Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ sẽ lợi dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở...

TQ sẽ lợi dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông để xuôi đuổi, quấy phá tàu cá của các nước

Như thường lệ, tiếp sau việc đơn phương tuyên bố và thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ hôm 1/5 vừa qua, giới quan sát khu vực dự báo Trung Quốc sẽ lại huy động một lực lượng lớn tàu thuyền tiến hành tuần tra, xuôi đuổi thậm chí đe dọa tàu cá của các nước với cái cớ “vi phạm lệnh cấm”.

Tăng cường lực lượng quân sự để giám sát các hoạt động đánh cá trong khu vực “thuộc vùng biển Trung Quốc”

Biển Đông là vùng biển diễn ra nhiều hoạt động giao thương hàng hải quốc tế, khu vực và cũng là nơi diễn ra hoạt động đánh bắt hải sản truyền thống của người dân các nước từ bao đời nay. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khu vực này cũng thường xuyên xảy ra các vụ va chạm, đụng độ giữa tàu thuyền các nước mà chủ yếu là giữa tàu Trung Quốc với tàu các nước và chủ yếu do tàu Trung Quốc gây ra. Đáng chú ý, tình trạng tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, xuôi đuổi và tấn công tàu cá các nước diễn ra ngay trong khu vực Đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các nước với lý do vô lý mà Trung Quốc đưa ra đó là “vi phạm lệnh cấm của Trung Quốc”?!

Trong số các nước trên, tàu cá Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc xuôi đuổi và tấn công khi đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Gần đây nhất, hôm 24/5/2018, khi đang đánh bắt tại vùng biển cách đá Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về hướng Tây Nam, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 96798 TS của Việt Nam đã bị chìm sau khi va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 31102. Philippines cũng là nước xảy ra nhiều vụ tàu cá của người dân bị tàu Trung Quốc đe dọa và tấn công trên biển. Tháng 6/2012, một ngư dân Philippines đã thiệt mạng và bốn người mất tích khi tàu của họ bị một tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài khơi tỉnh Pangasina. Năm 2014, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã phun vòi rồng để xuôi đuổi tàu cá Phillippines tại Bãi cạn Scarborough. Tháng 5/2018, Cảnh sát biển Trung Quốc đã lên một tàu cá Philippines và cướp toàn bộ cá mà ngư dân Philippines đánh bắt ở Bãi cạn Scarborough. Đối với Indonesia, vài năm trở lại đây, tàu cá và tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên xâm phạm, xuôi đuổi và tấn công tàu cá và lực lượng chấp pháp của Indonesia tại quần đảo Natuna (khu vực EEZ của Indonesia). Trung Quốc cũng đòi hỏi có chủ quyền trong khu vực này theo “đường lưỡi bò”.

Tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc loan báo chỉ trong hai tháng kể từ khi nước này ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông (5/2018), Trung Quốc đã cử hơn 60 tàu cảnh sát để giám sát các hoạt động đánh cá trong khu vực “thuộc vùng biển Trung Quốc”, bao gồm vùng biển Hoàng Hải và cả Biển Đông. Trong đó, Cảnh sát biển Trung Quốc đã phái đi 6.423 lượt tàu, điều tra 631 tàu “đánh cá bất hợp pháp” ngoài nước với 24 trường hợp bị xử lý hình sự và “đánh đuổi 852 tàu cá nước ngoài”. Phía Trung Quốc cho rằng đây là hoạt động của các đơn vị hải cảnh “chống lại việc đánh bắt phi pháp”.

Trong khi đó, tàu cá TQ tràn ra vùng biển các nước để đánh bắt thủy sản và do thám

Hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc vươn xa nhất thế giới và có quy mô rầm rộ nhất, lớn hơn cả tổng quy mô của 10 vị trí tiếp theo. Trung Quốc hiện có khoảng 2.500 tàu đánh bắt ở vùng biển xa và luôn luôn không được chào đón. Tình trạng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm tại vùng biển các nước ngày càng phổ biến và mức độ chống trả lực lượng chức năng các nước của tàu này cũng ngày càng quyết liệt, liều lĩnh và nguy hiểm. Tàu cá Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền các nước và đang gây ra những mối nguy hiểm chết người. Theo luật quốc tế, tàu cá một nước không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và được Liên hợp quốc quy định là 200 km tính từ bờ biển. Vậy mà tàu Trung Quốc đã vươn xa ra tận các vùng biển của châu Phi, châu Mỹ, khu vực Australia, Bắc và Nam Âu, thậm chí vào tận vùng đặc quyền kinh tế của các nước.

