Chiến tranh nha phiến thứ nhất (1839-1842) là bước ngoặt thảm họa trong hàng nghìn năm lịch sử của Trung Quốc, khi nước này bị tước đoạt vị thế siêu cường khu vực.
Những bất đồng về chủ quyền, thương mại, và thuốc phiện 180 năm về trước đã cuốn đế chế giàu có nhất hành tinh vào cuộc xung đột vũ trang với Vương quốc Anh. Kết quả cuộc chiến là một thảm họa với Bắc Kinh.
Chiến tranh nha phiến 1 làm Trung Quốc đánh mất địa vị cường quốc hùng mạnh nhất châu Á, cũng vị thế của nền kinh tế thịnh vượng hàng đầu. Trung Quốc chính thức “mở cửa” trước ảnh hưởng của phương Tây và trở thành miếng bánh cho nước ngoài xâu xé.
“Sau Chiến tranh nha phiến, Trung Quốc liên tục bị đánh bại bởi những quốc gia nhỏ bé và có dân số ít hơn rất nhiều,” chủ tịch Tập Cận Bình nói trong diễn văn ngày 1/7/2017, kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc. “Trang sử này trong lịch sử Trung Quốc là một trong những sự hổ thẹn và đau buồn.”
Các nhà phân tích cho rằng di sản của các cuộc chiến từ 2 thế kỷ trước vẫn tiếp tục tác động lên các chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ngày nay, cũng như thúc giục mong muốn thống nhất những địa bàn từng thuộc về Đại lục trong quá khứ – bao gồm đảo Đài Loan.
Để thực sự hiểu được Trung Quốc hiện đại, câu chuyện phải bắt đầu từ Chiến tranh nha phiến.
Trung Quốc đánh giá thấp thương mại với phương Tây
Trong thế kỷ 18, các nước châu Âu như Anh, Hà Lan, Pháp bắt đầu tìm hướng mở rộng mạng lưới thương mại ở châu Á bằng cách kết nối với một trong những nguồn cung ứng các thành phẩm được phương Tây ưa chuộng: Đế chế Thanh tại Trung Quốc.
Trong hàng nghìn năm, Trung Quốc đã là đích cuối trên Con đường tơ lụa và là nguồn cung các sản phẩm hào nhoáng xa xỉ. Những công ty cổ phần châu Âu như Công ty Đông Ấn Anh Quốc và Công ty Đông Ấn Hà Lan cho thấy rõ sự thèm muốn tiếp cận với hệ thống trao đổi cổ xưa này.
Dù vậy, các nhà buôn châu Âu gặp phải vấn đề với chính sách nghiêm ngặt của Trung Quốc. Chính phủ Thanh giới hạn doanh nghiệp, cá nhân ngoại quốc chỉ hoạt động tại thương cảng Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Những người châu Âu cũng bị cấm học tiếng Hoa và bị cảnh báo trừng phạt nặng nếu dám tìm cách rời cảng để xâm nhập sâu hơn vào Đại lục.
Tồi tệ hơn, người tiêu dùng châu Âu “phát cuồng” với sản phẩm lụa, gốm sứ, đặc biệt là trà – “chất gây nghiện” hàng ngày đối với người Anh. Nhưng thị trường Trung Quốc lại lạnh nhạt với bất kỳ sản phẩm nào mà châu Âu đưa ra để trao đổi, chủ yếu là mặt hàng lông thú và dệt may.
Đặc biệt, nhà Thanh đòi hỏi được thanh toán bằng tiền mặt, mà cụ thể là bằng bạc trắng.
Anh Quốc nhanh chóng lâm vào tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng với Trung Quốc, bởi nước này không có nguồn cung cấp bạc nội địa và phải mua bạc từ Mexico hay từ các nước châu Âu khác sở hữu những mỏ bạc ở thuộc địa.
Về thuế quan, Trung Quốc áp thuế 20% đối với sản phẩm nhập khẩu từ Anh, khiến Anh bất mãn.
“Cơn khát” tiêu thụ trà tăng trưởng chóng mặt của chị trường Anh là tác nhân đặc biệt làm gia tăng mất cân bằng thương mại. Đến cuối thế kỷ 18, Anh nhập khẩu hơn 6 tấn trà từ Trung Quốc mỗi năm. Trong nửa thế kỷ, Anh chỉ bán được 9 triệu bảng hàng hóa cho Trung Quốc, so với kim ngạch nhập khẩu 27 triệu bảng (thanh toán bằng bạc trắng).
Sự mất cân bằng thương mại ngày càng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn Trung-Anh, một kịch bản rất giống với chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay khi tổng thống Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh hưởng lợi lớn từ xuất siêu sang Mỹ, trong khi Mỹ thiệt hại do thâm hụt thương mại nặng nề. Điểm khác biệt là so với tính chất phụ thuộc lẫn nhau trong thị trường thương mại quốc tế toàn cầu hóa ngày nay, Anh Quốc thế kỷ 19 hầu như không có điểm tựa để phát động thương chiến với Bắc Kinh.
Vua Thanh Càn Long (1711-1799) thậm chí đánh giá Trung Quốc không thiếu hàng hóa gì và không cần phải giao thương với Anh.
Bước ngoặt cuộc chơi, Anh đột phá thị trường Trung Quốc
Sau khi trở thành nước đi đầu trong cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, mở đầu với sự cơ giới hóa ngành dệt may), giới tư bản Anh đưa các sản phẩm công nghiệp tới thị trường Trung Quốc với kỳ vọng mở cửa thị trường lớn nhất khu vực này. Tính đến thập niên 1820, 1830, quy mô xuất khẩu của Trung Quốc sang Anh vẫn duy trì ở mức hơn 2-3 triệu lượng bạc trắng mỗi năm.
Trong khi nỗ lực ngoại giao với Tử Cấm Thành không hiệu quả, để thay đổi cục diện, công ty Đông Ấn Anh Quốc thúc đẩy một hình thức thanh toán giao dịch phi pháp nhưng lại được giới thương nhân Trung Quốc chấp nhận: Thuốc phiện.
Từ giữa thế kỷ 18, Anh bắt đầu dùng thuốc phiện trồng tại Ấn Độ để đổi lấy bạc trắng từ các nhà buôn Trung Quốc. Thuốc phiện – chất gây nghiện được dùng để tinh chế thành heroin – bị luật pháp Anh cấm, nhưng được sử dụng tại Trung Quốc như một dược liệu truyền thống mà chỉ có tầng lớp tinh hoa được tiếp cận.
Thuốc phiện của Anh mạnh hơn những sản phẩm tương tự của Trung Quốc. Việc sử dụng thuốc phiện cho mục đích “giải trí” là phi pháp và không được phổ biến.
Câu chuyện thay đổi khi Anh tuồn hàng tấn thuốc phiện vào Trung Quốc nhờ mạng lưới buôn lậu bản địa cùng các lỗ hổng luật pháp. Giới chức triều đình tại địa phương thu những khoản hoa hồng béo bở và dung túng cho hàng lậu.
Các tàu hàng Mỹ cũng gia nhập thị trường nóng bỏng này vào đầu những năm 1800 bằng thuốc phiện trồng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người tiêu dùng Trung Quốc tiêu thụ thuốc phiện gia tăng chóng mặt, và sản phẩm “cao cấp” một thời bất ngờ tràn ngập thị trường đại chúng.
Mối lo ngại ngày càng leo thang trong chính phủ Thanh, dưới thời các hoàng đế Gia Khánh và Đạo Quang. Theo một số thống kê, tính đến thập niên 1830, có đến 90% nam giới thanh niên ở các khu vực duyên hải phía đông Trung Quốc nghiện thuốc phiện. Cán cân thương mại đã xoay chiều theo hướng thặng dư cho Anh nhờ buôn lậu nha phiến.
Lần đầu tiên lép vế trong thương mại, Trung Quốc trả đũa
“Có thể nói rằng việc hút thuốc phiện trong thập niên 1780, 1790 chỉ là một đốm lửa, thì đến những năm 1830 nó đã trở thành một ngọn lửa. Đó là một ngọn lửa bùng cháy,” giáo sư lịch sử Trung Quốc Yang-Wen Zheng từ Đại học Manchester, Anh, bình luận.
Buôn bán thuốc phiện mang lại cho các nhà tư bản Anh, chính quyền thuộc địa Anh-Ấn, công ty Đông Ấn lẫn các nhóm buôn lậu thuốc phiện khoản lợi nhuận khổng lồ. Ưu thế thương mại mà Bắc Kinh có được trong một thời gian rất dài bị phá vỡ, khiến nước này lần đầu tiên sau hơn 200 năm trở thành quốc gia nhập siêu. Thuốc phiện được đánh giá là “mối họa chưa từng thấy trong 3.000 năm”.
Cùng với sự chiếm lĩnh thị trường của thuốc phiện Anh, Trung Quốc bị thất thoát đến 6 triệu lượng bạc ra nước ngoài mỗi năm, gây ra tình trạng thiếu bạc trên thị trường, tiền tệ mất giá, quốc khố trống rỗng.
“Bạc ồ ạt chảy khỏi Trung Quốc. Đó là khi chính quyền nhận thấy báo động về tình trạng đang diễn ra,” giáo sư lịch sử Đại học Bristol ông Robert Bickers lý giải.
Tác động ghê gớm của thuốc phiện đối với thị trường, tài chính, xã hội Trung Quốc buộc chính phủ Thanh phải hành động. Trong giai đoạn 1821-1834, Bắc Kinh ban bố 8 lệnh cấm đối với sử dụng thuốc phiện trong dân sự. Một số quan chức nhận thấy nguy cơ và yêu cầu triều đình cải tổ, thực thi lệnh cấm trên phạm vi toàn quốc.
Tháng 12/1838, vua Thanh Đạo Quang bổ nhiệm tổng đốc Hồ Quảng Lâm Tắc Từ làm khâm sai đại thần – đặc phái viên của triều đình giám sát chương trình cấm thuốc phiện tại tỉnh Quảng Đông.
Nắm trong tay báo cáo điều tra về mạng lưới thuốc phiện và quan chức tham nhũng, Lâm Tắc Từ đến Quảng Châu vào tháng 3/1839. Lâm cùng giới chức địa phương yêu cầu các nhóm buôn lậu Anh giao nộp thuốc phiện trong thời hạn quy định và cam kết không buôn bán thuốc phiện, đồng thời ban hành lệnh cấm người ngoại quốc rời khỏi Quảng Châu.
Khi người Anh chống lại mệnh lệnh của nhà chức trách, Lâm bắt đầu ra lệnh bao vây và tấn công thương quán của Anh từ ngày 21/3/1839. Khoảng 1.700 đối tượng buôn thuốc bị bắt giữ, cùng lượng lớn thuốc phiện tại các bến tàu và trên các tàu ở biển.
Đến ngày 18/5, Lâm Tắc Từ thu giữ được gần 20.000 thùng, 2.119 túi thuốc phiện với khối lượng hơn 1.188 tấn, giá trị thị trường vào khoảng 2 triệu bảng Anh. Trong thời gian 3-25/6, Lâm cho tiêu hủy thuốc phiện thu được – phần lớn thuộc sở hữu của người Anh – tại bãi biển Hổ Môn. Một lượng lớn thuốc phiện khác được đóng trong các rương hàng và thả xuống biển.
Sự kiện “đốt thuốc Hổ Môn” khiến chiến dịch chống thuốc phiện của Trung Quốc bị người Anh cáo buộc là xâm phạm tài sản tư nhân, và các nhà buôn Anh bắt đầu yêu cầu chính phủ can thiệp.
Mâu thuẫn đỉnh điểm, xung đột bùng nổ
Căng thẳng Trung-Anh leo thang nhanh chóng do chiến dịch chống ma túy quyết liệt của Lâm Tắc Từ.
Tháng 7/1839, biến cố xảy ra tại Hồng Kông tiếp tục làm gia tăng mâu thuẫn song phương. Các thủy thủ người Anh và Mỹ trên các tàu vận chuyển thuốc phiện gây bạo động tại làng Tsim Sha Tsui thuộc đảo Cửu Long, Hồng Kông, đánh chết một dân thường Trung Quốc và hủy hoại một ngôi chùa. Lâm Tắc Từ yêu cầu Tổng giám thương mại Anh Sir Charles Elliot bàn giao các đối tượng để xét xử, nhưng Anh từ chối với lý do hai nước có khác biệt về nền tảng tư pháp cơ bản.
Sáu thủy thủ được xét xử và bị kết tội tại một tòa án Anh ở Quảng Châu, nhưng được trả tự do ngay khi bị trục xuất về Anh.
Sau sự cố Cửu Long, Lâm Tắc Từ ban hành lệnh phong tỏa toàn bộ giao dịch thương mại, trừ khi người Anh cam kết tuân thủ luật pháp địa phương – bao gồm quy định về cấm buôn bán thuốc phiện, cũng như chấp hành hệ thống tư pháp của Trung Quốc. Charles Elliot phản ứng bằng việc đình chỉ toàn bộ giao dịch với Trung Quốc và ra lệnh cho các tàu Anh rút khỏi Quảng Châu.
Lâm Tắc Từ tiếp tục điều động quân đội tới đồn trú ở Macau, thúc đẩy chiến dịch trục xuất người Anh. Đây được cho là “mồi lửa” dẫn đến xung đột vũ trang bùng phát.
Ngày 1/10/1839, chính phủ Anh ra quyết định triển khai hạm đội tới vùng biển ngoài khơi Trung Quốc với lý do bảo hộ công dân. Tình huống trớ trêu xuất hiện khi tàu Thomas Coutts của Anh tiến đến Quảng Châu và ký kết thỏa thuận pháp lý để nhận được quyền kinh doanh.
Để đáp trả, Charles Elliot ra lệnh hải quân hoàng gia Anh phong tỏa cửa biển ở Vịnh Châu Giang nhằm ngăn cản các tàu hàng Anh tiến vào cảng Trung Quốc. Ngày 3/11, hạm đội của Anh thậm chí đã nổ súng xua đuổi chiếc Royal Saxon – một tàu hàng của Anh – tiếp cận Quảng Châu, trong khi hải quân Thanh xuất hiện để… bảo vệ tàu hàng này. Kết quả giao tranh khiến một số tàu Trung Quốc bị hải quân Anh đánh chìm.
Ngày 5/1/1840, Lâm Tắc Từ nhận chỉ thị của Đạo Quang, tuyên bố chính thức phong tỏa cảng khẩu, cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại với Anh. Từ ngày 15/1, hải quân Anh tuyên bố phong tỏa các cửa biển Quảng Châu và Vịnh Châu Giang, trong khi nữ hoàng Victoria phát biểu trước Quốc hội Anh một ngày sau đó, cam kết sẽ quan tâm sâu sắc đến diễn biến ở Trung Quốc để bảo đảm lợi ích của công dân Anh.
Tháng 2/1840, chính phủ Anh bổ nhiệm George Elliot và em trai Charles Elliot lần lượt làm Chánh/Phó toàn quyền. George Elliot làm Thống soái hải quân Anh. Hai tháng sau đó, dưới ảnh hưởng của nữ hoàng Victoria, Quốc hội Anh thông qua kế hoạch quân sự nhằm vào Trung Quốc với số phiếu 271-262. Dù vậy, Anh không chính thức tuyên chiến với Bắc Kinh, mà chiến dịch quân sự chỉ được xem như hành động trả đũa.
Tháng 6 cùng năm, George Elliot chỉ huy hạm đội Anh hơn 40 tàu – gồm tàu hơi nước, pháo hạng nặng, pháo Congreve, và 4.000 binh sĩ được trang bị súng trường tầm xa có độ chính xác cao, tiến về vùng biển tỉnh Quảng Đông, khơi mào Chiến tranh nha phiến thứ nhất.
Quân đội chính phủ Thanh – với nòng cốt là các lực lượng Bát Kỳ người Mãn Châu vẫn chỉ sử dụng súng hỏa mai có độ chính xác dưới 50m và tốc độ bắn 1 vòng/phút – đã hoàn toàn thất thế.
Khi Trung Quốc vẫn còn là một bí ẩn ở phương Đông, nước này giống như một siêu cường khổng lồ và đoàn kết. Nhưng khi người Anh dần dần khám phá thực tế diễn ra bên trong đế chế Thanh, họ đã chắc chắn hơn rằng Trung Quốc yếu ớt hơn nhiều so với hình ảnh thiên triều thể hiện, với những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ xã hội.
Về bề nổi, Chiến tranh nha phiến gần như là khái niệm vô lý khi một hạm đội nhỏ cùng vài nghìn binh sĩ Anh đối đầu với đế chế hơn 300 triệu dân. Đó là một canh bạc mà trước đó vài thế hệ, người Anh không thể nghĩ tới.
Trong cuộc xung đột kéo dài 3 năm với Anh, cơn ác mộng “Thế kỷ ô nhục” của Trung Quốc – mà truyền thông nhà nước gọi là “Quốc nhục trăm năm” – đã chính thức mở màn.