Sắc lệnh hành pháp mới sẽ mở đường để Mỹ cấm hoạt động làm ăn với Tập đoàn Huawei giữa các lo ngại về rủi ro an ninh từ gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc.
Theo giới quan sát, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng đối phương sẽ sử dụng những biện pháp ngoài thuế quan để tiếp tục cuộc chiến thương mại.
Đòn hiểm thủ sẵn
Khi số phận của giám đốc tài chính Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Chu, còn chưa được định đoạt, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố ông sẽ can thiệp vụ án này, nếu điều đó giúp đẩy nhanh quá trình đàm phán thương mại.
Nay, sau nhiều biện pháp trả đũa thuế quan giữa hai bên, ông Trump cuối cùng đã dùng đến con bài Huawei để tăng sức nặng trên bàn đàm phán.
Tổng thống Mỹ ngày 15-5 ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi những công ty thuộc diện đe dọa an ninh quốc gia.
Tuy không nêu tên bất kỳ quốc gia hay công ty nào cụ thể, nhưng sắc lệnh này được coi là nhắm thẳng đến Huawei, theo Reuters.
Không chỉ Mỹ bắt đầu hành động, Trung Quốc cũng đang “leo thang” cuộc đấu này theo cách ít ai ngờ đến nhất.
Bloomberg ngày 16-5 đưa tin lượng trái phiếu kho bạc Mỹ do Trung Quốc nắm giữ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3-2017.
Tuy Bắc Kinh chỉ bán ra một lượng nhỏ khoảng 10,4 tỉ USD trái phiếu, điều này cũng đủ đẩy lượng nắm giữ của Trung Quốc xuống còn 1,12 nghìn tỉ USD, theo báo cáo ngày 15-5 của Bộ Tài chính Mỹ.
Giới quan sát đánh giá động thái này của Bắc Kinh khá bất thường, khi thế giới đang trên đà mua vào nợ Mỹ dưới hình thức trái phiếu. Hiện tổng lượng nợ thuộc chủ sở hữu nước ngoài của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục 6,47 nghìn tỉ USD.
Trái phiếu kho bạc cùng nhiều loại tài sản khác của Mỹ đóng vai trò như công cụ dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh. Việc bán tháo có thể khiến lượng tài sản Trung Quốc còn nắm giữ mất giá.
Vì vậy, các chuyên gia từng nhiều lần bác bỏ khả năng Trung Quốc sẽ dùng việc biện pháp này để leo thang cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, động thái mới từ phía Trung Quốc đã khiến giới chuyên gia trở nên cảnh giác.
“Gần như trong tất cả cuộc gặp khách hàng, tôi đều nhận được câu hỏi liệu biện pháp này có thể được sử dụng hay không. Nhìn vào kích cỡ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và các cuộc bàn luận về vấn đề này, tôi nghĩ thị trường thật sự nên cảnh giác”, ông Torsten Slok, kinh tế trưởng của Ngân hàng Deutsche Bank, nhận định.
Hậu quả khôn lường
Ông Trump ngày 14-5 từng đăng trên Twitter của mình như sau: “Trung Quốc sẽ bơm tiền vào hệ thống và có thể cắt giảm cả lãi suất như thường lệ để bù đắp cho công việc kinh doanh đang và sẽ thua lỗ. Nếu Cục Dự trữ liên bang (FED) có thể ‘so găng’, trò chơi sẽ chấm dứt, chúng ta thắng cuộc!”.
Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Mỹ nhắc đến yêu cầu hạ lãi suất đối với FED. Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích chủ tịch Jerome Powell sau khi FED liên tục tăng lãi suất trong năm 2018.
Dĩ nhiên FED cũng không ít lần khước từ ông Trump. Thế nhưng, CNN dự đoán tình hình có thể sẽ thay đổi khi chiến tranh thương mại diễn biến phức tạp hơn.
Theo doanh nghiệp tài chính Chicago Mercantile Exchange (CME), xác suất FED giảm lãi suất vào cuối năm nay đã đạt 70%, tăng từ 31% so với một tháng trước.
Chủ tịch FED tại Boston, Eric Rosengren, vẫn để ngỏ khả năng lãi suất sẽ giảm, tuy phía bản thân ông không nghĩ trường hợp này xảy ra.
“Nếu tác động của các loại thuế nhập khẩu, cùng với bất kỳ phản ứng nào từ thị trường, kiềm hãm đà tăng trưởng, chúng ta đều có sẵn đối sách, trong đó có việc hạ lãi suất”, ông Rosengren nhận định.
Bên cạnh việc bán tháo trái phiếu, Bắc Kinh có thể sử dụng những rào cản phi thuế quan khác đối với hàng hóa Mỹ. Ví dụ như trì hoãn xét duyệt nhập khẩu các mặt hàng nông sản, theo ông James Green, cựu quan chức Văn phòng Đại diện thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.
Dù vậy, Trung Quốc có thể chịu nhiều rủi ro lớn nếu nâng việc trả đũa thuế quan sang phi thuế quan. Reuters nhận xét điều này có khả năng càng tô đậm ấn tượng Trung Quốc chơi không đẹp trong mắt nhà đầu tư ngoại.