Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVị trí, tầm quan trọng và lợi ích của Malaysia ở Biển...

Vị trí, tầm quan trọng và lợi ích của Malaysia ở Biển Đông

Lợi ích Biển Đông của Malaysia chủ yếu thể hiện ở 3 phương diện là ngành năng lượng, tuyến đường thương mại quốc tế và an ninh quốc phòng.

Biển Đông là đầu mối giao thông trên biển nối liền 2 đại dương và liên kết 3 châu lục, chiếm một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, là một trong những tuyến đường năng lượng huyết mạch quan trọng trên thế giới, đồng thời được coi là “Vịnh Persian thứ hai” bởi ẩn chứa nguồn dầu khí phong phú. Tổng diện tích của Biển Đông khoảng 3,5 triệu km2. Tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông liên quan và bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Vấn đề Biển Đông do bao gồm rất nhiều lĩnh vực như địa lý, lịch sử, chính trị, ngoại giao, luật pháp, bản thân nó cũng mang tầm quan trọng và độ phức tạp lớn. Trong những năm gần đây, lập trường của Chính phủ Malaysia trong vấn đề Biển Đông tương đối khiêm tốn, do đó mức độ quan tâm của vấn đề này của truyền thông và giới học giả trong nước tương đối thấp.

Yêu sách về chủ quyền và lợi ích Biển Đông của Malaysia

Là một quốc gia biển điển hình, có đường bờ biển kéo dài, toàn bộ bờ biển phía Đông của Tây Malaysia cũng nhưu phía Bắc và phía Tây của Đông Malaysia, và khu vực biển gần đó đều thuộc Biển Đông. Đối với một Malaysia mà nền kinh tế quốc dân ở một mức độ lớn dựa trên tài nguyên dầu mỏ và thủy hải sản, Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt.

Lợi ích Biển Đông của Malaysia chủ yếu thể hiện ở 3 phương diện là ngành năng lượng, tuyến đường thương mại quốc tế và an ninh quốc phòng. Là nước sản xuất dầu khí lớn thứ hai ASEAN và nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ 3 thế giới, gần như tất cả nguồn dầu khí của Malaysia đều đến từ Biển Đông.

Đầu tiên, tài nguyên dầu khí ở Biển Đông là trụ cột quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia của Malaysia. Số liệu chi tiết về “trữ lượng dầu thô và khí đốt của các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông” do Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hồi tháng 4/2013 cho thấy, trữ lượng dầu khí của vùng biển mà Malaysia chiếm giữ là cao nhất tại Biển Đông. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, trong số những nước xung quanh Biển Đông tranh giành nguồn dầu khí ở Biển Đông, Malaysia hành động sớm, tiến hành nhanh chóng, trở thành nước khai thác dầu khí nhiều nhất, hưởng lợi nhất ở Biển Đông. Năm 2009, sản lượng dầu của Malaysia ở Biển Đông vượt quá 30 triệu tấn, khí tự nhiên đạt gần 150 triệu m3. Đến năm 2014, số lượng giếng dầu mà Malaysia khai thác ở khu vực quần đảo Trường Sa lên đến gần 90 giếng, chiếm hơn một nửa so với tổng số giếng mà các nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Malaysia khai thác.

Là một quốc gia biển điển hình, kinh tế biển là một phần quan trọng trong việc thực hiện công nghiệp hóa đất nước của Malaysia, mà khai thác nguồn tài nguyên dầu khí của Biển Đông lại là nguồn thu nhập quan trọng của quốc gia. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, thu nhập từ dầu mỏ đã chiếm khoảng 20% thu nhập quốc gia của Malaysia. Số liệu thống kê và báo cáo phân tích của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho thấy trữ lượng dầu mỏ của Malaysia đứng vị trí thứ tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Malaysia từ đó hy vọng phát triển thành trung tâm dự trữ, thương mại, phát triển dầu mỏ và khí tự nhiên của châu Á, điều này sẽ thu hút kỹ thuật chuyên nghiệp và dịch vụ hạ tầng có sức cạnh tranh. Đó chính là dựa vào nguồn dầu khí phong phú, Malaysia đưa ra “Tầm nhìn 2020”, mục tiêu chung của kế hoạch này là vào năm 2020 bước vào hàng ngũ các nước phát triển. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ trình độ công nghiệp hóa đất nước, thực hiện chuyển đổi nền kinh tế quốc gia, và trong ngành công nghiệp năng lượng, mục tiêu của Malaysia là xây dựng nền tảng thương mại và dự trữ năng lượng của châu Á, phát triển thành cường quốc năng lượng châu Á.

Có thể nói, “Tầm nhìn 2020” bắt đầu được đề xuất từ thời Mahathir bin Mohamad luôn là lá cờ tiên phong trong việc phát triển kinh tế của Malaysia, trong nhiều thập kỷ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trong mọi lĩnh vực của Malaysia. Tuy nhiên, nhìn vào hiệu quả kinh tế của Malaysia những năm gần đây thì ý nguyện này khó mà đạt được. Ngay sau đó vào đầu năm 2017, Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak đề xuất “Kế hoạch chuyển đổi quốc gia năm 2050” để thay cho “Tầm nhìn 2020”. Mục tiêu thiết lập của “Kế hoạch chuyển đổi quốc gia năm 2050” là năm 2050, Malaysia sẽ trong danh sách 20 nước đứng đầu về kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên cho dù là “Tầm nhìn 2020” hay “Kế hoạch chuyển đổi quốc gia năm 2050”, thì việc thực hiện các mục tiêu to lớn này ở một mức độ rất lớn được quyết định bởi sự phát triển ổn định của ngành năng lượng Malaysia, mà Biển Đông lại là nguồn khai thác chủ yếu tài nguyên dầu khí của nước này. Về ý nghĩa này, Biển Đông là lợi ích then chốt của Malaysia.

Thứ hai, Biển Đông là một kênh quan trọng để Malaysia triển khai thương mại quốc tế. Biển Đông phía Đông tiếp giáp Thái Bình Dương, phía Tây tiếp nối với Ấn Độ Dương, tuyến đường Nam – Bắc của Biển Đông lại nối liền với khu vực Đông Á và châu Đại Dương. Vùng biển này là đầu mối thương mại trọng yếu của ASEAN, châu Á và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà thương mại châu Á – Thái Bình Dương rõ ràng đã trở thành động cơ mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế và thương mại khu vực. Các nước Đông Nam Á dựa vào Biển Đông để phát triển thương mại với Đông Á, Nam Á, Trung Đông và phương Tây, mạng lưới thương mại này nhờ Biển Đông mới có thể tồn tại. Malaysia ở vào vị trí xung yếu về giao thông giữa phương Đông và phương Tây, từ xa xưa đã chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong mạng lưới thương mại quốc tế, và sự phát triển kinh tế của Malaysia ngày nay cũng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế. Là một trong những nước ven Biển Đông, Malaysia hiểu rõ được tầm quan trọng của vùng biển này đối với kinh tế khu vực và thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, cùng với việc mức độ phụ thuộc của kinh tế Malaysia vào thương mại quốc tế ngày càng cao, Biển Đông là tuyến đường thương mại trên biển, đem lại nguồn lợi nhuận ổn định cho Malaysia, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Malaysia.

Thứ ba, thu nhập từ nguồn dầu khí Biển Đông đã nâng cao mức độ bảo vệ an ninh quốc phòng của Malaysia, đem lại năng lực và sự bảo đảm trong việc bảo vệ an ninh vùng biển tuyên bố chủ quyền của nước này. Những năm 70 của thế kỷ 20, các nước như Anh, Mỹ sau khi rút quân khỏi Đông Nam Á, để nâng cao mức độ phòng vệ của mình, Malaysia bắt đầu nhanh chóng phát triển lực lượng hải quân và không quân của nước này, chuyển hướng trọng tâm phòng vệ từ an ninh trong nước sang an ninh khu vực, và đặc biệt coi trọng an ninh vùng biển tuyên bố chủ quyền. Đến cuối những năm 1970, sức mạnh của hải quân Malaysia đã có sự cải thiện đáng kể, nhận thức về mở rộng trên biển theo đó cũng được tăng cường. Đồng thời, để nâng cao địa vị quốc tế của mình, Malaysia bắt đầu nỗ lực cho một sự phát triển sức mạnh hải quân và không quân mới, tuyên bố phải xây dựng một hải quân hiện đại hóa khiến mọi người kinh ngạc. Đến những năm 1990, trọng tâm chính sách quốc phòng của Malaysia đã hoàn toàn chuyển hướng sang biển. Đặc biệt là từ cuộc xung đột trên biển nỗ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1988, xuất phát từ suy tính bảo vệ quyền lợi Biển Đông, Malaysia đã đặt vị trí của quần đảo Trường Sa từ thứ hai lên thành ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch quốc phòng, và phát triển sức mạnh hải quân cũng trở thành lựa chọn quan trọng để nước này duy trì quyền lợi biển của chính phủ khóa trước.

Từ những năm 1990, Malaysia đẩy nhanh tốc độ xây dựng lực lượng biển, nỗ lực xây dựng một đội ngũ hải quân hiện đại. Sau khi bước vào thế kỷ mới, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, Malaysia tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự. Số liệu thống kê năm 2011 cho thấy tổng quân số của hải quân Malaysia là hơn 10000; trang bị vũ khí vượt xa Việt Nam và Philippines. Malaysia còn có hai chiếc tàu ngầm điện – diesel lớp Scorpene, mang tên của hai vị tổng thống đầu tiên và thứ hai của Malaysia, có thể thấy chính phủ nước này rất kỳ vọng vào nó.

Nói về tình hình Biển Đông, Malaysia đã chiếm đóng trái phép một số hòn đảo và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng những hòn đảo này nằm ở phía Đông Nam của Biển Đông, cách xa lãnh thổ của họ, lực lượng phòng vệ rất yếu, không có lực lượng hải quân và không quân có sức răn đe mạnh mẽ để hậu thuẫn phòng vệ, đương nhiên là không thể duy trì được. Nhìn vào vị trí những hòn đảo mà Malaysia hiện đang chiếm đóng trái phép, rất có khả năng xảy ra xung đột tại khu vực Đá Công Đo, Đá Hoa Lau, Đảo An Bang của các nước đòi hỏi chủ quyền khác. Vùng Biển này là vị trí hàng đầu liên quan đến tranh chấp quyền lợi biển của Malaysia, một khi xảy ra xung đột quân sự, không cần nghi ngờ gì nữa, chắc chắn phải dựa vào lực lượng hải không và không quân giải quyết, việc này đòi hỏi Malaysia cần phải có lực lượng hải – không quân mạnh mẽ. Nhưng phát triển một lực lượng hải – không quân mạnh mẽ cần phải có sự hỗ trợ kinh tế hùng hậu, sự hỗ trợ này ở một mức độ rất lớn có được từ việc khai thác nguồn dầu khí ở Biển Đông. Thu nhập từ dầu khí ở Biển Đông giúp cho việc nâng cao năng lực phòng vệ, bảo vệ an ninh vùng biển đòi hỏi chủ quyền. Malaysia nhiều năm nay ra sức phát triển lực lượng hải – không quân cũng là vì bảo vệ lợi ích đã đạt được tại Biển Đông. Có thể nói, lợi ích kinh tế và bảo vệ an ninh tại Biển Đông của Malaysia là sự củng cố và hỗ trợ lẫn nhau.

Tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Malaysia

Có thể nói, lợi ích Biển Đông to lớn là nguyên nhân chính để Malaysia đề xuất và kiên trì tuyên bố chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, cũng giống những nước Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền khác, trước những năm 70 của thế kỷ 20, Malaysia chưa đưa ra kiến nghị gì đối với Trung Quốc về việc sử dụng chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận. Cũng có thể nói là một giai đoạn tương đối dài sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cái gọi là tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Malaysia là không tồn tại, và nguồn gốc của tranh chấp bắt nguồn từ một tấm bản đồ ranh giới lãnh hải và thềm lục địa mới xuất bản năm 1979 của Malaysia.

Tấm bản đồ mới với tỷ lệ 1:150 này ghi rõ ranh giới tuyên bố chủ quyền thềm lục địa của hai bang Sabah và Sarawak của Đông Malaysia, đưa 12 hòn đảo phía Đông Nam Biển Đông vào phạm vi tuyên bố chủ quyền của mình. 12 hòn đảo này và vùng lãnh hải của nó đều đang có tranh chấp lãnh thổ với các nước đòi hỏi chủ quyền khác.

Trước những năm 1980, Malaysia vẫn chưa đưa quân đến xâm lược các hòn đảo ở Trường Sa, mà đẩy nhanh lập pháp biển trong nước, đồng thời phân vùng lãnh hải liên quan, tiến hành mời gọi đấu thầu dầu khí bên ngoài, nhằm thu được lợi ích từ thăm dò dầu khí phi pháp ở vùng biển Trường Sa. Ngày 28/7/1966, Malaysia dựa trên “Công ước luật biển Genève” năm 1958 phát hành “luật thềm lục địa”, tuyên bố đường ranh giới hoặc độ sâu cho phép khai thác là 200m bên ngoài thềm lục địa, sau đó năm 1972 đã chỉnh sửa, năm 2009 trình lên quốc hội “luật thềm lục địa” (bản chỉnh sửa). Malaysia căn cứ vào đó đưa ra ranh giới thềm lục địa của nước này bao gồm phía Nam của quần đảo Trường Sa, có thể nhìn thấy từ phía Tây Bắc của bang Sabah. Năm 1969 Malaysia còn công bố “Pháp lệnh khẩn cấp số 7”, pháp lệnh này do nguyên thủ tối cao ký kết, quy định bề rộng lãnh hải của Malaysia là 12 hải lý.

Vào những năm 1970, Malaysia bắt đầu bằng phương thức xuất bản đồ và lập pháp để đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với một số hòn đảo và lãnh hải ở Trường Sa. Sau khi công bố tấm bản đồ nói trên vào tháng 12/1979, ngày 25/4/1980 Malaysia lại đưa ra “Tuyên bố của quốc vương Malaysia Sultan Haji Ahmad Shah”, đề xuất thành lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và ranh giới bên ngoài thềm lục địa mà họ quan niệm về cơ bản là giống nhau. Năm 1984, Malaysia công bố “Luật vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia”, và dựa vào luật này đã đưa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà nằm trong vùng đặc quyền 200 hải lý vào phạm vi quản lý của Malaysia. Theo ước tính, tổng diện tích của Vùng đặc quyền kinh tế Malaysia là 475.741 km2, sự mở rộng Vùng đặc quyền kinh tế này cơ bản là khu vực gần biển của hai bang  Sabah và Sarawak phía Đông Malaysia, điều này đương nhiên nảy sinh sự chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng đã tuyên bố chủ quyền và tranh chấp là điều không thể tránh khỏi.

Để củng cố chủ quyền đã tuyên bố của mình, Malaysia từ năm 1983 đến năm 1999 đã sử dụng vũ trang chiếm trái phép 5 hòn đảo thuộa quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và lần lượt cho quân chiếm đóng tại 5 hòn đảo này, xây dựng nơi đóng quân.

Xu hướng chính sách của Malaysia

Để bảo vệ yêu sách “chủ quyền” và lợi ích ở Biển Đông, xu hướng chính sách của Malaysia xoay quanh một số vấn đề: (1) Bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Malaysia ở Biển Đông; (2) Thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông. (3) Tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc. (4) Tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển. (5) Tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới