Chiến tranh thương mại vẫn leo thang nhưng một số quốc gia dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều, trong đó có Việt Nam.
Nghịch lí của ông Trump?
Theo Bloomberg, đối với Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm chung về mặt kinh tế và văn hóa. Cả 2 quốc gia đều sản xuất nhiều mặt hàng giá rẻ, tỷ giá hối đoái được kiểm soát chặt chẽ, nhân công dồi dào, nhận nhiều thặng dư thương mại và cẩn trọng trong việc mở cửa các nền công nghiệp nhạy cảm cho nước ngoài. Ngoài ra, 2 nước đều từng có thời kì mâu thuẫn với Mỹ trong suốt chiều dài lịch sử.
Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc là nước bị Mỹ áp thuế nặng nề, còn Việt Nam thì không.
Với mong muốn giảm chi phí sản xuất, các công ty từ Nike (hãng quần áo và dụng cụ thể thao thương mại) tới Ikea (tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới) đã bắt đầu chuyển các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng liên tục trong 6 năm liên tiếp; tăng trưởng kinh tế đạt ngưỡng 7%; và chính phủ đã giảm bớt một số rào cản đối với sở hữu nước ngoài ở Việt Nam. Đây là những lí do để đất nước này được nhiều chuyên gia nhận định là “người chiến thắng” trong chiến tranh thương mại.
Và điều đó cũng đặt ra câu hỏi là tại sao mặc dù có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, nhưng Việt Nam lại không bị tổng thống Trump và đội ngũ kinh tế của ông áp thuế quan “dữ dội”.
Nếu một quốc gia “ít nguy hiểm” như Đức – với nhân công giá cao, chính phủ dân chủ và sử dụng đồng tiền chung – vẫn bị Mỹ đánh thuế, thì rõ ràng Việt Nam không thể không bị ông Trump liệt vào “danh sách đen”.
Lợi thế của Việt Nam
Hay nói ngắn gọn: Việt Nam không phải là Trung Quốc, về địa chính trị, nhân khẩu học, kinh tế hay quân sự, và không phải là một mối lo tới lợi ích chiến lược của Mỹ. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Môi trường sản xuất kinh doanh ở Việt Nam ngày càng nóng lên.
Các công ty Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Trung Quốc đã tăng cường khảo sát và tìm kiếm các địa điểm ở Việt Nam để thoát khỏi cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt giữa Washington và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại liệu các cảng biển và tuyến đường bộ của Việt Nam có thể chịu được lưu lượng giao thông lớn; liệu nhân công có đủ kĩ năng cần thiết; và liệu giá đất có đang tăng quá nhanh hay không.
Nếu so với Trung Quốc, kinh tế của Việt Nam vẫn chưa quá lớn. Nhưng Bloomberg cho rằng, mô hình phát triển và chiến lược của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc.
Mỹ đã từng coi Trung Quốc là cơ hội đầu tư “trăm năm có một”. Hàng loạt nhà đầu tư và lãnh đạo kinh tế đã tuyên bố rằng Trung Quốc là địa điểm tuyệt vời để kinh doanh. Những vấn đề chính trị đã là quá khứ – và cách khai thác kinh tế của phương Tây sẽ giúp quan hệ các nước trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ngày nay mọi thứ đã khác với Trung Quốc.
Điều tương tự có thể sẽ xảy ra với Việt Nam. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn với tất cả các nước.