Tại châu Á, điển hình là trường hợp của Hàn Quốc, năm 2018 nước này đã thu giữ tổng cộng gần 50 tàu cá của Trung Quốc vì đánh bắt bất hợp pháp, với số tiền phạt lên tới 4,2 tỷ Won. Trong đó, Hàn Quốc đã phá hủy 12 tàu cá của Trung Quốc vì đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển của Hàn Quốc. Vào năm 2015, Hàn Quốc đã phải yêu cầu Trung Quốc ký thỏa thuận về việc bắt giữ và phá hủy tàu cá có hành vi vi phạm nghiêm trọng nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không được kiểm soát của ngư dân Trung Quốc. Tình trạng tàu cá Trung Quốc xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế, đánh bắt trộm hải sản và san hô đỏ cũng diễn ra tương tự tại vùng biển của Nhật Bản.

Tại châu Phi, hàng trăm tàu cá Trung Quốc đã bị bắt giữ và xử phạt vì đánh bắt lậu ở vùng đặc quyền kinh tế của Senegal Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau thuộc vùng biển Tây Phi trong 3 năm qua. Số lượng tàu Trung Quốc bị bắt giữ khá lớn, gây ngạc nhiên cho nhà chức trách địa phương bởi chủ các tàu cá đã biết trước về chiến dịch tuần tra xử lý của cơ quan chức năng các nước, song vẫn cố tình vi phạm. Khu vực Tây Phi sở hữu những vùng biển giàu tài nguyên nhất thế giới nhưng nguồn cá đang dần cạn kiệt do bị đánh bắt trái phép. Một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers ước tính hằng năm, các nước Tây Phi bị tổn thất khoảng 2,3 tỉ USD do hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và mất kiểm soát.

Tại châu Mỹ, Argentina hồi tháng 5/2018 đã bắt giữ và phạt tàu đánh cá “Jing Yuan 626” của Trung Quốc 09 triệu peso (khoảng 400.000 USD) vì đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này. Gần đây nhất vào tháng 3/2019, Lực lượng tuần duyên Argentina đã phát hiện một tàu đánh cá của Trung Quốc đang đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển Argentina, cách Vịnh San Jorge, phía Nam nước này khoảng 358km. Sau khi bị tàu Argentina truy đuổi, tàu cá Trung Quốc “di chuyển nguy hiểm” về phía tàu Argentina khiến lực lượng tuần duyên phải nổ súng cảnh cáo. Tháng 8/2017, Chính phủ Ecuador cho biết nước này đã bắt giữ toàn bộ thủy thủ của 01 tàu cá Trung Quốc vì đánh bắt và vận chuyển trái phép cá mập ở quần đảo Galapagos. Đáng chú ý, số lượng cá mập có trên tàu lên tới 300 tấn. Hầu hết số cá này là cá mập, trong đó có loài cá mập đầu búa đang được bảo vệ. Những kẻ bị bắt sẽ phải đối mặt với hình phạt lên đến 03 năm tù giam vì tội đánh bắt trái phép các chủng loài được bảo vệ. Hiện nay, nhu cầu về vây cá tăng cao đang khiến các loài cá mập đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán bất hợp pháp.

Tóm lại, việc Trung Quốc đơn phương ban hành và thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm 2019 là hành động hoàn toàn phi lý, ngang ngược, đây thực chất chỉ là công cụ để nước này đạt được mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Không thể bao biện cho lý do bảo vệ tại nguyên thủy sản của Trung Quốc khi ban hành lệnh cấm trên, vì thực tế tàu thuyền nước này lại trần ra các vùng biển xa xôi của các nước từ châu Âu, châu Phi đến châu Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới