Thursday, January 16, 2025
Trang chủĐàm luậnGáo nước lạnh dội vào cái đầu nóng của Trung Nam Hải

Gáo nước lạnh dội vào cái đầu nóng của Trung Nam Hải

Suốt tuần qua, cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã có những diễn biến đổi chiều bất ngờ: ngay khi đàm phán chưa diễn ra, Tổng thống Trump đã đề cập đến việc tăng thuế trên Twitter cá nhân.

Vậy là, sau nhiều vòng đàm phán hứa hẹn có thể đem đến một thỏa thuận, Phó Thủ tướng, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc đã phải ra về “trắng tay”. Mỹ lên án Bắc Kinh sửa đổi bản dự thảo, rút lại các cam kết, chính thức tăng thuế từ 10% – 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và chuẩn bị hành động tương tự với 325 tỷ USD hàng hóa còn lại.Đáp trả, ngày 13/5, Bắc Kinh cũng tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với các mức 20% và 25%.

Chúng tôi muốn cung cấp đến độc giả cái nhìn tổng thể về tương quan kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhìn bề ngoài, sự trỗi dậy phi thường trong bốn thập niên vừa qua của Trung Quốc đã đem lại một lợi thế quyết định đối với Mỹ. Hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng lợi thế đó sẽ chỉ nới rộng theo thời gian. Theo một báo cáo được Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh tại London công bố, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua kinh tế Mỹ vào năm 2032.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, dự báo năm 2032 là quá thận trọng. Cách đây tám năm, năm 2011, nhà phân tích Jim O’Neill của tập đoàn Goldman Sachs cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2027. Đến năm 2016, một nhà quan sát sử dụng dữ liệu của tổ chức Conference Board và dự báo: năm diễn ra sự thay đổi này trên sẽ là … năm 2018. Đương nhiên điều đó đã không xảy ra. Đến hiện tại, hầu như không có khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua kinh tế Mỹ vào năm 2032, chứ chưa nói tới năm 2018 hay 2027.

Trong 5 năm kể từ năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc đã mở rộng một lượng tín dụng gần tương đương với lượng tín dụng trong toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ, ngay cả khi vào cuối năm 2008, nền kinh tế Trung Quốc có quy mô chưa bằng 1/3 quy mô nền kinh tế Mỹ. Và chiến dịch cho vay tiêu dùng đã được tiếp tục kể từ cuối giai đoạn 5 năm đó.

Theo nhà nghiên cứu Michael Pettis của Đại học Bắc Kinh, kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, đã có “ít nhất hơn 20 điều kỳ diệu tăng trưởng đầu tư kéo dài cả thập niên” tương tự như của Trung Quốc. Ông lưu ý, tất cả đều hứng chịu một “sự điều chỉnh khủng khiếp”, và trong số những tiền lệ trong lịch sử này, không tiền lệ nào có “những sự mất cân bằng ở mức sâu và nợ ở mức cao” như của Trung Quốc hiện giờ.

Nền kinh tế Trung Quốc không thể không “điều chỉnh”, vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bất chấp tất cả quyền lực của họ, vẫn chưa viết lại các quy tắc kinh tế. Họ đã ngăn chặn những sự điều chỉnh trên thị trường trong một thời gian quá dài (Bắc Kinh tuyên bố năm 1976 là năm cuối cùng GDP của Trung Quốc suy giảm), do vậy sự suy thoái hẳnsẽ rất nghiêm trọng.

Sự suy thoái đó có thể xuất hiện dưới hình thức một sự sụp đổ – có lẽ là gay gắt nhất trên thế giới- hoặc nhiều thập kỷ suy thoái hoặc sự đình trệ giống như suy thoái. Cho dù nền kinh tế có điều chỉnh như thế nào, thì Trung Quốc cũng không có khả năng bắt kịp với nền kinh tế Mỹ lớn hơn và hiện đang hồi sinh vào bất cứ thời điểm nào trong nửa thế kỷ này.

Tháng 10/2017,Đại hội toàn quốc thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được tổ chức. Tại đây Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên công khai nói về việc Trung Quốc đang trải qua Thời điểm Minsky – thời điểm mà giá trị tài sản sụt giảm đột ngột, báo trước một sự sụp đổ của thị trường. Theo ông Chu, không chỉ tiền đang “chảy” khỏi Trung Quốc, mà còn cả chính người dân nước này. Có tới gần một nửa tầng lớp giàu có của quốc gia này có kế hoạch di cư trong vòng5 năm tới.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều khuôn mặt người Trung Quốc tại các thành phố lớn trên thế giới đã minh chứng điều này. Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc đi theo những phương hướng đặc biệt đáng lo ngại. Việc ông không ngừng theo đuổi quyền kiểm soát đã làm rối loạn Đảng Cộng sản, đảo ngược các bước đi trong nhiều thập niên nhằm thể chế hoá nền chính trị Trung Quốc.

Ông Tập còn có tham vọng ngông cuồng, đã dẫn đến việc Trung Quốc kéo căng quá mức ở nước ngoài, từ các khu vực biên giới tới các địa điểm xa xôi. Một chính sách đối ngoại ngày càng khiêu khích, được thể hiện bằng chủ trương khôi phục lãnh thổ, đang đẩy các nước khác vào liên minh để bảo vệ họ khỏi chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.

Nhóm quan trọng nhất là “Bộ tứ”, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Trong thập niên qua, Bắc Kinh đã có thể phá hoại hợp tác chặt chẽ giữa 4 quốc gia này, nhưng sau nhiều năm Trung Quốc có hành động khiêu khích, những người bạn này đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Và họ đang thu hút các nước khác, đáng chú ý nhất là Việt Nam.

Những năm qua Bắc Kinh có thể tìm mọi cách chọc tức Hà Nội mà không phải hứng chịu hậu quả lâu dài, nhưng họ không thể mong đợi điều tương tự với New Delhi. Khi nhìn về hướng Đông, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ từng không nhìn xa hơn eo biển Malacca. Nhưng giờ đây họ tuyên bố rằng cả Biển Đông và biển Hoa Đông đều có vai trò thiết yếu đối với an ninh của Ấn Độ. Nền kinh tế Trung Quốc cũng chịu áp lực khác của Mỹ. Tháng 8/2017, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã khởi động một cuộc điều tra về việc Trung Quốc liên tục ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, căn cứ theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974.

Các cuộc điều tra của Mỹ cho phép áp đặt các biện pháp khắc phục đặc biệt, chẳng hạn như thuế quan toàn diện. Cũng có một cuộc điều tra về nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, căn cứ theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. Tháng 11/2017, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi động các cuộc điều tra chống bán phá giá và thuế nhập khẩu chống bán phá giá căn cứ theo Đạo luật Thuế quan năm 1930.

Hành động của Mỹ đã khiến Trung Quốc bị tổn thương. Vào năm 2016, thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ với Trung Quốc đã lên đến 347 tỷ USD, chiếm tới 68% thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc, một con số gây kinh ngạc. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ đã nới rộng trong năm 2017 khi thặng dư của nước này với Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục, trong khi thặng dư chung của nước này lại giảm xuống.

Có phải D.Trump đang rút khỏi thế giới ? Nếu vậy thì mâu thuẫn với Chiến lược an ninh quốc gia của ông ta. Ngay cả khi Mỹ muốn từ bỏ vai trò lãnh đạo trên toàn cầu, nếu cho rằng Mỹ đang đánh mất khả năng gây ảnh hưởng đối với Trung Quốc là hết sức sai lầm. Sự rút lui của Mỹ có thể sẽ tăng cường ảnh hưởng đòn bẩy của nước này.

Trung Quốc có thể tiến tới sân khấu trung tâm của thế giới, như Tập Cận Bình mạnh bạo tuyên bố trong Báo cáo của ông tại phiên khai mạc Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017. Sự thật thì Trung Quốc đang trong tình trạng“dàn trải quá mức”.

Cái kết cục bi thảm trong đàm phán về thương mại Mỹ-Trung vừa qua lại thêm một gáo nước lạnh dội vào cái đầu nóng của Trung Nam Hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới