùng tốt cho Singapore. Tư cách thành viên của ASEAN khiến Singapore có quyền phát ngôn lớn hơn trong các công việc quốc tế.

Đối với Singapore, chiến lược sinh tồn, an ninh và kinh tế của nước này gắn liền với chiến lược của ASEAN. Về vấn đề Biển Đông, nội bộ ASEAN tồn tại bất đồng, không thể thống nhất lập trường trong vấn đề Biển Đông. Lý Hiển Long nói: “Nếu ASEAN đến việc ngay trước cửa nhà còn không xử lý được, sau này sẽ không còn ai xem trọng ASEAN nữa”. Tháng 4/2016, Trung Quốc tuyên bố Brunei, Lào, Campuchia đạt được nhận thức chung trong cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, tức là do riêng các nước tuyên bố chủ quyền đàm phán giải quyết, chứ không phải toàn thể ASEAN tham gia. Cựu quan chức Ngoại giao Singapore cho rằng hành động này là muốn chia rẽ ASEAN, và nói Trung Quốc can thiệp vào nội chính ASEAN, gây áp lực cho các nước ASEAN. 

Trải qua nhiều năm, chiến lược an ninh của Singapore đã xác định lấy ASEAN làm nền tảng, thông qua “lấy nội đối ngoại”, lợi dụng ASEAN để tranh thủ càng nhiều lợi ích khu vực, lại thông qua thúc đẩy “cân bằng nước lớn” đế “lấy ngoại đối nội”, lợi dụng sự tranh giành giữa các nước lớn để có được hòa bình và ổn định khu vực. Cân bằng nước lớn trở thành một khâu không thể thiếu trong chiến lược an ninh của Singapore, nước này rất lo sợ Trung Quốc mở rộng thế lực ở Biển Đông sẽ phá vỡ cục diện cân bằng. 

Chính sách Biển Đông của Singapore 

Chính sách ngoại giao của Singapore về vấn đề Biển Đông có thể tổng kết như sau: Singapore không phải là nước tranh chấp, không có đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông, giữ lập trường trung lập không nghiêng về bên nào; Singapore quan tâm vấn đề Biển Đông là vì Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông liên quan đến lợi ích kinh tế của nước này; Singapore hy vọng các bên tranh chấp kiềm chế; Singapore kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Trên thực tế nhìn biểu hiện hành vi của Singapore, biểu hiện hành vi ngoại giao của nước này trong vấn đề Biển Đông đã dần xa rời lập trường trung lập, nghiêng sang thân Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Singapore cho rằng địa vị nước lớn và nước nhỏ không ngang nhau, đàm phán giữa nước nhỏ và nước lớn không thể công bằng. Chỉ có thông qua luật quốc tế, quyền lợi nước nhỏ mới có thể được bảo đảm.

Trong các tuyên bố, phát biểu của lãnh đạo cao của Singapore (Thủ tướng Lý Hiển Long, Ngoại trưởng Shanmugam, Ngoại trưởng Vivian BalaKrishnan…) đều thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền, song khẳng định Singapore có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Singapore cũng cho rằng ASEAN sẽ không phân định và giải quyết vấn đề cụ thể giữa các quốc gia yêu sách chủ quyền. Thay vào đó, ASEAN có thể thiết lập một khuôn khổ mang lại các điều kiện cần thiết để các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thương lượng một giải pháp hòa bình. Tờ The Straits Times dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Singapore Shanmugam khẳng định tự do hàng hải là vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại của Singapore với tư cách một quốc gia có chủ quyền. Trước đó (5/2014), khi phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM) tại Myanmar, Ngoại trưởng Shanmugam cũng cho rằng, leo thang căng thẳng ở Biển Đông là vấn đề “gây quan ngại nghiêm trọng” cho ASEAN và cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC. Phát biểu với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar (5/2014), Ngoại trưởng Singapore Shanmugam chobiết: “Vì lợi ích của toàn khu vực, chúng ta cần có hòa bình chứ không phải biến cố. Những gì đang xảy ra tạo nên yêu cầu khẩn cấp hơn về việc phải có một bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc. Singapore và ASEAN thể hiện “sự quan ngại nghiêm trọng” của các quốc gia thành viên ASEAN trước những diễn biến trên Biển Đông. Những diễn biến này “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”; kêu gọi tôn trọng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC mà Trung Quốc đã ký kết với Việt Nam năm 2002. Ngoại trưởng Singapore cũng nhấn mạnh rằng những gì đã xảy ra càng cho thấy tính cấp thiết của việc đưa ra COC. Tại phiên Tham khảo Chính trị lần thứ 9 và giao lưu hai Bộ Ngoại giao lần thứ 5 giữa Việt Nam – Singapore (8/2015), Singapore khẳng định, trong vai trò Điều phối viên (2015 – 2018), sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (12/2015), Singapore đồng ý cho Mỹ triển khai máy bay P-8 Poseidon tới Singapore, theo MOU 1990 và SFA 2005. Hai bên lưu ý rằng việc triển khai máy bay này sẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa quân đội các nước trong khu vực thông qua tham gia một loạt cuộc diễn tập song phương và đa phương, đồng thời hỗ trợ kịp thời các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa (HADR) và an ninh biển trong khu vực.

Về chính sách đối với Trung Quốc của Singapore, Singapore luôn thi hành chính sách kinh tế trên hết, tách rời chính trị với kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. Sau khi độc lập, Singapore tuyên bố chào đón tất cả bạn bè, hy vọng thông thương với các nước trên thế giới, trong đó bao gồm Trung Quốc. Đồng thời, Singapore bày tỏ phải là nước ASEAN cuối cùng chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc phát triển quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Singapore. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu với nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã xây dựng một tình bạn sâu sắc, Trung Quốc rất xem trọng mô hình phát triển của Singapore. Năm 1985, nhà kinh tế nổi tiếng, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên, Phó Thủ tướng Singapore Ngô Khánh Thụy sau khi nghỉ hưu đã nhận lời mời đến Trung Quốc, vạch ra kế hoạch cải cách mở cửa cho Trung Quốc. Thương mại song phương giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Từ 2013 đến nay, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, Singapore cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Trong chiến lược thúc đẩy “Một vành đai, một con đường”, Singapore cũng phát huy vai trò quan trọng. Do nhất quán sách lược tách rời chính trị với kinh tế, Singapore sẽ không vì quan hệ chặt chẽ về kinh tế thương mại mà dễ dàng thay đổi lập trường trong vấn đề Biển Đông, nhưng quan hệ hai nước chưa đến mức xấu đi quá nhiều. 

Singapore luôn theo đuổi sách lược “cân bằng nước lớn”, chủ trương xây dựng bố cục cân bằng Mỹ-Trung Quốc-Nhật Bản-Ấn Độ tại châu Á-Thái Bình Dương. Sách lược cân bằng nước lớn của Singapore có lợi và cũng có hại đối với Trung Quốc. Khi thế lực Liên Xô còn lớn mạnh, để kiềm chế sự bành trướng của Liên Xô, Singapore ra sức cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, lập công lớn trong việc xây dựng quan hệ Trung-Mỹ. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ ASEAN với Trung Quốc lạnh nhạt. Sau Chiến tranh Lạnh, Singapore trở thành “cầu nối” cho quan hệ qua lại giữa Trung Quốc và ASEAN, để Trung Quốc và ASEAN luôn duy trì được quan hệ đối thoại, đóng vai trò xây dựng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Nhưng cùng với việc thực lực Trung Quốc không ngừng tăng lên, Singapore cũng không ngừng điều chỉnh sách lược, thực hiện kiềm chế Trung Quốc. Lý Quang Diệu từng bày tỏ: “Trong quan hệ ngoại giao, không có tình bạn cá nhân, chỉ có lợi ích quốc gia”. Singapore hết sức khuyến khích ASEAN nhất trí trong chính sách đối với Trung Quốc, “hợp lực” giải quyết vấn đề Biển Đông. Đối với tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, Trung Quốc luôn chủ trương tiến hành thỏa hiệp song phương với các nước đòi hỏi chủ quyền, phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đó là nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đồng thời cũng là ngưỡng giới hạn không thể vượt qua của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Cách làm khuyến khích các nước ASEAN “thống nhất” và lôi kéo nước lớn ngoài khu vực của Singapore trên thực tế làm trầm trọng thêm tính phức tạp trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc, gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc. 

Sự liên hệ mật thiết về ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Singapore chính là trụ cột mạnh mẽ cho sự phát triển lâu dài quan hệ hai nước. Xây dựng quan hệ Trung Quốc – Singapore lành mạnh ổn định là sự bảo đảm cơ bản trong việc phát triển lòng tin chính trị, hợp tác sâu sắc về kinh tế của hai nước Trung Quốc và Singapore. Hai nước phải xây dựng quan hệ lành mạnh ổn định, điều kiện trước tiên là đôi bên không gây tổn hại lợi ích quốc gia của nhau, đặc biệt là lợi ích cốt lõi của quốc gia. Vấn đề Biển Đông liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến nỗi “lo ngại” của Singapore, từ tầm cao chiến lược phát triển hòa bình ổn định khu vực Đông Nam Á, dùng tình cảm và lý lẽ để Singapore thấu hiểu, đề cao hợp tác kinh tế Trung Quốc – Singapore, mở rộng phát triển đa phương diện chính trị và văn hóa Trung Quốc – Singapore, tích cực thúc đẩy quan hệ Trung Quốc -Singapore đạt được phát triển lành mạnh ổn định.

Không những vậy, Singapore cũng đã tích cực đưa ra các sáng kiến, ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp của các nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc (3/2016), với vai trò là Điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore đã đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển mở rộng (CUES) với các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển. Singapore sẽ đóng vai trò trung lập để tạo thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan. Tại buổi thuyết trình do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) tổ chức ở Singapore (6/2014), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nêu rõ Singapore mong muốn tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo cách không để các tàu đối đầu nhau và không để xảy ra nổ súng; khẳng định Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông là giải pháp tốt nhất mà Singapore hy vọng. Theo ông, bộ quy tắc này sẽ không bao giờ đạt được nếu các bên tranh chấp còn cáo buộc lẫn nhau về vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông bởi các bên tranh chấp cứ nghĩ rằng tại sao phải nhất trí thỏa thuận mới khi thỏa thuận cũ đã bị vi phạm.

Thời gian tới, Singapore sẽ tiếp tục duy trì quan điểm trung lập do không phải là một bên tranh chấp chủ quyền, nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và tránh là gia tăng căng thẳng trong nội khối về vấn đề này. Tuy nhiên, để không làm giảm vai trò là đối tác của Mỹ ở khu vực và là thành viên tích cực của ASEAN, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tiếp tục kêu gọi phi quân sự hóa, thúc đẩy đàm phán COC và các công cụ giảm thiểu nguy cơ va chạm bất ngờ trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới