Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại những gì TQ đã làm đối với bãi cạn Scarborough...

Nhìn lại những gì TQ đã làm đối với bãi cạn Scarborough để vô hiệu hoá Phán quyết Toà trọng tài trong gần ba năm qua

Bãi cạn Scarborough là chủ thể chính được đề cập trong Phán quyết của Toà Trọng tài được lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 hồi tháng 7/2016. Trong đó, Toà đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông theo “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, trong suốt gần 3 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng quân sự hoá, tìm cách chiếm bãi cạn này và cũng nhằm vô hiệu hoá Phán quyết trên thực địa.

Vì sao TQ muốn chiếm bãi cạn Scarborough?

Scarborough là một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Bãi này cách vịnh Subic 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía Tây, cách xa bờ biển Đông Nam Trung Quốc khoảng 540 hải lý (867 km). Cả Trung Quốc, Đài Loan và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với thực thể này, trong đó Trung Quốc cho rằng đây là một phần lãnh thổ của nước này, ít nhất là từ thế kỷ 13 và lấy các bản đồ cổ làm bằng chứng. Trong khi, Philippines khẳng định họ đã thực thi chủ quyền của mình với bãi cạn này từ năm 1965 bằng cách xây một ngọn hải đăng bằng sắt tại đây. Philippines cũng cho rằng bãi cạn này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) công nhận. Kể từ năm 1997, Philippines đòi chủ quyền đối với bãi cạn này. Nằm trong những mục tiêu tổng thể chung của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông nên tháng 6/2012, Trung Quốc đã cho quân đội đánh chiếm thành công bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.

Phán quyết rõ ràng của Tòa về bãi cạn Scarborough

Phán quyến Tòa nêu rõ “Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Tòa cũng khẳng định rằng ngư dân từ Philippines (cũng như ngư dân từ Trung Quốc) đã có quyền đánh cá truyền thống ở Bãi cạn Scarborough và rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các quyền này bằng cách hạn chế việc tiếp cận khu vực này. Tòa cũng khẳng định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines”. Rõ ràng sự chiếm đóng và những hoạt động quân sự của Trung Quốc trong bãi Scarborough đều là vi phạm phán quyết.

TQ tìm cách vô hiệu hoá Phán quyết về bãi cạn Scarborough

Thứ nhất, đưa ra những tuyên bố chỉ trích việc tàu thuyền các nước đi lại tại khu vực này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc (20/1/2018) ngang nhiên lên tiếng cáo buộc Mỹ đưa tàu khu trục USS Hopper thuộc lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyển của Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ “chủ quyền”.

Thứ hai, tăng cường tàu thuyền đồn trú và ngăn cản tiếp tế, khiêu khích tàu thuyền các nước tại bãi cạn này. Ngày 26/3/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Trung Quốc thường xuyên có hành động phản đối, ngăn cản việc quân đội Philippines tiến hành tuần tra thông thường bằng đường không trên Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Bộ trưởng Delfin Lorenzana khẳng định những khu vực đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Trung Quốc không có quyền gì ở đó, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tuần tra bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc. Ngày 11/5/2018, một biên đội hỗn hợp của Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh mang số hiệu 3368 và tàu Hải quân mang số hiệu 549 đã tìm cách ngăn cản và đe dọa tàu BRP Benguet của Hải quân Philippines đang tiếp tế cho lính đồn trú ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa.

Thứ ba, đe nạt, bắt giữ và xuôi đuổi ngư dân các nước đánh bắt cá ở khu vực Scarborough. Hôm28/5/2018, tàu Trung Quóc đã tiếp tục ngăn cản và tịch thu toàn bộ cá đánh bắt của ngư dân Philippines tại vùng biển Scarborough nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế của Philippines. Trước đó, Philippines cũng từng nêu quan ngại với Trung Quốc trong một cuộc họp ở Manila, sau khi nhận được báo cáo nói rằng Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đã đe dọa và tịch thu toàn bộ hải sản đánh bắt được của ngư dân Philippines tại Bãi cạn Scarborough. Tình trạng này diễn ra thường xuyên bất chấp việc trước đây đã nhiều cuộc biểu tình của người dân Philippines phản đối hành động phi pháp và ngang ngược của Trung Quốc.

Hành động của TQ tác động tiêu cực đối với khu vực

Một là, những hoạt động của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough như xuôi đuổi, ngăn cản hoạt động đánh bắt của ngư dân, quân sự hóa, mở rộng đảo hay đe dọa hoạt động lưu thông hàng hải ở khu vực này rõ ràng đã phá vỡ những chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và làm suy giảm vai trò của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc.

Hai là, những hoạt động của tàu quân sự và tàu đánh cá của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough đã khiến cho môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với Philippines, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Philippines bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Trung Quốc ngăn cấm không cho ngư dân Philippines vào đánh bắt ở vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của họ. Theo các kết quả khảo sát, san hô tại Scarborough đã biến mất và phải mất ít nhất 40 năm san hô mới mọc lại. Nguyên nhân là do không có người quản lý ngư dânTrung Quốc ở đây, để họ thỏa sức đánh bắt trái phép, bao gồm việc sử dụng chất nổ đối với các rặng san hô.

Ba là, hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, trong đó Trung Quốc thường xuyên duy trì nhiều tàu quân sự còn khiến cho hoạt động hàng hải tại khu vực này trở nên phức tạp, rất dễ xảy ra va chạm giữa tàu thuyền các nước với tàu thuyền Trung Quốc nếu các bên không kiềm chế.

Tóm lại, hành động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough nói riêng và Biển Đông nói chung đều nằm trong âm mưu, ý đồ bấy lâu nay của nước này. Tuy nhiên, việc chính quyền của Tổng thống Duterte theo đuổi chính sách thực dụng, mềm mỏng, tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc đã tạo điều kiện để Trung Quốc ngang nhiên vi phạm phán quyết của Tòa và luật pháp quốc tế. Philippines đang chủ động thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc, trong đó lấy các thỏa thuận hợp tác khai thác chung ở Biển Đông làm điểm nhấn. Mục đích thực dụng của Chính quyền Philippines đối với Trung Quốc là nhằm tranh thủ sự ủng hộ về chính trị, quân sự, ngoại giao, nhất là các khoản đầu tư kinh tế của Trung Quốc tại Philippines, đồng thời Philippines cũng muốn dùng ảnh hưởng của Trung Quốc để mặc cả với Mỹ và phương Tây. Để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình và phát triển, các nước cần kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết của Tòa (7/2016) và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC và thúc đẩy sớm đạt được COC. Bên cạnh đó, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế cũng cần phải có tiếng nói chung trong việc lên án mạnh mẽ hơn các hành động vi phạm phán quyết, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc, nhất là những hành động đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế, cũng như việc hủy hoại môi trường biển và ngăn cản hoạt động đánh bắt hải sản chính đáng của người dân các nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới