Thursday, November 7, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLực lượng Hải quân: Công cụ chính giúp TQ theo đuổi yêu...

Lực lượng Hải quân: Công cụ chính giúp TQ theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông

Hải quân Trung Quốc đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy quân sự hóa, gia tăng sức ép đối với khu vực nhằmtheo đuổi và đạt được các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông.

Cách đây đúng 10 năm (5/2009 – 5/2019), Trung Quốc đã ngang nhiên đưa ra yêu sách chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông theo bản đồ “đường 9 đoạn”. Theo hai công hàm gửi đến Liên hợp quốc, Trung Quốc tuyên bố “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng nước liền kề, có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng nước liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển”.

Tháng 7/2016, Toà trọng tài quốc tế, được thành lập và trao quyền theo các điều khoản của UNCLOS, về cơ bản kết luận rằng yêu sách của Trung Quốc là không phù hợp với UNCLOS. Vốn luôn tẩy chay quá trình phân xử, Bắc Kinh phản đối kịch liệt phán quyết này. Quan điểm củaTrung Quốc là ưu tiên duy trì lập trường “không thể tranh cãi” cho những tranh chấp liên quan đến mình, đồng thời sử dụng lực lượng hải quân để từng bước củng cố ảnh hưởng ở Biển Đông. Hiện nay, nước này có khoảng 500 tàu chiến các loại, hơn 350.000 nhân lực và khoảng 710 máy bay. Hải quân Trung Quốc được chia làm ba hạm đội bao gồm Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Nam Hải. Hạm đội Đông Hải này được Trung Quốc thành lập từ năm 1949 và có căn cứ chính ban đầu đặt tại Thượng Hải. Tới năm 1955, căn cứ chính này được chuyển tới Ninh Ba, Chiết Giang. Hạm đội này có phạm vi hoạt động từ phía Nam Thanh Đảo cho tới hết đảo Đài Loan. Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc đã từng có kinh nghiệm thực chiến khi hạm đội này chạm chán với hải quân Đài Loan trong quá khứ. Lực lượng chính của hạm đội này bao gồm bốn tàu khu trục tên lửa Sovremenny, bốn tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo. Ngoài ra hạm đội này còn có một lượng lớn tàu đổ bộ tấn công các loại, nhiêu hơn mọi hạm đội còn lại của Trung Quốc. Hạm đội Bắc Hải được Trung Quốc thành lập từ năm 1950, có căn cứ chỉ huy đặt tại Thanh Đảo. Hạm đội này của Trung Quốc có vùng hoạt động từ Thanh Đảo cho tới toàn bộ vùng biển trong khu vực biển Hoàng Hải khu vực tiếp giáp giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên nhưng chỉ kéo dài xuống tới Thanh Đảo, từ phía Nam Thanh Đảo trở xuống thuộc trọng trách của Hạm đội Đông Hải. Trong biên chế của Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc hiện có năm tàu ngầm hạt nhân lớp Han “Type 091” và một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Xia “Type 092”, đây cũng là tàu ngầm lớp Xia duy nhất Trung Quốc hiện có. Điểm đáng chú ý là hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc chưa từng tham chiến ở bất cứ đâu. Hạm đội Nam Hải được Trung Quốc thành lập từ năm 1949, có phạm vi hoạt động từ phía cuối đảo Đài Loan cho tới vùng biển tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ. Sở chỉ huy của hạm đội này đặt tại căn cứ hải quân Ngọc Lâm ở trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên các tàu mặt nước của hạm đội Nam Hải lại được đóng tại Trạm Giang. Hải Nam chỉ là nơi đóng quân của các tàu ngầm thuộc hạm đội Nam Hải. Đây được coi là lực lượng có các đơn vị không quân hải quân mạnh nhất của Trung Quốc với tổng cộng 6 căn cứ không quân hải quân ở Lăng Thuỷ, Hải Khẩu, Tam Á, Trạm Giang và Quế Bình. Hạm đội Nam Hải là lực lượng nòng cốt được Trung Quốc sử dụng để theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Hạm đội này thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận, tiến hành quân sự hóa tại các thực thể do nước này chiếm đóng ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Với mục tiêu đó, hải quân Trung Quốc leo thang thách thức tàu chiến, máy bay Mỹ bằng nhiều “động thái chiến tranh ấm” (Acts of Warm War). Có thể kể ra hàng loạt vụ áp sát, ngăn chặn nguy hiểm ở Biển Đông như vụ chiến đấu cơ F-8II của Trung Quốc va chạm máy bay do thám EP-3E của Mỹ năm 2001; tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu Impeccable năm 2009; tàu ngầm Trung Quốc phá cáp sonar của tàu khu trục USS John S. McCain năm 2009…Hành động “chiến tranh ấm” này còn diễn ra ở Biển Hoàng Hải như vụ tàu tuần tra Trung Quốc hăm dọa tàu USNS Bowditch năm 2002; “tàu cá lưới rà” của Trung Quốc ngăn cản hoạt động của tàu do thám USNS Victorious năm 2009.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ năm 2014, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng “Trường thành Cát” (Great Wall of Sand) ở Biển Đông. Nước này xây dựng các đảo nhân tạo ở tốc độ và quy mô chưa từng có. Không chỉ vậy, Trung Quốc “quân sự hóa” các thực thể này với doanh trại, hệ thống ra-đa, ụ pháo và đường băng quân sự. Mỹ đã can dự và khuyến khích Trung Quốc tham gia cuộc chơi với hy vọng nước này tuân thủ luật lệ. Nhưng trước mỗi phản ứng “thụ động” của Mỹ, Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn. Mỹ vẫn có thể triển khai tàu chiến và máy bay tới các khu vực nhưng mỗi ngày qua đi, các vùng biển và vùng trời lại nguy hiểm hơn.

