Báo SCMP của Trung Quốc dẫn các nguồn thạo tin nói Chủ tịch Tập Cận Bình đã can thiệp vào giờ chót, không để các nhà đàm phán Trung Quốc nhượng bộ người Mỹ trong đàm phán thương mại. Ông Tập còn nói sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả.
Diễn biến đàm phán thương mại Trung Quốc – Mỹ những ngày qua khá bất ngờ, nhất là khi mọi tín hiệu trước đó đều suôn sẻ. Dòng tweet Tổng thống Donald Trump đăng chỉ là phản ứng từ một sự kiện nào đó, vậy mấu chốt nằm ở đâu?
Trong bài bình luận đăng trên tài khoản WeChat Taoran Notes hôm thứ ba (7-5), tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc đã bắn đi tín hiệu rõ ràng. Bài viết có đoạn: “Khi mọi thứ không thuận lợi đối với chúng tôi, cho dù các vị có đòi hỏi ra sao, chúng tôi sẽ không lùi bước. Đừng hòng nghĩ đến chuyện đó”.
Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Taoran Notes là tài khoản mạng xã hội Bắc Kinh hay dùng để truyền đạt các chủ trương, đường lối của tầng lớp lãnh đạo. Thành ra, đây là ý kiến chính thức đầu tiên của Trung Quốc từ lúc ông Trump đăng đàn trên Twitter dọa tăng thuế vì đàm phán bế tắc.
Các nguồn tin nói Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó đã phủ quyết các nhượng bộ mới đề xuất bởi nhóm đàm phán Trung Quốc. “Ông Tập nói với họ: ‘Tôi sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả'” – SCMP dẫn lời một nguồn tin.
Đón chờ siêu bất ngờ đến từ Yamaha vào 18/05
Kết quả là các nhà đàm phán Trung Quốc đưa ra một đề nghị cứng hơn cho Washington, mặc dù không rõ họ có trình đề xuất sửa đổi cho ông Tập, sau vòng đàm phán mới nhất ở Bắc Kinh tuần trước hay không.
Nhà phân tích chính trị Chen Daoyin (Thượng Hải) nhận định từ góc nhìn của Trung Quốc, một đất nước có đủ ý chí và bản lĩnh cứng rắn đến giờ chót sẽ là người thắng cuộc.
“Chủ tịch Tập giữ quan điểm rất chắc, không cho thấy dấu hiệu lung lay trước các thách thức. Giấc mơ của ông tạo nên một quốc gia mạnh mẽ cũng giới hạn khả năng và sự linh động của đội ngũ trong việc xử lý các vấn đề đối ngoại” – ông Chen bình luận.
Cũng theo nhà phân tích, trọng tâm của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ quan đầu não đưa ra quyết sách – đã thay đổi trong 2 tháng trời lại đây, với ít sự chú ý dành cho tình hình kinh tế hơn.
“Cuộc họp mới nhất của Bộ Chính trị TQ không tập trung vào ổn định kinh tế như hồi tháng 2 nữa. Các nhà lãnh đạo có thể cảm thấy tác động của thuế Mỹ lên nền kinh tế Trung Quốc không nghiêm trọng như dự báo” – ông Chen cho biết.
Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ với báo SCMP rằng Trung Quốc cố né chủ đề thương chiến, khi nước này tổ chức Diễn đàn Vành đai và con đường hồi cuối tháng 4; và Bắc Kinh cần ngay một chiến thắng trong đàm phán kịp cho sự kiện kỷ niệm 70 năm lập quốc vào tháng 10 tới.
Năm 2019 cũng là năm kỷ niệm 100 năm Phong trào Mùng 4 tháng 5, trong đó các sinh viên yêu nước Trung Quốc biểu tình phản đối chủ nghĩa đế quốc phương Tây sau Thế chiến thứ nhất.
Giáo sư Simon Evenett, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), lý giải cho động thái mới nhất của Trung Quốc: “Ở góc nhìn của Bắc Kinh, mặt tiêu cực gây ra bởi một thỏa thuận thất bại với Mỹ đã giảm đi nhiều, vì các kế hoạch kích cầu của Trung Quốc đã có hiệu quả. Thêm vào đó, liệu Chủ tịch Tập có dám liều lĩnh nhượng bộ trong một năm có nhiều sự kiện quan trọng đến vậy ở Trung Quốc?”
Ông Arthur Kroeber, trưởng nghiên cứu Công ty Gavekal Dragonomics (Hong Kong), chia sẻ cùng quan sát: “Nền kinh tế phục hồi khuyến khích cho các nhà đàm phán Trung Quốc cự tuyệt trước yêu cầu cắt trợ cấp công nghiệp và chính sách ép chuyển giao công nghệ của Mỹ”.
“Nếu Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của Washington…, đó sẽ là nỗi nhục cho người Trung Quốc khi chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao trong nước. Các lãnh đạo Trung Quốc không thể chấp nhận được” – nhà phân tích Chen chốt lại.