Sau mỗi lần đe dọa, gây sức ép bằng các tuyên bố ngoại giao, Mỹ thường điều các tàu Hải quân nhằm thể hiện uy lực trên biển.
Tin tức RT hôm 6/5 đăng tải bình luận cho rằng, Mỹ đang sử dụng Hải quân để gây uy lực cho các quốc gia khác nếu chính sách ngoại giao thông thường chưa đủ mạnh mẽ.
Các lực lượng Hải quân Mỹ đã trở thành “vật bán kiên cố” ở các tuyến đường thủy quốc tế ngoài khơi bờ biển Iran, cách Washington gần 11.000 km đường.
Sự hiện diện của Hải quân Mỹ được cho là nhằm đảm bảo sự thống trị của quân đội Mỹ trên toàn khu vực song các triển khai mạnh mẽ ở đây được cho là nhắm vào Iran – quốc gia đang cố gắng chống lại các biện pháp trừng phạt đơn phương từ Mỹ.
Động thái điều tàu Hải quân và lực lượng tấn công đến Vịnh Ba Tư của Mỹ được báo Nga nhận định rằng, chúng thể hiện các biện pháp ngoại giao của Mỹ là chưa hiệu quả.
Khi các biện pháp ngoại giao là chưa đủ, luôn có Hải quân hỗ trợ.
Nhà Trắng đã công bố hôm 5/5 rằng, hoạt động của nhóm tấn công gồm tàu sân bay USS Abraham Lincoln và lực lượng ném bom tinh nhuệ đã được triển khai đến Trung Đông để gửi đi “một tin nhắn rõ ràng và không thể nhầm lẫn” tới Iran.
Tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra chỉ vài giờ sau khi Iran phát đi tuyên bố cho rằng sẽ tìm cách vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ bằng cách bán dầu ở “thị trường đen”.
Đặc biệt, sự quyết tâm của Iran khi tuyên bố như vậy còn thể hiện cho Washington thấy rằng, họ đang được đồng minh của Mỹ là châu Âu hết sức ủng hộ. EU đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm đưa lượng xuất khẩu dầu mỏ Iran về con số 0 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Sử dụng sức mạnh của các hàng không mẫu hạm Mỹ để “gửi tin nhắn” đến các quốc gia được mô tả là “một hình thức ngoại giao”.
Hồi tháng 4 vừa qua, ngay cả Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman cũng chứng minh điều này khi lập luận rằng, “mỗi tàu sân bay hoạt động ở Địa Trung Hải vào thời điểm này đại diện cho 100.000 tấn chính sách ngoại giao quốc tế”.
Iran đã phản pháo lại Washington cho rằng, do các hoạt động của tàu Hải quân Mỹ tại khu vực, nếu có giao tranh nổ ra thì chính Washington sẽ là người chịu trách nhiệm.
“Nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra giữa Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và Bộ Tư lệnh Trung tâm Hải quân Mỹ (CENTCOM), thì không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho tình huống như vậy” – Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cảnh báo.
Theo vị này, các chính sách ngoại giao của họ buộc phải thay đổi theo hướng nghiêm trọng hơn do chính cách hành động của Mỹ và Hải quân Mỹ. Đây không hơn không kém là hành vi “bắt nạt” của Mỹ trong chính sách ngoại giao của Mỹ đối với quốc gia Hồi giáo này khi họ vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Không chỉ trong trường hợp Iran, Mỹ cũng đã sử dụng tàu Hải quân để đối phó với chính sách của Trung Quốc không chỉ bởi các động thái quân sự trái phép của nước này trên Biển Đông mà còn do cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, Mỹ đã đẩy mạnh hoạt động hải quân ở Biển Đông. Washington khẳng định rằng các tàu của họ được quyền đi qua biển này, với lý do nguyên tắc tự do hàng hải quốc tế.
Mỹ cũng định kỳ gửi tàu chiến để thăm dò các tuyến đường thủy mà Trung Quốc trái phép tuyên bố chủ quyền.
Đầu tuần này, Hải quân Mỹ cũng tuyên bố hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ đã đi tới gần phạm vi 12 hải lý ngoài khơi quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đang kiểm soát trái phép.
Động thái này diễn ra hàng tháng sau hàng loạt tuyên bố chỉ trích Trung Quốc của Washington. Mỹ đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động Hải quân bất chấp các yêu sách của Bức Kinh trong khu vực.
Động thái đưa tàu Hải quân đến điểm nóng với Trung Quốc diễn ra cũng rất nhanh chóng sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật nhắc đến tiến trình đàm phán thương mại chậm tiến triển giữa hai nước.
Sau các tuyên bố của Tổng thống Mỹ trên Twitter cá nhân, động thái triển khai Hải quân của Mỹ vừa nhằm nhắc nhở Trung Quốc về các yêu sách trên Biển Đông, vừa cho thấy cảnh báo vũ lực của Washington trước cuộc chiến ngoại giao, thương mại khó thành công với Trung Quốc.
Bên cạnh chính sách đối với Iran, Trung Quốc, Mỹ cũng sử dụng Hải quân để cảnh báo Nga ở “sân sau” của Moscow.
Hồi tháng 1/2019, một khu trục hạm của Mỹ đã tiến vào Biển Đen để tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải và tăng cường ổn định hàng hải khu vực.
Các nhiệm vụ tương tự đã được thực hiện trong khu vực vào năm 2018.
Động thái điều tàu khu trục tới khu vực Biển Đen của Mỹ là bước đi sau khi Washington chỉ trích Nga bắt giữ tàu Hải quân Ukraine trong vùng biển chung.
Với vai trò là một trong số các quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, Mỹ đã chỉ trích Nga bằng hàng loạt các tuyên bố ngoại giao sắc lạnh, cảnh báo sẽ dùng “gậy” với Nga, bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Việc sử dụng sức mạnh Hải quân để thúc đẩy lợi ích quốc gia là một đặc quyền không chỉ dành riêng cho Washington. Nga và Trung Quốc cũng đang mang tâm thế sử dụng sức mạnh Hải quân để củng cố vị thế quân sự của mình với thế giới nhưng Washington lại dùng Hải quân đi sau các tuyên bố ngoại giao để gia tăng quan điểm đe dọa, cảnh báo các quốc gia khác nếu các phản ứng của họ không vừa ý Mỹ.