Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang thách thức luật pháp và cộng đồng quốc tế khi...

TQ đang thách thức luật pháp và cộng đồng quốc tế khi đơn phương áp đặt “lệnh cấm đánh bắt cá” trái phép ở Biển Đông

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bắt đầu đơn phương thực thi “lệnh cấm đánh bắt cá” trái phép trên Biển Đông trong ba tháng rưỡi, bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp mà còn là hành vi thách thức cộng đồng quốc tế.

Khu vực Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông

“Lệnh cấm đánh bắt cá” vô nghĩa của Trung Quốc

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bắt đầu đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ 12h ngày 1/5 – 12h ngày 16/8, trong phạm vi từ 120 vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.

Thời gian và địa điểm cấm đánh bắt cá năm 2019 được đưa ra giống năm ngoái. Cơ quan hải giám Trung Quốc ngang nhiên cho rằng “lệnh cấm” áp dụng đối với toàn bộ ngư dân Trung Quốc cũng như các nước khác trong khu vực và trong thời gian có lệnh cấm Trung Quốc sẽ tăng cường các lại tàu chấp pháp, giám sát, tuần tra và thực hiện nghiêm ngặt trong 24 giờ mỗi ngày và bất cứ vi phạm nào trong thời gian này sẽ bị xử lý ngay lập tức.

Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế

Cấm đánh bắt cá là một trong những chính sách phổ biến của nhiều quốc gia giáp biển. Lệnh cấm này nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, dựa trên các văn bản pháp luật quốc tế như: Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS); Hiệp định về các loài cá di cư của LHQ 1995; Công ước bảo vệ đa dạng sinh học (CBD); Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật đang bị nguy cấp (CITES) và Công ước về các loài di cư (CMS).

Theo các quy định trên, thì lệnh cấm đánh bắt cá được áp dụng trong 2 điều kiện là: Các quốc gia ven biển chỉ có quyền đánh bắt cá trong phạm vi vùng biển mà quốc gia đó chủ quyền và quyền tài phán, thường chủ yếu là vùng đặc quyền kinh tế; Lệnh cấm đánh bắt cá phải dựa trên các số liệu khoa học, trên cơ sở trao đổi thường xuyên với các tổ chức trong khu vực và quốc tế, ngoài ra phải có sự tham vấn của các quốc gia liên quan. Trước khi áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá, thì quốc gia đó phải thông báo công khai, thông tin đầy đủ khu vực, nội dung đánh bắt cá với ngư dân trong nước và tham vấn với các nước trong khu vực.

Việc tham vấn với các quốc gia có liên quan đặc biệt quan trọng và trở thành nghĩa vụ trong trường hợp quy định cấm đánh bắt cá được áp dụng với các loài cá có khả năng di cư xa hoặc sinh sống trên khu vực biển của nhiều quốc gia. Danh sách các loài cá có khả năng di cư xa, đang bị đe doạ hoặc sinh sống tại nhiều quốc gia được quy định rõ tại CBD, CMS và Hiệp định 1995. Ngoài ra, trước khi áp dụng, quốc gia ven biển có nghĩa vụ thông báo công khai, đầy đủ thông tin về quy định cấm đánh bắt cá với ngư dân của nước mình và ngư dân của các nước khác được phép đánh bắt cá trong EEZ của nước mình.

Thực tiễn quốc tế cho thấy,  Liên minh châu Âu (EU) và  nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Mexico… đều từng áp dụng các quy định cấm đánh bắt cá theo thời gian hoặc theo một số loài cá nhất định. Đây là một trong những biện pháp được đánh giá có tính hiệu quả cao giúp bảo tồn, quản lý, duy trì nguồn tài nguyên sinh vật biển và bảo vệ đa dạng sinh học, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ sở hữu hợp pháp 13% diện tích Biển Đông, tức là nếu áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá theo quy định quốc tế, thì nước này chỉ được cấm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Nhưng Bắc Kinh lại ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 90% khu vực của Biển Đông (hơn 3 triệu km2), vi phạm nghiêm trọng UNCLOS và xâm hại đến vùng đặc quyền kinh tế mà các nước trong khu vực đã tuyên bố chủ quyền.

Không những vậy, việc Trung Quốc đơn phương áp đặt “lệnh cấm” trên là hành vi xâm phạm an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, cụ thể: (i) “Lệnh cấm” trên vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa vốn là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam, song đã bị Trung Quốc 3 lần sử dụng vũ lực bất hợp pháp vào năm 1909, năm 1956 và năm 1974. (ii) Phạm vi của Lệnh cấm đánh cá này xâm phạm các EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Theo quy định của UNCLOS 1982, Việt Nam (12/11/1982) đã công bố Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam, nên Việt Nam hoàn toàn có quyền xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình. Phạm vi mà Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và khu vực vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. (iii) Phạm vi lệnh cấm đánh cá còn vi phạm quy chế của vùng chồng lấn nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định vùng chồng lấn này. Theo quy định của UNCLOS và theo thực tiễn quốc tế, trong khi đàm phán phân định vùng chồng lấn, các bên liên quan không được phép đơn phương tiến hành bất kỳ một hoạt động nào. Việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá ở vùng chồng lấn là trái với quy định của UNCLOS, bất chấp thông lệ quốc tế và hoàn toàn đi ngược lại cam kết chính trị của hai bên. (iv) Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm cho thấy Trung Quốc vi phạm nguyên “kiềm chế, không thực hiện các hoạt động làm phức tạp và leo thang tranh chấp” đã được quy định trong DOC.

Dù biết vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc cố tình đưa ra lệnh cấm đánh cá nhằm phục vụ âm mưu riêng.

Thứ nhất, để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc áp dụng và phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để tìm cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Thứ hai, thông qua việc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá hàng năm, Trung Quốc muốn phản biện lại phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) bằng cách chứng minh “Trung Quốc là nước đang kiểm soát hiện hữu, lâu dài ở Biển Đông” và các thực thể địa lý (bị Tòa tuyên bố không phải đảo) đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”.

Thứ ba, Trung Quốc muốn thông qua lệnh cấm đánh bắ cá mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuộc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.

Phản ứng chính thức từ Việt Nam

Sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông năm 2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc, cho rằng quy chế này “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)”; đồng thời khẳng định quy định của Trung Quốc đã đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Quy chế của Trung Quốc cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Hội Nghề cá Việt Nam cũng nhiều lần có công văn gửi các Bộ, ngành liên quan phản đối hành động đơn phương này từ phía Trung Quốc. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, hành động đơn phương han hành Quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển vịnh Bắc bộ, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại DOC; không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động đơn phương và không có giá trị pháp lý của phía Trung Quốc. Quyết định trên của phía Trung Quốc là vô giá trị.

Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, đây là lệnh cấm vào dịp hè kéo dài 3 tháng được Trung Quốc đơn phương áp dụng bắt đầu từ năm 1999 trở lại đây; khẳng định lệnh đánh bắt cá trên không có giá trị đối với Việt Nam. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, “người ta muốn thể hiện cái quyền của người ta về cái đường lưỡi bò, với lý do là để bảo vệ thì nó cũng đơn giản như mọi năm đều nó là bảo vệ nguồn cá trong vùng biển đó. Tuy nhiên đối với Việt Nam chúng tôi thì nó chả có giá trị pháp lý gì cả vì nó vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật biển của Việt Nam. Vùng biển Việt Nam thì do người Việt quản lý chứ chả cần đợi người khác bảo vệ quyền lợi trên vùng biển của chúng tôi. Người Việt Nam sẽ lo việc đó”.

RELATED ARTICLES

Tin mới