Chuyên gia kinh tế Nhật Bản chỉ ra, việc định vị những nguyên nhân gây ra chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay dường như không hợp lý.
Trong suy nghĩ phổ biến, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ xuất phát từ ba vấn đề chính: Mất cân bằng thương mại song phương, thực tế Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, và chính phủ Trung Quốc trợ cấp thiên lệch cho doanh nghiệp nhà nước.
Tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) ngày 10/5 chia sẻ quan điểm của chuyên gia kinh tế học Ke Long – nhà nghiên cứu cấp cao từ Viện nghiên cứu Quỹ Tokyo (Tokyo Foundation for Policy Research), giáo sư Đại học tỉnh Shizuoka và thành viên thỉnh giảng Trung tâm nghiên cứu kinh tế thuộc Viện nghiên cứu Fujitsu.
Ông Ke Long bình luận, với tư cách là một nhà nghiên cứu về kinh tế học, nhưng ông vẫn chưa thể tìm ra lý do tại sao Trung Quốc và Mỹ lại triển khai cuộc chiến thương mại này. Tưởng như hai bên có thể dễ dàng thông qua đàm phán đạt được đồng thuận, nhưng không ngờ thực tế đã diễn biến trái ngược.
Có phải do mất cân bằng thương mại?
Theo ông Ke Long, nếu nguyên nhân của cuộc chiến thương mại là sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, như lời của Tổng thống Donald Trump là Mỹ đã chịu quá nhiều thiệt thòi, vậy thì cho dù Mỹ có tăng thêm bao nhiêu thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thể loại bỏ được thực tế này. Đây là nguyên lý cực kỳ đơn giản.
Lý do chính gây mất cân bằng thương mại giữa hai nước là hệ quả của xu thế nhiều tập đoàn đa quốc gia tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay Nhật Bản rầm rộ chuyển các nhà máy sang Trung Quốc nhằm giúp các tập đoàn này gia tăng khả năng cạnh tranh quốc tế. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đáng kể của Mỹ, đặc biệt là hàng có giá trị gia tăng cao như sản phẩm điện tử là sân chơi của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Lợi ích Trung Quốc có được nhờ đầu tư trực tiếp của các tập đoàn đa quốc gia này là vô số cơ hội việc làm, còn lợi ích của các doanh nghiệp nhờ đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc là thu được lợi nhuận lớn bởi chi phí lao động của người Mỹ, châu Âu và Nhật đắt hơn nhiều so với người Trung Quốc. Chắc hẳn, với tư cách là một doanh nhân, ông Trump hiểu rõ thực tế đơn giản này.
Những ai tinh ý sẽ thấy rõ vấn đề thực sự của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ không phải là mất cân bằng thương mại, mà là các vấn đề của Trung Quốc trong hoạt động thương mại quốc tế như đầu tư và nghiên cứu phát triển công nghệ (R&D), cũng như tiêu chuẩn tiếp cận thị trường của Trung Quốc không phù hợp quy tắc quốc tế hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Vì vậy, dù Trung Quốc mua bao nhiêu máy bay, đậu tương và khí tự nhiên của Mỹ cũng không giải quyết được vấn đề. Vì chuyện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của một số công ty Trung Quốc cũng như vấn đề chính phủ Trung Quốc (trung ương và địa phương) trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước là thực tế, nên việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc hành động theo các quy tắc quốc tế là không có gì sai, nhưng nếu dùng biện pháp trừng phạt thuế quan để gây sức ép Trung Quốc thì dường như có gì đó lầm lẫn.
Cần xác định vai trò của WTO
Việc thành lập WTO là để giải quyết các tranh chấp trong thương mại quốc tế, vậy tại sao Mỹ không kiện các vi phạm của Trung Quốc tại WTO?
Theo chuyên gia Ke Long, có lẽ như Tổng thống Trump đã cho biết, WTO đã đánh mất vai trò từ lâu. Nhưng cuộc chiến mà hai nước đang làm để giải quyết vấn đề cân bằng thương mại là không khả thi. Mặc dù hai bên có đề cập thông qua đàm phán là biện pháp để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, nhưng nước tham gia đàm phán thường dễ hướng theo cảm tính (chỉ nghĩ lợi ích của mình), cho nên việc chấp nhận bên thứ ba làm trọng tài là một giải pháp hiệu quả cho câu chuyện này.
Trong thực tế bế tắc vì Mỹ muốn cử ban giám sát trú tại Trung Quốc, nhưng Trung Quốc là quốc gia có chủ quyền nên không thể chấp nhận. Ông Ke đề xuất vấn đề việc cử ban giám sát không nên là Mỹ, mà phải là WTO.
Chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh rằng, nhìn về lâu dài thì thực trạng mất cân bằng thương mại Trung – Mỹ không phải là vấn đề, bởi vì cùng với thực tế gia tăng chi phí lao động ở Trung Quốc, nhiều ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp và trung bình đương nhiên phải được chuyển sang các nước Đông Nam Á khác, như Việt Nam và Myanmar.
Ví dụ, thời điểm Nhật Bản đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc đã có đến 25.000 doanh nghiệp, nhưng hiện tại còn khoảng 19.000, giảm 6.000 doanh nghiệp. Nhưng đồng thời số doanh nghiệp sản xuất hàng có giá trị gia tăng cao lại tăng lên, đây chính là thực tế phát triển lên cao của cơ cấu sản xuất công nghiệp. Không một quốc gia nào có thể tập hợp trong thời gian dài toàn bộ kết cấu sản xuất công nghiệp từ giá trị gia tăng thấp đến giá trị gia tăng cao, vì phát triển sản xuất công nghiệp luôn là một quá trình chọn lọc và đào thải.
Giành lại công bằng cho chính doanh nghiệp Trung Quốc
Vấn đề lầm lẫn nữa trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ là câu chuyện Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như trợ cấp doanh nghiệp nhà nước.
Chuyên gia Ke Long chỉ ra, dù Mỹ yêu cầu Trung Quốc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không phải đòi hỏi vô nguyên tắc, nhưng việc một số công ty Trung Quốc xâm phạm bừa bãi quyền sở hữu trí tuệ của các công ty khác không chỉ là vấn đề tổn hại đến quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài, nghiêm trọng hơn chính là làm giảm sự nhiệt huyết của chính nhà đầu tư Trung Quốc trong nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Thậm chí, ngay cả khi các công ty Trung Quốc may mắn có được công nghệ lõi từ con đường không chính thức nào đó thì họ cũng không thể tiếp tục phát triển được những công nghệ này. Chỉ cần tìm hiểu qua về trình độ công nghệ phổ biến của các công ty Trung Quốc là có thể thấy thực tế này.
Do đó, tác giả cho rằng, vấn đề quan trọng hơn của câu chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lại chính là tạo bầu không khí cho chính các doanh nghiệp Trung Quốc yên tâm nghiên cứu phát triển công nghệ. Theo một nghĩa nào đó, yêu cầu của Tổng thống Trump thực sự đang giúp các công ty Trung Quốc yên tâm để nghiên cứu phát triển công nghệ.
Còn vấn đề hạn chế trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước cũng tương tự. Nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh công bằng. Phải đối xử công bằng với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, vì tất cả đều là người nộp thuế như nhau. Chỉ khi ngừng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước thì mới là cách đối xử công bằng với doanh nghiệp tư nhân [của chính Trung Quốc].