Nhằm xoa dịu dư luận từ phía ngư dân Philippines hiện nay khi họ phàn nàn rằng chính quyền nước này không có nhiều bước đi để đối phó hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Tòa án tối cao Philippines hôm 3/5 đã ra lệnh yêu cầu chính phủ và các cơ quan an ninh nước này phải thực thi những công ước quốc tế, luật nội địa để bảo vệ các bãi đá, sinh vật biển trong vùng biển đang tranh chấp với Trung Quốc.
Tòa án tối cao Philippines hôm 3/5 đã ra lệnh yêu cầu chính phủ và các cơ quan an ninh nước này phải thực thi những công ước quốc tế, luật nội địa để bảo vệ các bãi đá, sinh vật biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines ở Biển Đông. Động thái trên được xem là nhằm xoa dịu dư luận từ phía ngư dân Philippines hiện nay khi họ phàn nàn rằng chính quyền nước này không có nhiều bước đi để đối phó hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tòa án tối cao Philippines cho biết đã phát lệnh chỉ đạo người đứng đầu các bộ chủ chốt, lực lượng tuần duyên, hải quân và cảnh sát nước này thực thi những công ước quốc tế cùng luật nội địa nhằm bảo vệ các bãi đá, sinh vật biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines.
Chỉ đạo được Tòa án tối cao Philippines đưa ra có phạm vi thực hiện bao trùm 3 khu vực là bãi cạn Scarborough, cùng bãi Cỏ Mây và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tòa án tối cao Philippines không đưa ra khung thời gian để chính phủ và các cơ quan liên quan của nước này thực hiện chỉ đạo cũng như không đề cập họ nên thực thi các luật lệ như thế nào.
Chỉ đạo của Tòa án tối cao Philippines đã đặt ra thách thức hiếm hoi dành cho cái mà giới chỉ trích nước này nói là “sự thỏa ước” của chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để đổi lấy những gói đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh bất chấp các động thái quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, cộng đồng làm nghề đánh bắt hải sản đến từ hai tỉnh của Philippines đã nộp đơn khiếu nại lên chính quyền nước này, nói rằng những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông đã vi phạm phán quyết được Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan đưa ra hồi năm 2016 đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính sách của Chính quyền Tổng thống Duterte đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của công luận tại Philippines. Đó là do sự nhượng bộ với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, thậm chí là bỏ qua phán quyết của Tòa để đổi lại những lợi ích về kinh tế từ Trung Quốc, mà cụ thể là các khoản viện trợ và đầu tư tài chính. Trong khi trên thực địa, Trung Quốc vẫn hành động ngang ngược, chèn ép Philippines. Người dân Philippines đã bị Trung Quốc dọa nạt, tịch thu cá ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế và vùng biển đánh bắt cá truyền thống của người dân Philippines.
Những hoạt động của tàu quân sự và tàu đánh cá của Trung Quốc tại Bãi cạn Scarborough đã khiến cho môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với Philippines, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Philippines bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Trung Quốc ngăn cấm không cho ngư dân Philippines vào đánh bắt ở vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của họ. Cục Thủy sản và Tài nguyên nước Philippine hồi tháng 6/2018 đã phải công bố báo cáo về đánh giá về mức thiệt hại nặng nề đối với các rặng san hô quanh khu vực bãi cạn Scarborough dưới sự kiểm soát của lực lượng Tuần duyên Trung Quốc, qua đó kết luận khu vực bãi cạn Scarborough hiện không còn cá nữa vì thức ăn cho cá là san hô đã biến mất và phải mất ít nhất 40 năm san hô mới mọc lại. Nguyên nhân là do không có người quản lý ngư dânTrung Quốc ở đây, để họ thỏa sức đánh bắt trái phép, bao gồm việc sử dụng chất nổ đối với các rặng san hô.