Các tàu chiến và tàu sân bay đến từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines đã tiến hành các cuộc tập trận trên Biển Đông chỉ vài ngày sau khi hai tàu khu trục Mỹ áp sát thực thể nhân tạo bị Trung Quốc chiếm đóng.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ dẫn đầu một số nước tiến hành tập trận trên Biển Đông, theo Hãng tin Reuters. Tuy nhiên bối cảnh diễn ra sự việc khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi.
Hôm 6-5, hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon đã áp sát vùng nước 12 hải lý xung quanh đá Gaven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Chưa đầy hai ngày sau, USS William P. Lawrence – tàu khu trục Mỹ trước đó đã “chọc giận” Trung Quốc bằng cách đi ngang eo biển Đài Loan, đã tham gia một cuộc tập trận trên Biển Đông.
Sự kiện vừa kết thúc vào hôm qua 8-5 với sự tham gia của Izumo, tàu sân bay trực thăng lớn nhất của Nhật Bản, các tàu INS Kolkata và INS Shakti của Ấn Độ cùng một tàu tuần tra của Philippines.
Ông Andrew J. Klug, hạm trưởng USS William P. Lawrence, khẳng định những cuộc tập trận như thế này là dịp để Mỹ “tăng cường các mối quan hệ bền chặt sẵn có trong khu vực”.
Hải quân Mỹ tuyên bố những hoạt động này là một phần trong nỗ lực “đảm bảo tự do hàng hải” và họ luôn tiến hành chúng ở các vùng biển quốc tế trên thế giới và không tính đến yếu tố chính trị.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng. Hiện vẫn chưa rõ khu vực tập trận của các tàu chiến.
Song theo giới quan sát, việc các hoạt động thách thức yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc diễn ra một cách liên tục cho thấy có sự tính toán đằng sau đó.
Tổng thống Trump hồi đầu tuần này đã gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Động thái này đã ngay lập tức khiến thị trường chứng khoán chao đảo bởi người ta tin rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.
Truyền thông phương Tây loan tin việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình can thiệp vào phút cuối đã dẫn tới sự thay đổi gần như toàn bộ kết quả đàm phán.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc sợ các nhà đàm phán của nước ông nhượng bộ Mỹ quá nhiều, song điều này đã khiến Tổng thống Trump tức giận vì những cam kết bảo đảm cho thay đổi của Trung Quốc đã gần như bị rút lại.
Dù tình hình căng thẳng, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn sang Mỹ cho vòng đàm phán thương mại cuối cùng.
Nói như một nhà quan sát, Bắc Kinh dù có tức giận cũng không thể giận lẫy bỏ ngang. Những động thái của Mỹ trên Biển Đông hay Đài Loan rõ ràng khiến Trung Quốc phải cân nhắc.
Thế mới thấy kinh tế và chính trị chưa bao giờ là hai yếu tố độc lập!