Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số điểm chú ý trong chính sách của Ấn Độ đối...

Một số điểm chú ý trong chính sách của Ấn Độ đối với Biển Đông qua 5 năm cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi

Trong 5 năm qua kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã triển khai chính sách đối ngoại toàn diện, đa phương, với những bước đi ngoại giao quyết liệt, khôn khéo, kết hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, đưa Ấn Độ trở thành cường quốc khu vực và thế giới. Trong khoảng thời gian ấy, Ấn Độ cũng nổi lên là quốc gia bên ngoài có lập trường tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào quá trình giải quyết tranh chấp Biển Đông của các nước.

Mục tiêu đối ngoại chung của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N.Modi

Từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ N.Modi đã triển khai “Chiến lược Hành động Hướng Đông”, trong đó chính sách đối ngoại toàn diện, đa phương, “đa liên kết” với những bước đi ngoại giao linh hoạt, kết hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, được đánh giá là đã đưa Ấn Độ trở thành cường quốc khu vực và thế giới. Với hai mục tiêu lớn là phát triển kinh tế và gia tăng vị thế quốc tế của đất nước, trong đó tập trung vào vai trò ngoại giao cấp cao, ngoại giao láng giềng, điều chỉnh quan hệ với các nước lớn và ngoại giao kinh tế, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đang được triển khai tích cực, bước đầu đạt được mục tiêu trong việc nâng cao vai trò của nước này trong cấu trúc quyền lực khu vực và ảnh hưởng trên toàn cầu, hứa hẹn những thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho Ấn Độ.

Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N.Modi có sự quyết đoán và năng động hơn trong chính sách kinh tế và đối ngoại. Tiềm năng chính sách ngoại giao của một quốc gia thường được đánh giá dựa trên hai yếu tố: i) Sự lãnh đạo chính trị của nước đó, trong đó sự năng động và quyết đoán là nhân tố quan trọng nhất. ii) Sự ủng hộ chính trị trong nước và sự tin tưởng của người dân về tương lai đất nước. Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N.Modi hiện tập trung cả hai yếu tố này. 

Chính sách cân bằng nước lớn của Ấn Độ

Điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi chính là việctăng cường quan hệ đối với các nước lớn và Đông Nam Á. (1) Với Trung Quốc, Thủ tướng N.Modi thể hiện trong cam kết sau khi đắc cử, đó là sẽ kiên quyết can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực. Đi đôi với những tuyên bố và động thái quân sự cứng rắn, như củng cố sức mạnh quân sự, tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia; thắt chặt quan hệ an ninh, quân sự với Mỹ, các nước đồng minh, các nước trong và ngoài khu vực, chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt, chủ động mở rộng quan hệ với Trung Quốc nhằm chấn hưng nền kinh tế, “tận dụng tối đa thực lực mềm”, tăng cường thương mại và thu hút đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ, đồng thời nỗ lực giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới vốn tồn tại từ lâu giữa hai nước. (2) Với Mỹ, Ấn Độ đẩy mạnh việc khôi phục mối quan hệ với Mỹ, khi mối quan hệ này đã bị tổn hại do căng thẳng ngoại giao và tranh chấp thương mại trước đây. Nhận thức của Chính phủ của Thủ tướng N.Modi trong việc tăng cường mối quan hệ gần gũi với Mỹ sẽ là điều quan trọng để Ấn Độ thực hiện những mục tiêu kinh tế và an ninh của mình. Ấn Độ hy vọng, sự hợp tác với Mỹ sẽ giúp nước này củng cố vị thế trên bản đồ chính trị khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện đang suy giảm so với tốc độ chung của các nền kinh tế mới nổi. Đối với Mỹ, Ấn Độ là một trong những đối tác có sức hút mạnh bởi vị trí địa chiến lược, quy mô và lực lượng quân sự tương đối tiên tiến của quốc gia này. Trong bối cảnh phải xử lý các cuộc xung đột ở những khu vực biên giới, Ấn Độ đã tìm cách nâng mối quan hệ song phương với Mỹ lên một cấp độ mới. Hiện hai nước đẩy mạnh hợp tác an ninh – quốc phòng, chống khủng bố, sở hữu trí tuệ, an ninh hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương. Sự thành công trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng N.Modi được cho là đã chấm dứt tình trạng mâu thuẫn về chính trị của Ấn Độ đối với nước Mỹ và mang lại những mục tiêu rõ ràng cho Ấn Độ. Ngược lại, Mỹ cũng coi Ấn Độ là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. (3) Với Nga, Ấn Độ chú trọng củng cố quan hệ với Nga, vốn là một đồng minh chiến lược, đối tác truyền thống, có tiềm năng quân sự – quốc phòng hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, quan hệ Ấn Độ – Nga được tăng cường, thúc đẩy về mọi mặt. Hai bên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi đoàn cấp cao, đạt được hàng loạt thỏa thuận mới nhằm tăng cường và đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược. Đối với Ấn Độ, Nga là nhà cung cấp năng lượng, công nghệ hạt nhân và vũ khí quan trọng. Thắt chặt quan hệ với Nga sẽ tạo thuận lợi trong quá trình thảo luận Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và Liên minh kinh tế Á – Âu. (4) Với Nhật Bản, hai nước đang nổi lên như những đối tác chiến lược quan trọng do hai nước ngày càng nhận thức rõ các lợi ích tiềm năng của mối quan hệ song phương. Những cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng N.Modi không đơn giản nhằm khôi phục vị thế quốc gia thông qua tăng trưởng kinh tế và chính sách đối ngoại mà còn thể hiện sự thay đổi cán cân quyền lực và cân bằng quyền lực ở châu Á, tạo ra các không gian chiến lược, bối cảnh chính trị để các nước phát triển. Việc Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hướng tới mối quan hệ hợp tác song phương toàn diện, ổn định hơn sẽ là nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến cục diện khu vực.

Coi trọng, mở rộng quan hệ với Đông Nam Á và thể hiện tiếng nói rõ ràng hơn trong vấn đề Biển Đông

Khác với giai đoạn 10 năm cầm quyền của Liên minh Tiến bộ Thống nhất (2004 – 2014), khi Ấn Độ có cách tiếp cận thận trọng đối với các tuyên bố tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, không can dự trực tiếp vào các tranh chấp mà chủ yếu đưa ra khuyến cáo các bên liên quan cần đàm phán giải quyết hòa bình tranh chấp theo các quy định và pháp luật quốc tế, thì bước sang thời kỳ Thủ tướng N.Modi và Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) lên nắm quyền, Ấn Độ đặc biệt coi trọng, mở rộng quan hệ với Đông Nam Á và thể hiện tiếng nói rõ ràng hơn trong vấn đề Biển Đông. Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì môi trường hòa bình trong khu vực, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Chính phủ Ấn Độ có sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông, chuyển sang thể hiện lập trường rõ ràng hơn và tham gia nhiều hơn trong vấn đề Biển Đông. Điều này có thể xuất phát từ việc Ấn Độ nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm quan trọng của một cường quốc khu vực trong việc tạo ra môi trường hòa bình, ổn định trong vùng biển quốc tế và bảo đảm việc sử dụng vũ lực phải tuân thủ nghiêm pháp luật quốc tế. Giới phân tích tại Ấn Độ cho rằng, Biển Đông có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ, cùng với đó là mối lo ngại chung của các nước về hoạt động mở rộng, cải tạo và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã phá vỡ nguyên trạng, đe dọa an toàn hàng hải và hàng không quốc tế và các hoạt động thương mại của Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc đang coi Biển Đông là bước đệm để gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương. Đáng chú ý là việc Trung Quốc triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” cũng tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền và lợi ích an ninh của Ấn Độ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (11/2014), Thủ tướng N.Modi lần đầu tiên tuyên bố Ấn Độ chuyển từ “Chính sách Hướng Đông” sang “Chiến lược Hành động hướng Đông”, trong đó xác định Đông Á là một trụ cột quan trọng của chính sách này và Ấn Độ ưu tiên phát triển quan hệ với các nước ASEAN. Các tuyên bố của Ấn Độ đều nêu rõ nguyên tắc nhất quán trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là không đứng về bên nào trong tranh chấp, song Ấn Độ cũng ủng hộ nguyên tắc đảm bảo an ninh, tự do hàng hải trên cơ sở tôn trọng, thực thi pháp luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), duy trì môi trường hòa bình trong khu vực, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp.

Có thể nói, trong những năm qua, Ấn Độ đã tích cực nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ấn Độ cũng thường xuyên thể hiện sự ủng hộ đối với ASEAN và các bên liên quan trong việc đoàn kết, giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác hàng hải với các nước. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo pháp luật quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới đàm phán ký kết Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Trong 5 năm (2014 – 2019), Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đi thăm trên 50 quốc gia, đón nhiều nguyên thủ các nước. Trong các cuộc gặp song phương và đa phương, Ấn Độ đều đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ấn Độ và các nước đã ký kết nhiều thỏa thuận, đưa ra nhiều tuyên bố, cam kết về đảm bảo an ninh trên biển, tự do hàng hải, an toàn hàng không dân dụng quốc tế và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Modi (9/2014), hai bên đã khẳng định cần đảm bảo an ninh trên biển, tự do hàng hải, an toàn hàng không dân dụng quốc tế và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Còn trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Modi (11/2016), hai bên tái khẳng định cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển quốc tế, yêu cầu tất cả các bên tôn trọng UNCLOS ở mức tối đa. Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Modi (2014), hai bên khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, đặc biệt là ở Biển Đông. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama (2015), hai bên cũng ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chiến lược chung Ấn Độ – Mỹ về khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, nêu rõ sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh, Mỹ và Ấn Độ kêu gọi các bên tránh đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, kiên trì giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Thủ tướng Ấn Độ Modi (6/2017), hai bên cũng nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và thương mại trong khu vực. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Ấn Độ đã tích cực ủng hộ và hối thúc các bên liên quan nghiêm túc thực hiện DOC, tiến hành đàm phán COC và thực thi UNCLOS, duy trì tổ chức Đối thoại Delhi thường niên giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ cũng là nước ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài theo Phụ lục VII (7/2016) và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng pháp luật quốc tế và phán quyết. Trong lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (11/2014), Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh quan điểm của Ấn Độ về việc phải đảm bảo duy trì pháp luật quốc tế trong vấn đề hàng hải và giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên UNCLOS, DOC và ủng hộ đàm phán ký kết COC. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (4/2015), Ấn Độ đã thể hiện mạnh mẽ quan ngại về các hành động đòi hỏi “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Ấn Độ cũng là nước thúc đẩy hợp tác hàng hải với các nước khu vực nhằm tăng cường khả năng tương tác và hiểu biết chung về các thủ tục pháp lý trong hợp tác an ninh hàng hải và quốc phòng giữa các nước, thông qua việc duy trì mở rộng tham gia các hoạt động tập trận chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới