Việc tranh giành các nguồn dầu khí trên Biển Đông luôn luôn gây ra những căng thẳng giữa các bên tranh chấp chủ quyền, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam. Các chuyên gia Mỹ về Biển Đông cho rằng Trung Quốc sẽ không cho phép các nước khác trong khu vực khai thác dầu khi trên vùng biển có nhiều tranh chấp, chừng nào có đủ chế tài quốc tế để buộc Trung Quốc phải khuất phục.
Giàn khoan Trung Quốc ở Biển Đông
Với một nền kinh tế cần nhiều năng lượng như Trung Quốc thì nước này không thể bỏ qua nguồn lợi dầu khí ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên, nơi chưa đầy 1 năm qua, Việt Nam đã bị Bắc Kinh ép buộc phải ngừng 2 dự án thăm dò dầu khí.
Theo ước tính của cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, Biển Đông có khoảng 190.000 tỉ feet khối khí tự nhiên và 11.000 tỉ thùng dầu. Trong khi đó một khảo sát địa lý của Hoa Kỳ năm 2012 ước tính có thể có 160.000 tỉ feet khối khí tự nhiên và 12.000 tỉ thùng dầu chưa được khai thác ở Biển Đông.
Đối với Việt Nam, việc tiếp cận các nguồn năng lượng ở Biển Đông là vô cùng quan trọng, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Wasington. Lô 06.1 – 1 phần của dự án Nam Côn Sơn gần Bãi Tư Chính cung cấp khoảng 10% tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Trong khi đường lưỡi bò mà Trung Quốc vạch ra bao gồm cả khu vực này. Việt Nam được cho là đã 2 lần phải ngừng các dự án khoan thăm dò dầu khí trên Biển Đông với các đối tác của Tây Ban Nha trong khu vực bãi Tư Chính trong chưa đầy 1 năm qua.
Một đối tác khác của Việt Nam là Rosneft của Nga cũng đã bị Trung Quốc đe dọa khi họ mới bắt đầu khai thác ở Mỏ Lan Đỏ của lô 06.1. Trong những lần bị đe dọa đó, Việt Nam không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào từ Mỹ hay từ các nước trong khu vực cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Hợp tác khai thác các nguồn khí ga ở vùng tranh chấp trên Biển Đông là một việc làm rất khó. Tuy nhiên có những điều khoản trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) thiết lập các phương thức tạm thời trong trường hợp có những tranh chấp. Các quốc gia này có nghĩa vụ phải tìm ra cách làm thế nào để hợp tác cùng khai thác các nguồn dầu khí.
Theo chuyên gia của CSIS, Trung Quốc không bao giờ đưa ra chính xác các tuyên bố chủ quyền của họ là gì, đặc biệt khi đề cập đến nguồn tài nguyên dưới đáy biển.
Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc muốn xoa dịu các nước Đông Nam Á đang có những tuyên bố tranh chấp chủ quyền biển bằng các thỏa hiệp cùng khai thác Biển Đông. Việc thể hiện thiện chí có thể làm giảm tác động của một phán quyết từ Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc và ngăn các nước khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ.
Trung Quốc cũng đã luôn muốn được cùng khai thác tài nguyên Biển Đông với Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo khi trả lời phỏng vấn báo chí trong nước về những cạm bẫy mà Trung Quốc cài cắm trong chiến lược “gác tranh chấp, cùng khai thác” có thể khiến Việt Nam gặp khó trong việc bảo vệ chủ quyền Biển Đông.
Tuy vậy theo đánh giá của các chuyên gia CSIS, việc hợp tác giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trong việc khai thác dầu khí là có thể về mặt pháp lý, dù rất khó khăn về mặt chính trị. Trong trường hợp đó, theo họ, các nước trong khu vực phải đồng lòng buộc Trung Quốc chấp nhận rằng được đảm bảo hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên trên Biển Đông. Việc thông qua một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc là yếu tố đặc biệt quan trọng để giải quyết những mâu thuẫn trong việc khai thác dầu khí và tự do hàng hải nhằm giữ ổn định khu vực.