Thursday, January 16, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNguyên nhân TQ đột ngột rút lại đàm phán với Mỹ: Bài...

Nguyên nhân TQ đột ngột rút lại đàm phán với Mỹ: Bài học từ Triều Tiên ở thượng đỉnh tại Hà Nội?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thử cách tiếp cận cá nhân, viết cho ông Trump một bức thư “tuyệt đẹp”, nhưng cũng chẳng thành công hơn những bức thư của ông Kim.

Tổng thống Trump tại Hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Hà Nội. Ảnh: The Atlantic.

Bài học từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2

Donald Trump đã muốn đàm phán với Trung Quốc từ lâu. Trong cuốn sách năm 2011 của mình, Time to get Tough, ông đã lập luận rằng các chính trị gia người Mỹ không hiểu Trung Quốc và những kinh nghiệm làm việc với các giám đốc điều hành Trung Quốc trong lĩnh vực bất động sản sẽ mang lại lợi thế cho ông.

Nhưng khi thời hạn đàm phán thương mại trôi qua, cả 2 đã không thể có 1 thỏa thuận. Lý do là những sai lầm kinh điển: hai nhà lãnh đạo đã hiểu sai ý nhau, hơi “quá tay” và có rất ít khả năng thỏa hiệp, ít nhất là trong tương lai gần.

Việc không đạt được thỏa thuận không có gì ngạc nhiên, vì mặc dù 2 nhà lãnh đạo đang điều hành 2 hệ thống kinh tế và chính trị khác nhau, ông Trump và ông Tập lại vô cùng giống nhau. Cả hai đều có ý định tâp trung quyền lực trong tay, trở thành người ra quyết định cuối cùng.

Ông Tập Cận Bình đã nhận thấy rằng Tổng thống Trump đã “sổ toẹt” các quyết định của cấp dưới, từ Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, thậm chí cả Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, quan chức có quan điểm cứng rắn nhất, gần với Tổng thống, bằng cách phản bác họ công khai trong các tweet và đưa ra các nhận xét trái chiều với báo chí.

Theo dõi hành vi hay thay đổi, thích tạo ra sự hỗn loạn của ông Trump, nhà lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng cách tốt nhất để chốt thỏa thuận là giao dịch trực tiếp với Trump.

Nhưng khi nhìn thấy cuộc gặp thứ hai giữa nhà lãnh đạo Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, ông Tập đã thay đổi quyết định, để cho Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một nhà kinh tế có đầu óc cải cách đàm phán.

Bất chấp tất cả sự lạc quan của những người quan sát, cả ông Lưu Hạc và Lighthizer đều không bỏ qua các chi tiết quan trọng của thỏa thuận, như tất cả thuế quan sẽ được giảm, hay chỉ một số? Và nếu vậy, thì ở mức nào? Thời gian là 3 năm hay 5 năm?…

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thử cách tiếp cận cá nhân, viết cho ông Trump một bức thư mà ông Trump mô tả là “tuyệt đẹp”, nhưng cũng chẳng thành công hơn những bức thư của ông Kim, ít nhất là cho đến bây giờ.

Câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ

Ông Trump đã rất ngạc nhiên và tức giận khi Trung Quốc bất ngờ sửa các nội dung đàm phán về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và các vấn đề khác, mặc dù các chuyên gia thương mại trong và ngoài chính phủ cho rằng đó là một chiến thuật đàm phán điển hình của Trung Quốc mà họ đã dự đoán.

Phản ứng của ông Trump có thể dự đoán được: tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc lên 25%, một động thái sẽ tác động mạnh đến các công ty Mỹ có chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Ông Trump sau đó tiếp tục đe dọa đánh thuế lên 325 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc cũng đã áp thuế lên 60 tỷ USD hàng Mỹ.

Trump cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với suy thoái và Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ để duy trì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ. Lighthizer nghĩ rằng mức thuế cao hơn sẽ giúp hoàn thành một trong những mục tiêu chính là buộc các nhà nhập khẩu Mỹ phải dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đến Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và các nhà sản xuất giá rẻ khác, như một số nhà sản xuất đã bắt đầu làm.

Dựa trên kinh nghiệm đã bị áp thuế với thép và nhôm và mức thuế 10% đối với các hàng hóa khác, người Trung Quốc nghĩ rằng thời gian đang đứng về phía họ và nước này có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, như Bắc Kinh đang làm với sáng kiến Vành đai – Con đường ​​và thúc đẩy công nghệ internet 5G với mức giảm giá lên tới 90%, theo các quan chức Mỹ.

Nhưng cho đến nay, những câu hỏi lớn vẫn chưa được trả lời.

Liệu 2 nhà lãnh đạo sẽ quay lại bàn đàm phán? Ông Trump và ông Tập dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh kinh tế G20 ở Osaka ngày 28-29/6, nhưng nếu không có thỏa thuận nào trong tay, các quan chức Washington cho biết, Phó Tổng thống Mike Pence có thể tới Nhật Bản thay ông Trump.

RELATED ARTICLES

Tin mới