Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống...

Vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Myanmar Win Myint

Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Myanmar Win Myint (11/5) đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại các cuộc gặp, Tổng thống Myanmar Win Myint đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Win Myint bày tỏ vui mừng lần đầu tiên sang thăm Việt Nam; chúc mừng những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp; bày tỏ mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, sản xuất giấy, giày da và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tái khẳng định sự coi trọng và mong muốn đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới; nhất trí thắt chặt hơn nữa sự tin cậy chính trị thông qua việc đẩy mạnh các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh.

Trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư thương mại, Tổng thống Myanmar đánh giá các dự án đầu tư của Việt Nam tại Myanmar đang góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững, nâng cao mức sống người dân Myanmar; hoan nghênh doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào Myanmar, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, điện, du lịch, dầu khí…, nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam trên cơ sở luật pháp và quy định của Myanmar; đánh giá hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 860 triệu USD, đầu tư của Việt Nam tại Myanmar hiện đạt 2,1 tỷ USD với 18 dự án lớn; cam kết làm sâu sắc hơn hợp tác trong lĩnh vực này trên cơ sở hai bên cùng có lợi; tăng cường hợp tác và tìm kiếm các phương thức mới nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỷ USD.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Tổng thống Myanmar đánh giá cao những bước phát triển gần đây trong hợp tác quốc phòng và an ninh; nhất trí bên cạnh việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, hai bên sẽ nghiên cứu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng như hải quân, quân y, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, cứu hộ – cứu nạn; tăng cường hợp tác phòng, chống các loại tội phạm có liên quan đến an ninh quốc gia của hai nước và khu vực; thúc đẩy đàm phán để sớm ký Bản ghi nhớ về hợp tác tương trợ lẫn nhau trong các vấn đề về hình sự.

Trong lĩnh vực du lịch, viễn thông, Tổng thống Myanmar đánh giá du lịch là thế mạnh của hai nước, nhất trí đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, sớm thảo luận việc nâng thời hạn miễn thị thực từ 14 ngày hiện nay thành 30 ngày cho người mang hộ chiếu phổ thông hai nước. Tổng thống Myanmar cũng đánh giá cao hoạt động và đóng góp của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Myanmar; ghi nhận các đề nghị về việc quan tâm cho phép các nhà mạng Việt Nam triển khai thi công hạ tầng mạng lưới viễn thông; mở trường đại học về ICT nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cung cấp dịch vụ cho Chính phủ và người dân Myanmar.

Về việc Việt Nam sẽ đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020, Tổng thống Myanmar khẳng định sẽ hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm tiếp tục phát triển Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm và củng cố đoàn kết của ASEAN. Nhân dịp này, Tổng thống Myanmar nhắc lại lời cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đã cử Đặc phái viên của Thủ tướng sang thăm và thông báo hỗ trợ Myanmar 100.000 USD cho Myanmar giải quyết vấn đề Ra-khai.

Trong lĩnh vực Biển Đông, Tổng thống Myanmar Win Myint nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Myanmar quan tâm thúc đẩy các dự án nông nghiệp và thủy sản đã có giữa 2 nước nhưng chưa phát triển như mong muốn; giải quyết thuận lợi việc cấp đất cho các dự án phát triển cây công nghiệp của Việt Nam tại Myanmar; thúc đẩy phát triển các dự án kết nối đường bộ và vận tải biển ven bờ (trước mắt sớm khảo sát tuyến đường thuộc phần lãnh thổ của Myanmar để kết nối với tuyến Hà Nội – Tây Trang đi Lào, đưa vào Hành lang kinh tế Đông – Tây).

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến với Tổng thống Win Myint. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn 2 nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch AIPA. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Myanmar tích cực ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA nhằm tiếp tục đóng góp tích cực cho việc phát triển Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm ASEAN trong giải quyết các thách thức chung ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới