Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao chính quyền TQ sợ Pháp Luân Công?

Tại sao chính quyền TQ sợ Pháp Luân Công?

Tháng 7-2018 đánh dấu mốc 19 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra ở Trung Quốc Đại Lục kể từ ngày 20-7-1999. Mặc dù chính quyền Trung Quốc vẫn luôn đàn áp tín ngưỡng và tôn giáo, nhưng cho đến ngày nay, rất nhiều người nước ngoài vẫn còn thắc mắc về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Bởi vì ở nhiều quốc gia tự do, hoạt động của Pháp Luân Công vẫn xuất hiện rất thường nhật, những người tập Pháp Luân Công cũng hòa đồng trong xã hội và có thể gặp ở bất kỳ ngành nghề hay địa phương nào. Do vậy người ta luôn thắc mắc tại sao duy nhất ở Trung Quốc lại diễn ra một cuộc đàn áp quy mô lớn, huy động đến toàn bộ bộ máy nhà nước trong suốt 19 năm và vẫn tiếp diễn cho đến nay. Phải chăng chính quyền Trung Quốc lo sợ điều gì?

A. NHÌN LẠI CUỘC ĐÀN ÁP PHÁP LUÂN CÔNG

Bối cảnh trước 20-7-1999

Pháp Luân Công được ông Lý Hồng Chí truyền ra xã hội vào tháng 5-1992 thuận theo cao trào khí công cuối những năm 80 của thế kỷ trước tại Trung Quốc. Sau khi môn khí công này xuất hiện một thời gian ngắn, chính quyền Bắc Kinh đã không chỉ chấp nhận sự phát triển nhanh chóng của nó mà còn mời ông Lý tới giảng dạy tại các cơ sở của chính phủ và khen ngợi những lợi ích về đạo đức sức khỏe mà nó đã mang đến cho cộng đồng. Ngày 21-9-1993, tờ Nhật báo Công an Nhân dân, một ấn phẩm của Bộ Công an, đăng một câu chuyện ca ngợi ông Lý vì những đóng góp của ông “trong việc đẩy mạnh đạo đức truyền thống của người Trung Hoa chống lại tội ác, trong bảo vệ an ninh và trật tự xã hội, và trong việc đẩy mạnh sự chính trực trong xã hội”.

Tính đến cuối 1994, ông Lý đã theo chương trình phát triển khí công của Hội Khí Công Trung Quốc đi giảng 54 khóa học Pháp Luân Công. Những khóa học cuối cùng được vô cùng đông đảo quần chúng tham gia, mỗi khoá khoảng 3,5 ngàn cho đến 4,5 ngàn học viên. Sau đó ông chỉnh lý bài giảng của mình thành sách “Chuyển Pháp Luân”, công bố nội dung bài giảng ra video đóng góp cho cộng đồng, thể hiện cống hiến thiện chí của ông đối với cộng đồng xã hội. Người học Pháp Luân Công từ đó trở đi có thể theo học Pháp Luân Công hoàn toàn miễn phí, đồng thời Pháp Luân Công cũng trọn vẹn trở thành một phong trào tập luyện của tất cả quần chúng. Đến nay, tất cả tài liệu giảng dạy của Pháp Luân Công đều cung cấp miễn phí công khai trên mạng lưới Internet, và học viên cũng là dưới hình thức phong trào quần chúng mà theo học nếu thấy thích hợp, và rời bỏ nếu cảm thấy không thích, tất cả hoàn toàn miễn phí và tự nguyện, không có đăng ký thành viên hay tổ chức gì.

Pháp Luân Công phát triển rất nhanh. Theo thống kê do điều tra chính thức của nhà nước Trung Quốc năm 1998, số học viên Pháp Luân Công vào khoảng 70 đến 100 triệu người. Cuốn “Chuyển Pháp Luân” xuất bản lần đầu năm 1995, đã được thống kê là cuốn sách bán chạy nhất ở Bắc Kinh năm 1996.

Giữa những năm 1990, truyền thông nhà nước thỉnh thoảng có bài viết công kích khí công, trong đó có cả Pháp Luân Công, cho đó là “mê tín” “phong kiến”. Người tập Pháp Luân Công bắt đầu tới các tòa soạn để thỉnh nguyện, kiến nghị gỡ bỏ các bài viết không đúng sự thật. Khi một đài truyền hình tại Bắc Kinh phát sóng chương trình tọa đàm trong đó khách mời công kích Pháp Luân Công, thì những người tập môn này đã cố gắng giải thích rõ vấn đề. Nhà sản xuất chương trình tọa đàm bị cách chức, và trong vài ngày sau đó, đài truyền hình phát sóng một đoạn phim tích cực về Pháp Luân Công.

Ngày 14-2-1999, thời báo U. S. News & World dẫn lời một quan chức trong Bộ Thể thao Trung Quốc nói rằng “hàng năm, mỗi học viên Pháp Luân Công đã tiết kiệm được cho chính phủ 1000 tệ tiền chi phí y tế” do lợi ích sức khỏe mà môn tập này đem lại. (“An opiate of the masses?,” U.S. News & World Report, 22 February 1999.)

Vụ việc đáng chú ý diễn sau đó 2 tháng, khi báo Thiên Tân đăng tải một bài viết tấn công Pháp Luân Công. Vẫn theo cách cũ, người tập Pháp Luân Công tới trụ sở tòa soạn báo Thiên Tân để thỉnh nguyện vào tháng 4-1999. Mặc dù không có bạo động hay mất trật tự, 300 cảnh sát chống bạo động đột ngột được điều tới. Nhiều người tham dự bị đánh đập, và 45 người đã bị bắt giữ. Những người còn lại được chính quyền sở tại thông báo rằng, nếu họ muốn thỉnh nguyện nữa, họ cần phải đưa vấn đề này lên với Bộ Công an và đến Bắc Kinh để kháng cáo.

Điều đó dẫn tới cuộc thỉnh nguyện ngày 25-4 của 10.000 người tập Pháp Luân Công tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Điều khiến người ta chú ý là trong các hình ảnh tư liệu, những người tập Pháp Luân Công khi đến Trung Nam Hải rất trật tự, thậm chí không có băng rôn biểu ngữ nào được mang theo. Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Dung Cơ đích thân bước ra khỏi cổng Trung Nam Hải, đứng trước toàn thể người thỉnh nguyện và yêu cầu họ cử ra đại diện để vào nói chuyện. Điều đó cho thấy chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ hoàn toàn yên tâm về cuộc thỉnh nguyện này.

Ông Chu Dung Cơ sau đó đã nhanh chóng đồng ý yêu cầu cảnh sát Thiên Tân thả tự do cho người tập Pháp Luân Công. Truyền thông thế giới gọi đây là sự kiện thỉnh nguyện gây chấn động Trung Nam Hải, và bày tỏ khen ngợi đối với cách xử sự của chính quyền Trung Quốc nói chung, và khen ông Chu Dung Cơ nói riêng, cho rằng đây là một bước tiến lớn về nhân quyền của nước này.

Nhưng phản ứng của ông Giang Trạch Dân – bấy giờ là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương – lại hoàn toàn khác. Trong bức thư tay ngày 25-4 ông Giang gửi cho các thành viên của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng viết: “Thần không biết quỷ không hay, hơn 10.000 người đã tập hợp ngay trước cửa trung tâm quyền lực của Đảng và Nhà nước suốt cả một ngày… Thế mà, các bộ phận liên quan của chúng ta không tìm thấy bất cứ thông tin gì trước khi nó diễn ra…”. Cũng trong bức thư đó ông Giang không giấu giếm sự đố kỵ: “Chủ nghĩa Mác-xít mà người cộng sản chúng ta có, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần mà chúng ta tin không thể chiến thắng được những điều của Pháp Luân Công hay sao? Nếu đúng là như vậy, nó sẽ là một trò cười lớn có phải không?”

Những năm đương quyền, ông Giang Trạch Dân luôn luôn mong muốn mọi người phải quán triệt học thuyết của ông, thuyết “ba đại diện” ấy được đưa thẳng vào điều lệ Đảng ép mọi đảng viên phải học, nhưng thực tế hoàn toàn không như ông ta muốn. Trong khi đó ở Trung Quốc, dân chúng lại tự nguyện đón chào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, hàng ngày gần 100 triệu người Trung Quốc cùng nhau tập luyện các bài tập Pháp Luân Công và đọc sách của ông Lý Hồng Chí. Đông hơn cả số đảng viên bấy giờ, khoảng 60 triệu.

Trong hội nghị lấy ý kiến về việc xử lý vấn đề Pháp Luân Công, ông Giang Trạch Dân đã kiên quyết đàn áp Pháp Luân Công, mặc cho 6 thường ủy Bộ Chính trị im lặng biểu đạt phản đối. Cuộc đàn áp 20-7-1999 diễn ra, bất chấp tình trạng không hề có được đa số phiếu của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.

Sự kiện 25-4 sau này trong chiến dịch tuyên truyền đàn áp đã bị các phương tiện truyền thông Trung Quốc bóp méo thành cuộc “vây hãm” Trung Nam Hải của tổ chức chính trị bạo lực cực đoan, lấy đó làm cớ biện minh cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Bắc Kinh đàn áp Pháp Luân Công như thế nào?

Ngày 20-7-1999, các lực lượng an ninh tràn ra khắp Trung Quốc, bắt bớ hàng chục ngàn người tập Pháp Luân Công, theo một tờ báo của Hồng Kông, số người bị bắt lên đến 50.000 trong một tuần. Liên tục một thời gian dài sau đó, các phương tiện truyền thông liên tục tuyên truyền rằng Pháp Luân Công “tuyên truyền mê tín, ngụy biện, lừa dối, xúi giục kích động, và gây nguy hại cho sự ổn định xã hội”.

Một chiến dịch tuyên truyền cũng được dựng nên để gán cho Pháp Luân Công mác “tà giáo”. Hơn 2000 tờ báo, hơn 1000 quyển tạp chí, và hàng trăm đài phát thanh và truyền hình địa phương nhanh chóng nên quá tải vì chiến dịch tuyên truyền chống Pháp Luân Công.

Chiến dịch này còn leo thang khi truyền thông phát đi màn kịch tuyên truyền, cho thấy 5 người tập Pháp Luân Công tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23/1/2001. Báo chí và đài truyền hình nhà nước Trung Quốc liên tục phát sóng và bình luận về sự kiện này. Tuy nhiên chính quyền lại không cho phép bất kỳ phóng viên phương Tây nào được tiếp cận với các nhân chứng.

Sau các nỗ lực điều tra, nhiều kênh truyền thông phương Tây đã kết luận rằng đây là một sự kiện bị chính quyền Trung Quốc dàn dựng. Thời báo Tài chính (Financial Times) ở Anh khẳng định: “Không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh người ‘tự thiêu’ là người của Pháp Luân Công.” Hãng tin Reuters cho hay: “Bắc Kinh đang lợi dụng hình tượng thân thể bị thiêu cháy đáng sợ làm vũ khí mới nhất trong cuộc chiến truyền thông với Pháp Luân Công.”

Ngày 14/8/2001, tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế (IED) đã thông báo công khai tại cuộc họp Liên Hiệp Quốc rằng: “Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy chính quyền ĐCSTQ thật sự đã dàn dựng vụ tự thiêu và giết những người này để bôi nhọ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, chúng tôi đã có được một video phân tích vụ tự thiêu cho thấy rõ ràng rằng chế độ ĐCSTQ đã chỉ đạo và dàn dựng toàn bộ sự việc.”

Mặc dù vậy cho đến hiện tại, lợi dụng sự kiểm duyệt truyền thông, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên truyền về vở kịch tự thiêu này. Thậm chí nó còn xuất hiện trong Sách giáo khoa Trung Quốc. Từ đó, khiến cho sự đồng cảm của dân chúng đối với Pháp Luân Công biến mất.

Từ những năm 2004-2006 về sau, chính quyền ĐCSTQ bắt đầu giảm dần tần suất đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, biểu hiện ra một cảm giác dường như ĐCSTQ đã “thành công” ổn định tình hình. Nhưng chính sách cuộc đàn áp trên thực tế không hề thay đổi.

Kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu, hàng trăm ngàn người tập đã bị bắt giữ và đàn áp. Nhà điều tra độc lập, nhà báo Ethan Gutmann ước tính rằng có ít nhất 15% người bị giam giữ trong các trại lao động cải tạo là người tập Pháp Luân Công. Con số này cũng được bộ ngoại giao Mỹ ủng hộ. Theo các tổ chức nhân quyền, người tập Pháp Luân Công bị tù lao động cải tạo, bị tra tấn, bị bí mật giết, và thậm chí bị thu hoạch nội tạng.

Vậy chính quyền ĐCSTQ thắng hay thua?

Như nhà khoa học xã hội Steven Mosher, trong một lá thư gửi Wall Street Journal, đã so sánh, chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc giống như hoạt động chống khủng bố nhắm vào “những bà già tập thể dục”.

Tuy nhiên, điều trớ trêu trong chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công là ở chỗ, Giang Trạch Dân bắt đầu bằng nỗi sợ vô cớ về nguy cơ mất ảnh hưởng chính trị, dẫn tới cuộc đàn áp, rồi khi đàn áp không ngừng leo thang thì chính quyền Trung Quốc lại có một nỗi sợ khác.

Tiếp nối sự phát triển nhanh chóng về số lượng người tập, những cuộc thỉnh nguyện đầu tiên của Pháp Luân Công được cho là sự thách thức lớn nhất khả năng chịu đựng của chính quyền Cộng sản Trung Quốc trong 50 năm cai trị. Kể từ đó, nhóm người này đã trở thành cái gai trong mắt chính quyền và phải chịu bức hại. Thế nhưng, kết quả thì sao?

Các trại tạm giam hay trại lao động cưỡng bức đã thất bại trong việc cải tạo người tập Pháp Luân Công. Cảnh sát, nhà tù và Phòng 610 (cơ quan chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công) đã thất bại trong việc ép người tập Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình. Bất chấp những tuyên truyền dối trá và đàn áp tàn bạo, vẫn có những người bí mật tiếp tục tập luyện tại Trung Quốc.

Trong khi chính phủ Trung Quốc không ngừng phong tỏa Internet và bưng bít thông tin, thì cuộc bức hại vẫn liên tục được phơi bày trên khắp thế giới. Freegate, một phần mềm giúp đột phá phong tỏa mạng Internet do người tập Pháp Luân Công phát triển, dưới sự tài trợ một phần của chính phủ Mỹ, đã giúp người dân tại Đại Lục tiếp cận những thông tin tin chân thực dễ dàng hơn. Những người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại Lục cũng nhờ đó có thể cung cấp các thông tin trực tiếp về cuộc đàn áp đến trang mạng chính thức của Pháp Luân Công là Minghui.org.

Thậm chí, đến cuối năm 2009, tòa án tại Tây Ban Nha và Argentina đã truy tố ông Giang Trạch Dân và những cựu quan chức Trung Quốc khác về tội diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại.

Pháp Luân Công đã bị cấm ở Trung Quốc kể từ năm 1999, nhưng vẫn công khai hoạt động và phát triển tại Hồng Kông. Người tập Pháp Luân Công hiện diện đáng kể ở Đài Loan, nơi người dân chống lại sự hợp nhất với Trung Quốc Đại Lục. Thậm chí mới đây nhất, ngày 11/12/2017, Phó chủ tịch Ủy ban sự vụ Đại Lục Khâu Thùy Chính xác nhận: quan chức ĐCSTQ từng đàn áp Pháp Luân Công và thuộc Phòng 610 sẽ trực tiếp không được phép đến Đài Loan.

Ngoài ra tại rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Đức, Úc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ… đều có sự hiện diện của Pháp Luân Công. Nếu như cuộc thỉnh nguyện Nam Trung Hải với 10.000 người ở Trung Quốc từng bị bóp méo thành bao vây chính phủ, thì đến nay, những cuộc thỉnh nguyện quy mô lớn ngần ấy hàng năm đều hiện diện tại Mỹ.

Rõ ràng, ĐCSTQ đã thất bại. Ông David Ownby, tác giả của cuốn “Falun Fong and the Future of China” (Tạm dịch: Pháp Luân Công và tương lai của Trung Quốc) nhận định:

Việc tiếp tục đàn áp của chính quyền Trung Quốc chỉ càng khuyến khích những người tập Pháp Luân Công không ngừng nỗ lực của họ. Với tôi, một chiến lược khôn ngoan cho chính quyền Trung Quốc nên là phớt lờ Pháp Luân Công, nhưng chế độ này chưa bao giờ có thể chấp nhận thái độ khoan dung đối với bất kỳ nhóm người bất đồng ý kiến nào.

Hơn nữa, nỗi sợ hãi ĐCSTQ lại trở thành sự thực: ĐCSTQ đã mất lòng dân. Khi người dân Trung Quốc ngày càng hiểu rõ hơn về mức độ tàn bạo của cuộc bức hại, thì hình ảnh của ĐCSTQ cũng dần sụp đổ. Năm 2005, sau khi trốn sang Úc, ông Trần Dụng Lâm, cựu nhân viên ngoại giao Trung Quốc và ông Hác Phượng Quân, cựu nhân viên Phòng 610 Thiên Tân và Cục An ninh Quốc gia Thiên Tân, đã thẳng thắn phơi bày về những tội ác của ĐCSTQ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công và sự chán ghét của họ khi phải làm việc trong nội bộ đảng. Đặc biệt từ sau sự kiện Vương Lập Quân, thân tín của Bạc Hy Lai chạy đến Đại sứ quán Mỹ năm 2012 và tiết lộ thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đa số quan chức của ĐCSTQ đều hiểu rõ rằng bất cứ ai đều là nạn nhân của cuộc bức hại và không thể đặt niềm tin vào đảng cầm quyền.

Nhìn lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công, có thể thấy nguyên nhân xuất phát từ lòng đố kỵ của Giang Trạch dân “lo sợ” bị chê cười, kích thích ĐCSTQ “lo sợ” vì nguy hại từ một nhóm người tập luyện vô hại, và giờ đây họ không dừng nữa vì “lo sợ” tội lỗi cuối cùng sẽ bị phơi bày.

B. HOẠT ĐỘNG CỦA PHÁP LUÂN CÔNG

Hễ đề cập đến Pháp Luân Công, truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn chụp mũ “tà giáo” lên đó, mặc dù Pháp Luân Công thậm chí không phải là tôn giáo. Đơn cử như gần đây, sau sự việc một phụ nữ bị giết hại dã man tại một quán McDonald, Sơn Đông bởi thành viên một giáo phái vào năm 2014, truyền thông Trung Quốc một lần nữa đưa tin nhấn mạnh về các “tà giáo hoạt động mạnh nhất” tại Trung Quốc hiện nay, và chèn Pháp Luân Công vào danh sách này. Điều đáng nói là Pháp Luân Công sau hơn 25 năm hoạt động công khai trên phạm vi toàn cầu không hề có bất kỳ hoạt động bạo lực gì. Hoàn toàn khác những phái khác trong danh sách đó, ví dụ như “Tam Ban Phó Nhân Phái”, thành viên của một số nhóm “tà giáo” này bị chính quyền kết tội gây ra hàng chục vụ giết người.

Ngoài ra, giữa tuyên truyền của truyền thông nhà nước và các văn kiện pháp lý về Pháp Luân Công lại có sự bất đồng. Trong mười bốn tổ chức mà chính quyền Trung Quốc công bố được gọi là “tà giáo” có liệt kê 7 tổ chức tà giáo mà văn phòng Trung Ương ĐCSTQ cùng Hội đồng Nhà nước xác nhận và 7 tổ chức tà giáo do Bộ công an nhận định và xác nhận. Công văn như vậy bộ công an đã công bố hai lần. Một là vào năm 2000, công văn số 39 (2000) “Thông tư của Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội nhân dân Trung Hoa”, hai là vào tháng 04 năm 2005 công văn số 39 (2005) “Thông tư về một vài vấn đề về tổ chức tà giáo do Bộ công an nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhận định”. Trong hai văn kiện này không hề nhắc tới Pháp Luân Công. Tại Trung Quốc không có văn kiện pháp lý nào nhận định Pháp Luân Công là tà giáo.

Nhiều người phương Tây cho rằng Pháp Luân Công là một “phong trào tín ngưỡng mới” (new religious movement) giống như các phong trào diễn ra tại Mỹ vào những năm 1960, bởi vì môn tập này có người đứng đầu, có các sách giáo lý, và tập trung vào sức khỏe. Tuy vậy, David Ownby cho rằng do khác biệt văn hóa, cụm từ “phong trào tín ngưỡng mới” này không hề có ý nghĩa tại Trung Quốc.

Đây là do khái niệm “tôn giáo” khác nhau giữa phương Đông và phương Tây. Ở Trung Quốc, tôn giáo là nói đến những gì như nhà thờ, chùa chiền, giáo hội, những chức danh như phương trượng, chủ trì, thủ tọa, và những thứ nghi lễ như quy y, rửa tội, v.v.. Những hoạt động của Pháp Luân Công cho thấy họ không phải là một tôn giáo.

Tính chất công khai, hoàn toàn miễn phí và tự nguyện, không có đăng ký thành viên hay tổ chức gì, cho thấy họ là một phong trào quần chúng. Điều đó vẫn không thay đổi gì từ đầu cho đến nay. Người phương Tây do khác biệt văn hóa nên phân loại hoạt động của Pháp Luân Công vào phạm trù “tín ngưỡng tôn giáo”.

David Ownby không đồng ý với khái niệm giáo phái (cult) khi nói về Pháp Luân Công, ông nói:

Đúng là với họ thì địa vị của Lý Hồng Chí rất cao, nhưng ông lại không xuất hiện mấy, vì thế khả năng ông ta lạm dụng người tập Pháp Luân Công hết sức thấp. Các thành viên có đóng góp vật chất cho việc tổ chức các sự kiện, nhưng theo tôi tìm hiểu thì việc này hoàn toàn tự nguyện. Các thành viên vẫn đi làm và sinh sống ổn định trong xã hội.

Trong cuốn “Wild Grass: Three Portraits of Change in Modern China” (Tạm dịch: Cỏ dại: Ba bức tranh về sự đổi thay tại Trung Quốc hiện đại), Ian Johnson viết rằng từ “tà giáo” được dịch sang tiếng Anh là “cult” đã trở thành một cái nhãn được thiết kế để “khoác lên các cuộc đàn áp của chính phủ Trung Quốc tính chính thống khi phương Tây đang thực hiện các phong trào bài xích giáo phái (anti-cult)”. Johnson cũng tranh luận rằng:

Thành viên của Pháp Luân Công kết hôn với người bên ngoài môn tập, có bạn bè bên ngoài, có các công việc bình thường, và không sống tách biệt với xã hội, không tin rằng ngày tận thế sắp đến và không giao nộp lượng lớn tiền cho môn tập này.

Theo người tập Pháp Luân Công tại Việt Nam cho biết, những điểm luyện tập đầu tiên xuất hiện vào khoảng 2005. Đến nay Pháp Luân Công là một trong những môn tập luyện sức khỏe có nhiều người học ở Việt Nam. Những thành phố lớn như Hà Nội có thể dễ dàng gặp những người này tại các công viên vào buổi sáng sớm hoặc lúc tan tầm buổi chiều.

Cũng theo những người này, họ vẫn chủ yếu sử dụng cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” được dịch ra tiếng Việt và tự học theo. Họ cảm thấy tâm đắc vì một số đạo lý quen thuộc với người Việt cũng được nhắc tới trong sách như “Lùi một bước biển rộng trời cao” cũng giống như câu “một điều nhịn là chín điều lành”; hay “Không mất thì không được” cũng giống như “có làm thì mới có ăn” hay “tay làm hàm nhai”.

Chính quyền Việt Nam không có văn bản chính thức nào về Pháp Luân Công. Nếu chiểu theo luật pháp hiện hành, thì người dân có thể tự do tập luyện Pháp Luân Công theo sở nguyện cá nhân. Trên thực tế từ năm 2005 đến nay, nhìn chung phong trào tập Pháp Luân Công phát triển khá nhanh. Tuy thỉnh thoảng có những phản ánh về việc người của chính quyền can thiệp hay ngăn cản việc tập Pháp Luân Công ở một số nơi, nhưng nhìn chung phong trào vẫn phát triển công khai.

Rất có thể chính quyền Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu về hoạt động của Pháp Luân Công, và muốn cân nhắc thêm đến chính sách của các quốc gia khác về phương diện này. Dù sao đi nữa thì hiện chỉ có Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công và đã bị quốc tế lên án bởi tội ác mổ cướp tạng chống lại loài người. Các quốc gia tiên tiến trong nhiều năm qua vẫn tiếp nhận học viên Pháp Luân Công theo cơ chế tị nạn do bị đàn áp tín ngưỡng. Trong bối cảnh như vậy, chính quyền Việt Nam dù có quan hệ gần gũi với ĐCSTQ cũng phải cân nhắc kỹ về vấn đề này.

RELATED ARTICLES

Tin mới