Thursday, January 16, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiÔng Lưu Hạc nói TQ ở tình thế "bóng tối trước bình...

Ông Lưu Hạc nói TQ ở tình thế “bóng tối trước bình minh”: Bắc Kinh ngoài miệng tự tin nhưng thâm tâm lại chột dạ?

Cuộc phỏng vấn của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc còn dự báo về sự biến đối lớn bất trắc, khôn lường của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc sang Mỹ tham gia đàm phán. Ảnh: Reuters

Vào ngày 10/5, trước khi trở về Bắc Kinh, Phó Thủ tướng kiêm Trưởng phái đoàn đại diện thương mại Trung Quốc Lưu Hạc đã tổ chức cuộc họp báo chung. Cuộc họp báo này ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới truyền thông, đặc biệt là truyền thông Trung Quốc.

Theo giới phân tích, so với các hoạt động rầm rộ trước đó của các hãng-kênh truyền thông lớn ở Mỹ, Bắc Kinh cũng hiểu rằng họ cần phải phá vỡ sự im lặng và không thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi áp lực từ dư luận Mỹ.

Trong cuộc họp báo trước đó ngày 9/5, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ông mang theo thành ý của Bắc Kinh tới Washington. Và tại cuộc họp báo ngày hôm sau, ông nhấn mạnh đặc biệt đến tình hình kinh tế của Trung Quốc và được cho cố gắng dùng lợi ích kinh tế để thúc đẩy quá trình đàm phán.

Do đó, vấn đề đã xuất hiện. Khi truyền thông Trung Quốc truyền tải thông điệp thể hiện sự tự tin, ý chí của ông Lưu Hạc thì truyền thông thế giới lại đọc được những ẩn ý đáng lo ngại từ cuộc họp báo này, báo tiếng Hoa Đa chiều cho biết.

Ví dụ, theo truyền thông thế giới, cụm từ “bóng tối trước bình minh” của ông Lưu Hạc có thể ám chỉ đàm phán thương mại Trung-Mỹ đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Và khi ông liên tục nhấn mạnh “Trung Quốc không sợ”, kết hợp với các cụm từ “chúng ta phải đáp trả”, “không thể nhượng bộ”, có thể thấy Bắc Kinh đang chột dạ và niềm tin đang bị giảm nhẹ.

“Trong điều kiện trước mắt, tôi nghĩ, chúng ta cần nỗ lực từng bước một. Chúng ta cần đứng vững, đi qua bóng tối trước bình minh, cho nên hy vọng nhận được sự thấu hiểu và ủng hộ từ các giới”, ông Lưu Hạc nói, “Vì lợi ích của người dân Trung Quốc, vì lợi ích của người dân Mỹ và vì lợi ích của nhân dân thế giới, chúng ta sẽ giải quyết một cách tỉnh táo. Nhưng Trung Quốc không sợ, dân tộc Trung Hoa không sợ”.

Trấn an dư luận

Theo Đa chiều, Bắc Kinh thời gian gần đây đã mất cảnh giác khi đối mặt với Washington. Cụ thể, vào chiều 5/5 trên twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Một ngày sau, 6/6, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã tổ chức một cuộc họp báo, tuyên bố ủng hộ chính sách của Nhà Trắng.

Đặc biệt, trước thời điểm 00h01 ngày 10/5 – chính thức áp dụng mức thuế mới đối với 200 tỷ USD hàng hóaTrung Quốc, Washington đã thông qua truyền thông để thông báo rằng, Bắc Kinh đã “lật kèo” với các thỏa thuận song phương trước đó.

Rõ ràng, ngoài cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh còn một cuộc chiến dư luận với Mỹ. Điều này khiến chuyến đi đến Washington của ông Lưu Hạc không chỉ mang sứ mệnh đối thoại mà còn đảm nhận nhiệm vụ tham gia phỏng vấn, phát đi tín hiệu lạc quan về kinh tế của Trung Quốc cũng như trấn an dư luận.

Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đã xuất bản liên tiếp các bài xã luận, nhấn mạnh rằng “nền kinh tế Trung Quốc có lợi thế sâu rộng” và “có khả năng giải quyết nhiều rủi ro”, kết hợp bài phát biểu của ông Lưu Hạc đã xác lập thái độ cơ bản của Bắc Kinh: “Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ tăng thuế, chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống khác nhau”, đồng thời ổn định thị trường, tăng cường sự tự tin trong giới kinh doanh tài chính và doanh nghiệp Trung-Mỹ.

Từ quan điểm này, ông Lưu đúng là đã chia sẻ về những tín hiệu lạc quan nền kinh tế Trung Quốc tại cuộc họp báo.

“Về trung hạn, tôi tin rằng kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy chu kỳ kinh tế vào cuối năm ngoái và hiện đã bước vào giai đoạn tăng trưởng. Vì vậy, chúng tôi rất lạc quan về chu kỳ trung hạn và dài hạn”, Phó Thủ tướng Trung Quốc nói.

Về lĩnh vực cải cách hệ thống cung ứng, ông cũng khẳng định, “sức cạnh tranh của ngành nghề, sức cạnh tranh của sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp đều được cải thiện toàn diện”.

Ngoài ra, ông cũng tiết lộ rằng, Mỹ sẽ cử phái đoán đến Bắc Kinh trong thời gian tới, tiếp tục thúc đẩy quá trình đối thoại. Điều này cho thấy, Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ quay trở lại bàn đàm phán và trong tay Washingtong có thể đã không còn quá nhiều “lá bài” đắc lực, nhằm chứng tỏ Trung Quốc sẽ không chịu biến động mạnh mẽ trước đe dọa của Hoa Kỳ và mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ cũng sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Trung Quốc.

Bóng tối trước bình minh

Theo Đa chiều, so với những ý định lạc quan mà Bắc Kinh cố gắng thể hiện. Nội dung lặp đi lặp ại trong bài phát biểu của Liu He đã cho thế giới bên ngoài “nhiều cánh cửa khác để hiểu rõ” Bắc Kinh.

Trước hết, Phó Thủ tướng Lưu Hạc bất ngờ nhận trả lời phỏng vấn vào hai thời điểm: khi vừa đặt chân đến Mỹ và thời điểm sau khi cuộc đàm phán kết thúc. Điều này khác biệt hẳn so với các vòng đàm phán trước đây.

Kể từ năm 2018 khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Trung Quốc được cho đã điều chỉnh chiến lược dư luận đàm phán thương mại, vì vậy khi đó ông Lưu hiếm khi nói chuyện cởi mở về mâu thuẫn thương mại.

Trước sự thể hiện quyết liệt của Tổng thống Trump và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer về thuế quan, lý do mà ông Lưu Hạc đưa ra là “những gì xảy ra là bình thường, chỉ là những trục trặc nhỏ phát sinh trong quá trình đàm phán song phương” càng khó thuyết phục dư luận.

Cuộc phỏng vấn của ông Lưu Hạc không đơn thuần thông báo về tình hình đang phát triển rất thuận lợi mà nó còn dự báo về sự biến đối lớn bất trắc, khôn lường của cuộc chiến này, Đa chiều nhận định.

Thứ hai, bài phát biểu của ông Lưu Hạc xuất hiện nhiều từ lặp ví dụ, “không thể nhượng bộ nguyên tắc”, “trung hạn”, “thời kỳ phát triển”, “cải thiện toàn diện”.

Khi trả lời một số câu hỏi ở cuối buổi họp báo, ông cũng nhấn mạnh các cụm từ “Bóng tối trước bình minh” và “Trung Quốc không sợ hãi”. Tuyên bố này cho thấy ý đồ của Bắc Kinh về việc cố gắng tăng cường sự tự tin nhưng sự thể hiện trong phát biểu lại chưa hoàn toàn trọn vẹn.

Trong bối cảnh hiện tại kết hợp với cụm từ “dân tộc Trung Hoa không sợ” vô hình trung thể hé lộ sự tự tin của Bắc Kinh trở nên đáng lo ngại. “Bóng tối trước mình minh” rõ ràng mô tả về một tình thế thiếu lạc quan và cụm từ lặp “không sợ”cho thấy đây không phải tình huống thông thường.

Đặc biệt, Đa chiều cho rằng, khi đưa tin, truyền thông Trung Quốc cũng đã chỉnh sửa “quá đà”, làm mất đi tính toàn vẹn của bài phát biểu của ông Lưu Hạc. Nội dung cuộc phỏng vấn được “cô đọng” trong khoảng 6 phút khiến giới quan sát dấy lên nghi ngờ về những nội dung bị cắt.

Tờ này cho rằng, Trung Quốc hiện đã nâng cấp độ tuyên truyền về cuộc chiến thương mại nhưng điều này là chưa đủ và chưa thể thỏa mãn dư luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới