Dù không trực tiếp dính dáng vào thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều quốc gia ngoài lề sẽ có cái lợi, cái thiệt nhất định do mạng lưới sản xuất và trao đổi rối như tơ nhện giữa các nước.
Chưa đầy 24 giờ sau khi Washington chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc hôm 10-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tăng thuế tiếp với tất cả số hàng còn lại nhập từ Trung Quốc trị giá 300 tỉ USD.
“Không ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại” là câu nói cửa miệng của một số quan chức Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước thời gian qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sẽ có “kẻ thắng, người thua” tùy vào hoàn cảnh mỗi nước.
Đậu nành, máy bay, nhôm, thép
Trước hết, những nhà xuất khẩu đậu nành, các nước xuất khẩu máy bay, các nước nhập khẩu nhôm và thép được đánh giá là những người chiến thắng rõ nét nhất.
Đậu nành hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ vào Trung Quốc, ước tính đạt 14 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc áp mức thuế 25% lên đậu nành Mỹ từ năm ngoái và khả năng Bắc Kinh dùng tới “bảo bối” này như giải pháp cuối cùng để đối phó Washington, đây là tin vui đối với các nhà xuất khẩu đậu nành khác như Brazil và Argentina.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% lượng nhập khẩu đậu nành trên toàn thế giới. Thuế nhập khẩu cao cũng đồng nghĩa đậu nành Mỹ sẽ bị đẩy lên mức giá đắt đỏ, do đó Trung Quốc đã quay sang các thị trường khác, trong đó có Nam Mỹ.
Dễ thấy nhất, Brazil đã cung cấp số lượng đậu nành kỷ lục cho Trung Quốc năm ngoái, cùng với các sản phẩm nông nghiệp khác, theo báo SCMP.
Về lĩnh vực hàng không, các nhà sản xuất máy bay châu Âu sẽ có lợi nếu Trung Quốc quyết định chọn mua máy bay Hãng Airbus thay vì Hãng Boeing của Mỹ.
Đối với thép và nhôm, với việc Mỹ áp thuế mạnh tay lên 2 mặt hàng này của Trung Quốc từ năm ngoái, đây là cơ hội vàng cho những nước có nhu cầu mua lại chúng. Bắc Kinh có thể sẽ giảm giá nhôm và thép để thu hút các khách hàng ở thị trường xuất khẩu mới.
Theo Đài CNBC, ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Việt Nam là hai quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin khi nhiều công ty đầu tư vào đây. Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất ôtô, Malaysia và Thái Lan sẽ là “người chiến thắng” lớn nhất.
Về những kẻ thua cuộc, đó là các nền kinh tế xuất khẩu mạnh tại châu Á. Giới phân tích cho rằng các nền kinh tế châu Á có tham gia trao đổi thương mại trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu đựng “mũi dùi” thương chiến.
Nhà phân tích Nick Marro tại đơn vị tình báo Economist (EIU) của Anh cho biết trong trường hợp này Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore dễ “bị tổn thương về ngắn hạn”.
“Trung Quốc là điểm đến chính cho các sản phẩm công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) trung gian và cuối cùng từ tất cả 4 nền kinh tế này. Điều đó có nghĩa các công ty về ICT sẽ bị ảnh hưởng nặng trước thuế áp lên các sản phẩm này” – theo báo cáo của EIU.
Tổng hợp nội dung: BÌNH AN – Đồ họa: V.Cường
Việt Nam hưởng lợi ra sao?
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), khi Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc có thể làm cho các ngành điện thoại di động, thiết bị điện tử viễn thông, linh kiện máy tính, đồ điện tử gia dụng bị ảnh hưởng, khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng này lên tới 256 tỉ USD.
Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư chuyển hướng sản xuất các mặt hàng điện tử sang các thị trường khác như ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, theo SSI, giá nhân công cao kết hợp với rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nên các tập đoàn lớn như Samsung càng có lý do để đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các nước khác.
Việt Nam hiện đang là nơi sản xuất lớn nhất của Samsung với sản lượng khoảng 240 triệu chiếc điện thoại mỗi năm. Do đó, SSI cho rằng nếu dịch chuyển khả năng đầu tiên sẽ là Việt Nam, sẽ giúp thúc đẩy cho lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là khu vực phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng phát triển.
Đối với lĩnh vực hàng may mặc, giày dép, đồ dùng thể thao, đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, giá trị Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ 85 tỉ USD. Do đó, các nước được hưởng lợi không chỉ có Việt Nam mà còn có Bangladesh, Campuchia…
Khi thương chiến leo thang, đồng nhân dân tệ mất giá, các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày có mức giá rẻ hơn.
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn cũng như thu hút được thêm vốn đầu tư FDI. Xuất khẩu gia tăng cộng với đồng USD tăng giá sẽ tác động tích cực kép đến nhóm ngành dệt may.
Với sắt thép, giá trị xuất khẩu là 1 tỉ USD. SSI cho rằng việc áp thuế của Mỹ lại gây lo ngại thép Trung Quốc sẽ tìm một thị trường khác để tiêu thụ, trong đó có Việt Nam, biến thành điểm trung chuyển qua các nước khác.
Tuy nhiên, lượng thép Trung Quốc xuất vào Mỹ có quy mô nhỏ chỉ 740.000 tấn, nên nếu có tràn qua Việt Nam thì cũng không đáng lo ngại, nên tác động tiêu cực được nhận định là không quá lớn.
Với các sản phẩm chip và chất bán dẫn, hiện có quy mô xuất khẩu là 6 tỉ USD. Do đó, các công ty đa quốc gia của Mỹ có thể sẽ chịu áp lực cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Đơn cử như Intel hiện đã có nhà máy tại Việt Nam, nên nếu Mỹ áp thuế có thể hãng này sẽ phân bổ đầu tư nhiều hơn cho Việt Nam.
Muốn “hòa bình” cần “hiệp định”
Bất chấp đòn tăng thuế mạnh tay của Mỹ lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải không có đường lui.
Các chuyên gia nói với Đài CNN rằng cách tốt nhất để kết thúc thương chiến về dài hạn là Mỹ theo đuổi ký kết một hiệp định đầu tư với Trung Quốc. Mỹ có hơn 40 hiệp định đầu tư đang thực hiện với các đối tác trên toàn cầu.
Kể từ năm 2008, Washington cũng đã cân nhắc ký hiệp định đầu tư với Trung Quốc và Ấn Độ. Lợi ích của một hiệp định đầu tư là nó cung cấp lá chắn để bảo vệ tài sản trí tuệ của các bên.