Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số điểm đáng chú ý trong cuộc tập trận chung ở...

Một số điểm đáng chú ý trong cuộc tập trận chung ở Biển Đông lần đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines

Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines vừa tiến hành cuộc tập trận chung đa phương lần đầu tiên giữa bốn nước ở Biển Đông. Đây được xem là động thái thúc đẩy sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”, nhằm ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay tại khu vực.

Về lực lượng tham gia cuộc tập trận

Mặc dù những cuộc tập trận tương tự từng được tiến hành ở Biển Đông, song đây là lần đầu tiên 4 nước là Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ và Philippines tập trận chung. Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 2/5 đến 8/5/2019. Tham dự có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P Lawrence của Mỹ, tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản, khu trục hạm INS Kolkata và tàu chở dầu INS Shakti của Ấn Độ, cùng một tàu tuần tra của Philippines. Đây đều là những tàu hải quân chủ chốt của các nước, trong đó đã tiến hành các hoạt động phối hợp chung như hoạt động tuần tra tự do hàng hải chung; cứu trợ thảm họa tự nhiên, hỗ trợ nhân đạo; chống cướp biển; vận tải đường biển; tiếp tế nhiên liệu…

Tàu USS William P Lawrence của Hải quân Mỹ là tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke do Công ty đóng tàu Northrop Grumman chế tạo. Con tàu được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2011. Trong khi đó, tàu sân bay Izumo của NhậtBản đã thực hiện nhiều chuyến hải trình quốc tế, đáng chú ý nhất là cuộc tập trận hỗn hợp với tàu ngầm lần đầu tiên ở Biển Đông hồi cuối năm 2018 vừa qua. Chiến hạm này có thể sẽ được nâng cấp thành tàu sân bay tác chiến của Nhật Bản để mang theo hàng loạt tiêm kích tàng hình F-35B trong tương lai. Tàu NS Kolkata là tàu dẫn đầu trong các khu trục hạm tên lửa dẫn đường tàng hình lớp Kolkata của Hải quân Ấn Độ, được xây dựng tại Mazagon Dock Limited (MDL) và được bàn giao cho hải quân vào ngày 10/ 7/2014 sau khi hoàn thành các thử nghiệm trên biển của mình. Con tàu được Thủ tướng Narendra Modi ủy quyền chính thức trong một buổi lễ được tổ chức vào ngày 16/8/2014.

Cuộc tập trận kết thúc sau khi Mỹ triển khai hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải quân Mỹ khẳng định đây là hoạt động “đi qua vô hại” trong quá trình thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, nhằm “thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý và bảo đảm quyền tiếp cận các vùng biển theo luật pháp quốc tế”.

Mục đích của các bên trong cuộc tập trận này

Với Mỹ, cuộc tập trận nhằm tăng cường hiện diện, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Chỉ huy Andrew J. Klug của tàu khu trục USS William P. Lawrence cho biết “sự phối hợp chuyên nghiệp với các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực là những cơ hội để xây dựng các mối quan hệ bền chặt hiện có của chúng tôi”. Cuộc tập trận chung giữa bốn nước thể hiện một thách thức mới đối với Bắc Kinh trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump của Mỹ đe dọa sẽ tăng mức thuế đánh trên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Trong một thách thức riêng rẽ với Bắc Kinh trên các vùng biển ở châu Á, tàu USS William P. Lawrence và một khu trục hạm khác của Hoa Kỳ đã đi ngang qua eo biển Đài Loan hồi tháng Tư. Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ’ thuộc lãnh thổ Trung Quốc, đòi tách ly ra khỏi Hoa Lục.

Với Nhật Bản, cuộc tập trận là dịp để hải quân nước này tăng cường khả năng tác chiến xa bờ, với sự tham gia của các nhóm tàu tác chiến chiến lược như tàu sân bay trực thăng Izumo. Tokyo muốn nâng cấp các khu trục hạm trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay nhằm đối phó với hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Nhật Bản dường như không có lựa chọn khác, do nước này lo ngại việc Trung Quốc nhiều lần điều tiêm kích và oanh tạc cơ bay qua khu vực phía nam Nhật Bản, cũng như vấn đề tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Giới quan sát nhận định chương trình nâng cấp chiến hạm lớp Izumo đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng Nhật Bản. Kế hoạch từng gặp nhiều chỉ trích, do Điều 9 trong Hiến pháp hòa bình của Nhật quy định nước này không được sở hữu các vũ khí mang tính chất tấn công như tàu sân bay.

Với Ấn Độ, trên cơ sở chính sách Hành động hướng Đông và sáng kiến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ấn Độ đã từng bước tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khu vực trong lĩnh vực hàng hải. Mặc dù còn tồn tại những hạn chế trong cách tiếp cận, song sự can dự của Ấn Độ góp phần làm đa dạng hóa lựa chọn hợp tác cho các quốc gia yêu sách nhỏ ở khu vực trong vấn đề Biển Đông. Cuộc tập trận đi cùng với việc tăng cường hiện diện ở khu vực Đông Nam Á, một trong những ưu tiên trong chiến lược “Hành động Hướng Đông” của nước này, giúp Ấn Độ tăng cường quan hệ với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản và Philipines. Giới phân tích cho rằng cuộc tập trận cũng nhằm gửi thông điệp đến Trung Quốc, nước đang có chính sách lấn lướt các nước ở khu vực. Mục tiêu bao trùm của Ấn Độ là trong các hoạt động tương tự như cuộc tập trận chung lần này là đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, giao thương không bị cản trở; ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, duy trì hòa bình, ổn định khu vực và tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Với Philippines, mặc dù nước này đang bị chỉ trích về chính sách thắt chặt quan hệ, giao thiệp với Trung Quốc nhưng nước này về bản chất vẫn là một đồng minh của Mỹ và đang thực hiện Hiệp ước đồng minh giữa hai nước. Giới quân sự nước này cũng tiếp tục đa dạng các quan hệ để tìm cách cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ để tìm kiếm lợi ích. Cuộc tập trận cũng sẽ giúp chính quyền của Tổng tống R. Duterte giảm sức ép từ dư luận người dân trong nước về việc không chịu bảo vệ chủ quyền trên biển. Cuộc tập trận cũng giúp Philippines tăng cường quan hệ với Ấn Độ để tranh thủ sự ủng hộ của nước này. Mối quan hệ hợp tác biển giữa hai nước đang từng bước được thúc đẩy. Hàng năm, Ấn Độ vẫn tiến hành các cuộc viếng thăm tàu quân sự tới Philippines. Tháng 10/2017, hai tàu chiến Ấn Độ đã thăm Philippines nhân kỷ niệm 25 năm đối tác đối thoại Ấn Độ – ASEAN và nhấn mạnh mong muốn thắt chắt mối quan hệ hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên biển giữa hai nước. Trong Hội nghị Thượng Ấn Độ – ASEAN, Ấn Độ và Philippines đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác và hậu cần quốc phòng. Mục đích của MoU là tạo ra khuôn khổ thúc đẩy và tăng cường hợp tác, tăng cường điều phối giữa Bộ Quốc phòng hai nước nhằm hợp tác chung về dịch vụ và hỗ trợ hậu cần, và về phát triển, sản xuất, mua sắm thiết bị quốc phòng. Trong vụ kiện giữa Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016, Ấn Độ cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với Phán quyết khi “ghi nhận” và “kêu gọi tất cả các bên thể hiện tinh thần tuân thủ tuyệt đối UNCLOS”.

Phản ứng từ các nước khu vực

Phản ứng về hoạt động của các nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm nay cho biết Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới