Thursday, November 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCuộc chiến không hồi kết: Xung đột thương mại chưa dứt, TQ...

Cuộc chiến không hồi kết: Xung đột thương mại chưa dứt, TQ lại khiến Mỹ “đứng ngồi không yên” vì điều này

Mặc dù Mỹ vẫn là số 1 thế giới trong nhiều lĩnh vực khoa học – kỹ thuật quân sự, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong những lĩnh vực ấy.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố một bản báo cáo lên án Trung Quốc là mối đe dọa về an ninh ngày càng lớn đối với lợi ích của nước Mỹ, bằng các hoạt động của Trung Quốc tại Bắc Cực, các tiến bộ trong lĩnh vực quân sự và các chiến dịch ảnh hưởng nhằm vào các tổ chức văn hóa, truyền thông, kinh doanh, học thuật và cơ quan hoạch định chính sách của Mỹ.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang đầu tư phát triển các loại công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra sự đổi mới trong lĩnh vực thương mại và quân sự.

Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đại hóa toàn bộ vào năm 2035, và đặt mục tiêu rằng Trung Quốc phải trở thành siêu cường quân sự vào năm 2050.

Nhằm đạt được các mục tiêu này, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7,5%, và tăng ngân sách phục vụ nghiên cứu thêm 13,4% trong năm nay, mặc dù nền kinh tế của nước này đang giảm tốc do cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.

Việc chính phủ Bắc Kinh đầu tư mạnh tay đã giúp Trung Quốc đạt được những bước nhảy vọt lớn dù trong tình cảnh khá khó khăn, trong đó có 5 lĩnh vực khoa học – công nghệ được Trung Quốc chú trọng phát triển để phục vụ cho quốc phòng.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ robot tiên tiến

Trung Quốc muốn áp dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng, cụ thể là để chế tạo các loại vũ khí và hệ thống trinh sát, đặt bom mìn và tấn công các tàu địch trên biển.

Công nghệ AI cũng sẽ giúp các nhà chiến lược của Trung Quốc dự đoán trước những điều có thể xảy ra trên chiến trường và trở thành lợi thế của quân đội nước này, theo một bài viết được đăng tải trên tờ PLA Daily.

Ngành công nghiệp chất bán dẫn và ngành khoa học điện toán tiên tiến

Trung Quốc lần đầu công bố kế hoạch phát triển “Made in China 2025” vào năm 2025, và ngành công nghiệp chất bán dẫn là một trong những lĩnh vực trọng điểm trong kế hoạch này. Trước đó, Trung Quốc đã phải phụ thuộc vào công nghệ chất bán dẫn của nước ngoài trong rất nhiều năm.

Tháng 6/2014, Bắc Kinh đã chi ra một số tiền khổng lồ để tự xây dựng chuỗi sản xuất – cung ứng chất bán dẫn tiên tiến. Quỹ đầu tư Công nghiệp Mạch tích hợp Trung Quốc đã được thành lập vào tháng 9 cùng năm.

Đến tháng 12/2014, công ty tư vấn Deloitte Global đã dự đoán rằng vào năm 2019, một nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc sẽ bắt đầu sản xuất chất bán dẫn cho AI và các thuật toán máy học (machine learning).

Công nghệ lượng tử

Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, được công bố vào năm 2016, Bắc Kinh đã bắt đầu một “đại kế hoạch” nhằm phát triển công nghệ liên lạc và điện toán lượng tử, với mục tiêu sẽ đạt được đột phá vào năm 2030.

Điện toán lượng tử sử dụng các hạt hạ nguyên tử để xử lý dữ liệu trên quy mô lớn hơn nhiều lần so với các loại máy tính đang được sử dụng. Các trường đại học của Trung Quốc và công ty công nghệ của Mỹ như IBM và Microsoft đang “chạy đua” để tạo ra các máy tính lượng tử.

Trong lĩnh vực quân sự, công nghệ lượng tử có thể giúp Trung Quốc xây dựng mạng lưới liên lạc toàn cầu, nâng cao năng lực điện toán và giải mã, hỗ trợ trong việc phát hiện các loại khí tài vô hình và tăng độ chính xác của công nghệ điều hướng tàu ngầm.

Tháng 8/2016, Trung Quốc đã phóng vào không gian vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, mở đường cho một mạng lưới liên lạc lượng tử an toàn. Tháng 5/2017, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã xây dựng mô hình máy tính lượng tử đầu tiên.

Các loại vũ khí siêu thanh

Mặc dù Mỹ vẫn là số 1 thế giới trong lĩnh vực này, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách.

Tháng 8/2018, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công máy bay siêu thanh Starry Sky-2 – chiếc Waverider bay được bằng chính sóng xung kích nó tự tạo ra.

Được biết, sau khi được phát triển hoàn chỉnh, chiếc Waverider này có thể được sử dụng để mang các đầu đạn ở tốc độ có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thử tên lửa nào ở thời điểm hiện tại – gấp 6 lần vận tốc âm thanh, hay 7.344 km/h. Và các vũ khí siêu thanh có thể tham gia các cuộc không kích trên toàn cầu.

Các vật liệu tiên tiến và năng lượng thay thế

Trung Quốc đang tập trung nghiên cứu phát triển các vật liệu tiên tiến để nâng cao năng lực, cũng như sự bền bỉ và “tuổi thọ” của khí tài quân sự và hệ thống vũ khí của nước này.

Thời báo Hoàn Cầu, một ấn phẩm thuộc sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin hồi tháng 4 vừa qua rằng Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo các loại vật liệu ngụy trang và vô hình để che giấu máy bay chiến đấu hoặc tàu chiến của nước này dưới một phổ điện từ rộng.

Một loại vật liệu mới, được cho là nhẹ hơn, bền bỉ hơn và linh hoạt hơn các loại vật liệu đang được sử dụng trong quân đội Trung Quốc hiện nay, có thể sẽ được sử dụng cho các loại xe quân dụng và trang phục tác chiến.

Gần đây, truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về việc nước này đang phát triển các loại vật liệu phi carbon có thể chịu được nhiệt độ cao tới 3.000 độ C, phù hợp sử dụng cho máy bay siêu thanh – do ma sát với khí quyển có thể khiến nhiệt độ chiếc máy bay này tăng tới 3.000 độ C.

RELATED ARTICLES

Tin mới