Hải quân Trung Quốc tiếp tục hành xử quyết đoán với các bên tranh chấp khác ở các vùng biển. Sự kiện tàu Cowpens năm 2013 tiếp tục như “một gáo nước lạnh.” Không chỉ thế, Trung Quốc còn gửi tàu do thám cuộc tập trận RimPac 2014 khi chính nước này được mời tham dự. Sau sự kiện này, người ta kỳ vọng Trung Quốc dần chấp nhận việc các nước có quyền tiến hành hoạt động do thám, quân sự ở vùng EEZ của nước khác. Tuy nhiên chỉ một tháng sau đó, chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ khi bay cách Hải Nam khoảng 216km.

Chiến lược lâu dài và tiếp tục được Trung Quốc áp dụng tại Biển Đông là chia rẽ, đe doạ, dụ dỗ và đẩy lùi các quốc gia đối địch tại Đông Nam Á nhằm có được và củng cố quyền kiểm soát trên biển của Trung Quốc. Nhiều bằng chứng chứng minh nhận định này: việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại nửa phía bắc Biển Đông; chiếm đoạt một cách cưỡng ép các thực thể đất liền và các vùng nước xung quanh không có bất kỳ giới hạn nào trên gần khắp toàn bộ Biển Đông; dùng nội luật để hợp pháp hóa quyền quản lý của Tỉnh Hải Nam đối với các thực thể và vùng nước xung quanh ở Biển Đông, gồm cả các thực thể mà Trung Quốc không chiếm đóng; và việc bồi đắp, thay đổi những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trở thành các căn cứ quân sự. Với việc xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay, bến cảng, các điểm bố trí tên lửa, và các công cụ phục vụ cho chiến tranh điện tử, những căn cứ này phục vụ cho mục đích đe doạ Trung Quốc không tìm cách giấu giếm, đó là tấn công những vị khách không mời, bao gồm tàu và máy bay của Philippines và Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới