Ngay sau khi đối thoại cơ chế tham vấn song phương Philippines – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông kết thúc, ngày 04/4/2019, Philippines đã ra Tuyên bố phản đối sự hiện diện của tàu cá và tàu dân binh Trung Quốc xung quanh đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines đang chiếm giữ và tiến hành sửa chữa nâng cấp một số hạng mục trên đảo. Tuyên bố nhấn mạnh các tàu thuyền của Trung Quốc ở đảo Pagasa (Thị Tứ) là “bất hợp pháp” và “vi phạm trắng trợn chủ quyền của Philippines”. Theo một số nguồn tin của Bộ Ngoại giao Philippines thì đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Locsin quyết định việc đưa ra Tuyên bố này. Ngay ngày hôm sau 05/4/2019, trong bài phát biểu tại thành phố Puterto Princessa ở Palawan, Tổng thống Philippines Duterte đã yêu cầu Trung Quốc “đừng động đến Pagasa” và nhấn mạnh binh lính Philippines “sẵn sàng cho nhiệm vụ cảm tử” nếu Trung Quốc có hành động tại khu vực này. Ông Duterte khẳng định đây không phải là lời cảnh cáo mà là lời khuyên cho Trung Quốc “tôi không nài nỉ hay cầu xin, nhưng tôi nói rằng đừng động đến đảo Pagasa vì tôi có những người lính ở đó”.
Tiếp đó, ngày 12/4/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh có thể xem sự hiện diện của Trung Quốc ở gần các đảo do Philippines chiếm đóng như một sự tấn công vào chủ quyền của Philippines vì Trung Quốc không có việc gì ở khu vực này cả. Trong khi đó, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines thì tuyên bố quân đội “sẵn sàng hành động nếu được lệnh để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ”.
Ngày 07/4/2019, Ngoại trưởng Philippines Locsin khẳng định trên Twitter “Mỹ đang và sẽ là đồng minh quân sự duy nhất của chúng ta, chúng ta không cần ai khác; ngày 10/4/2019, trả lời câu hỏi về quan điểm của Bộ Ngoại giao về việc Trung Quốc phô trương sức mạnh tại vùng biển tranh chấp trên Twitter, ông Locsin nhấn mạnh “vùng biển đó là của chúng ta (Philippines) và họ (Trung Quốc) đã chiếm lấy. Tòa án cao nhất (Tòa Trọng tài) đã phán quyết như vậy. Vấn đề là làm thể nào để lấy lại, cá nhân tôi không sợ chiến tranh”; ngày 16/4/2019, qua Twitter, Ngoại trưởng Philippines bày tỏ Philippines đã gửi công hàm phản đối việc Trung Quốc khai thác sò tai tượng ở khu vực Scarborough và đang nghiên cứu về hành động pháp lý. Cùng ngày, Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines phát biểu Mỹ nên ngăn cản hành động Trung Quốc cho tàu cá và tàu dân binh “bao vây” đảo Thị Tứ; khẳng định chính quyền của Tổng thống Duterte không quên Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài, nhưng có khó khăn là không có chế tài bắt buộc thực thi Phán quyết.
Ngày 24/4/2019, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperson Jr. ra tuyên bố nêu rõ: “Chính phủ Philippines có thể tuyên bố đảo Thị Tứ và khu vực phía Đông Kalayaan ở Biển Đông là khu vực biển được bảo vệ, tuyên bố này sẽ thúc đẩy nỗ lực bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển ở Biển Đông. Việc bắt sò lớn ở bãi Scarborough là bất hợp pháp và phá hoại đa dạng sinh học cũng như các cộng đồng xung quanh bãi này. Chính phủ tiếp tục kiểm soát sự hiện diện của các tàu nước ngoài ở khu vực này. Sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở vùng biển của Philippines, cho dù vì mục đích quân sự, đánh bắt cá, hoặc mục đích khác, là bất hợp pháp và vi phạm rõ ràng quyền chủ quyền và quyền tài phán kinh tế được xác định trong UNCLOS. Philippines sẽ tiến hành các hành động ngoại giao đối với các hoạt động bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, quyền chủ quyền của Philippines là không thể đàm phán. Chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định quyền của mình đối với vùng biển thuộc lãnh thổ, được xác định theo Phán quyết của Tòa Trọng tài và UNCLOS”.
Việc Philippines tỏ thái độ cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông diễn ra ngay sau khi Philippines và Trung Quốc kết thúc cuộc họp cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông thể hiện rõ thái độ bất mãn của Philippines. Điều này cho thấy cuộc họp không những không có kết quả mà nhiều khả năng Trung Quốc đã gây sức ép quá mạnh buộc Philippines phải có phản ứng. Lâu nay, Trung Quốc thường có thái độ trịch thượng, hách dịch tại các cuộc họp song phương, thậm chí dùng những lời lẽ hăm dọa để đạt được mục tiêu của mình, song lần này thì đã “lợi bất cập hại”. Trung Quốc đã không đạt được yêu cầu của họ mà còn gây bất bình từ những quan chức Philippines. Kết quả cuộc họp cơ chế song phương Philippines – Trung Quốc không có bất kỳ một tiến triển nào liên quan đến việc triển khai Bản ghi nhớ (MOU) về dầu khí mà 2 nước đã ký kết hồi tháng 11/2018 trong chuyến thăm Philippines của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhiều nhà phân tích cho rằng sở dĩ Philippines tỏ thái độ cứng rắn, mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông vì mấy lẽ sau:
Một là, sau gần 3 năm, chính quyền Duterte tỏ thái độ mềm mỏng với Trung Quốc để tranh thủ cải thiện quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc, song kết quả không được như mong muốn. Trung Quốc đã hứa nhiều nhưng không làm, ngược lại số lượng người Trung Quốc tại Philippines lại tăng nhanh, công việc của người Philippines lại mất đi;
Hai là, trong nội bộ Philippines có sự bất bình lớn trước cách ứng xử của ông Duterte đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, người dân Philippines đã tổ chức biểu tình phản đối trước Đại sứ quán của Trung Quốc tại Philippines. Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần và kết quả cuộc bầu cử này rất quan trọng đối với ông Duterte, do vậy chính quyền Duterte phải tỏ thái độ trước những hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông để đáp ứng yêu cầu của cử tri, bảo đảm cho việc giành kết quả thuận lợi trong bầu cử;
Ba là, sự hậu thuẫn của Mỹ bắt đầu từ việc Mỹ có tuyên bố công khai về Hiệp ước phòng thủ tương hỗ giữa Mỹ và Philippines ký năm 1951. Đầu tháng 3/2019, trong chuyến thăm Philippines, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào máy bay hay tàu thuyền của Philippines ở Biển Đông đều kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo Điều 4 của Hiệp ước. Ngày 05/4/2019, khi đang ở thăm Thái Lan, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Felter cho rằng sự hiện diện của một số lượng lớn tàu thuyền Trung Quốc quanh một hòn đảo hiện Philippines đang chiếm đóng khiến Mỹ lo ngại, sự hiện diện đó mang tính gây hấn, khiêu khích, không cần thiết và không có lý do xác đáng. Ngày 11/4/2019, Mỹ đã cùng Philippines tiến hành cuộc tập trận Bakikatan kéo dài 2 tuần, đáng chú ý là cuộc tập trận diễn ra ngay gần khu vực Scarborough. Ngoài ra, Mỹ còn tổ chức hội thảo trao đổi tìm cách hỗ trợ Philippines.
Đáng chú ý lần này Trung Quốc lại tỏ ra mềm dẻo, không tranh cãi đôi co với Philippines. Khi được hỏi về phản ứng đối với công hàm phản đối của Philippines, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lảng tránh không trả lời mà chỉ đề cập đến cuộc họp cơ chế song phương Trung Quốc – Philippines với mô tả là “thẳng thắn, thân thiện và xây dựng”. Rõ ràng Trung Quốc không muốn tranh luận với Philippines để bảo vệ cho quan điểm của họ “Biển Đông ổn định, không có vấn đề gì, các nước liên quan có thể giải quyết ổn thỏa” mà truyền thông Trung Quốc ra sức tuyên truyền trong thời gian qua nhằm ngăn cản sự can dự của Mỹ và các nước ngoài khu vực vào Biển Đông để Trung Quốc dễ bề bắt nạt các nước nhỏ ven Biển Đông.
Nhưng bản chất hiếu chiến và những tham vọng bá quyền của Trung Quốc không thể che đậy được. Philippines mặc dù rất cần cải thiện quan hệ với Trung Quốc, song cũng không thể chịu đựng nổi những việc làm quá đáng của Trung Quốc mà buộc phải lên tiếng.