Saturday, January 4, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTừ khía cạnh pháp lý, hoạt động bồi đắp xây đảo nhân...

Từ khía cạnh pháp lý, hoạt động bồi đắp xây đảo nhân tạo ở Biển Đông của TQ đã vi phạm ra sao?

Từ khía cạnh pháp lý và góc độ luật pháp quốc tế cho thấy, những hành động bồi đắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên các thực thể địa lý ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế hiện hành.

Nhìn vào thực tiễn tình hình Biển Đông 5 năm gần đây có thể thấy, bên cạnh những tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền giữa các nước có liên quan trong khu vực, nay xuất hiện thêm sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực vào vấn đề Biển Đông. Thậm chí, có lúc, tranh chấp Biển Đông không còn là vấn đề giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, càng không là vấn đề song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam hay Philippines nữa mà trở thành vấn đề giữa Mỹ với Trung Quốc hoặc giữa Trung Quốc với các nước lớn khác như Nhật, Ấn, Úc… Bằng chứng là năm 2018 và 2019, tàu chiến các nước trên đã gia tăng mật độ qua lại Biển Đông, va chạm giữa tàu thuyền các nước trên Biển Đông có chiều hướng tăng lên. Nhưng ở một góc nhìn khác, thực tiễn tình hình Biển Đông lại đang có sự thay đổi rất lớn về địa chiến lược dưới sự tác động quyết liệt của Trung Quốc. Đó là hoạt động bồi đắp các thực thể chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc khiến các thực thể ở hai quần đảo trên thay đổi hẳn hình dạng so với nguyên thủy, trở thành các đảo nhân tạo có diện tích lớn, cho phép Trung Quốc triển khai xây dựng, lắp đặt các công trình dân, quân sự hiện đại tại đó. Điều này buộc các nhà địa lý học của các nước chắc chắn phải vẽ lại bản đồ Biển Đông và quan trọng hơn, nó làm thay đổi hẳn ưu thế chiến lược về quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông so với trước đây. Vậy, hành động bồi đắp xây đảo nhân tạo như trên của Trung Quốc vi phạm ra sao, nhìn từ khía cạnh pháp lý.

Như mọi người đã biết, từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai bước đi chiến lược lớn đối với Biển Đông. Đó là tôn tạo, bồi đắp các bãi đá, bãi cạn, bãi chìm ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhằm hình thành ở 2 quần đảo này những hòn đảo có diện tích rộng lớn đủ để Trung Quốc có điều kiện thực hiện những bước đi xác lập vai trò cường quốc đại dương. Thậm chí trong tương lai, cường quốc đại dương này còn có ý tưởng sẽ liên kết các hòn đảo đó với nhau để xây dựng những thành phố nổi, những trung tâm thương mại hay khu vui chơi giải trí trên biển. Theo logic, đã có xây dựng thì phải có bảo vệ, nên theo sau các công trình dân sự là các công trình quân sự sẽ hình thành, được lắp đặt trang thiết bị hiện đại đủ khả năng kiểm soát hải phận và không phận Biển Đông, đủ khả năng không chỉ bảo vệ các đảo, thành phố trên biển mà còn bảo vệ vùng duyên hải ven biển Trung Hoa. Vì thế, Bắc Kinh đã đổ ra hàng chục và có thể là hàng trăm tỷ đô-la, huy động hàng trăm ngàn nhân công lao động, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động bồi lấp biển để biến các bãi đá, bãi cạn, bãi chìm thành những hòn đảo nhân tạo lớn nhỏ. Theo số liệu thông tin mới nhất từ vệ tinh nước ngoài đo được, tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã tôn tạo, bồi lấp trên 2 thực thể họ chiếm đóng trái phép là đảo Phú Lâm và đảo Tri Tôn, đưa diện tích trên 2 hòn đảo này tăng thêm đến gần 500 ha. Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã tôn tạo, bồi lấp 7 thực thể họ chiếm đóng trái phép gồm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi và Vành Khăn bằng hàng tỷ tấn cát, đưa diện tích của chúng tăng lên đến khoảng gần 1.500 ha, gấp gần 700 lần so với trước đó. Trong đó các thực thể Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập được bồi lấp thêm hàng trăm ha.

Trung Quốc hiểu rằng, việc xây đảo nhân tạo như trên đương nhiên sẽ vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế. Nhưng trong bối cảnh hiện tại thì chưa ai dám ngăn cản họ nên đây là thời cơ cho việc hành động. Bất chấp sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật quốc tế và quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền. Cần phải chỉ ra ở đây những vi phạm trên khía cạnh pháp lý của Trung Quốc như sau:

Thứ nhất, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế về chủ quyền và quyền chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên Biển Đông.

Biển Đông, từ lịch sử cho đến hiện tại là vùng biển liền kề nhất, lâu đời nhất đối với dải đất liền hình chữ S bên cạnh. Nhiều thế hệ nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực hiện chủ quyền và quyền chủ quyền đối với tây Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như ban hành sắc lệnh quản lý, khai thác 2 quần đảo; lập đội ngư dân; cắt cử quan lại; xây trạm quan trắc… Do đó, theo luật pháp đối với việc quốc tế xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia cho thấy, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với một phần Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể phủ nhận, dựa trên các yếu tố cấu thành chủ quyền của một quốc gia như: Sự khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước và sự đương nhiên thừa nhận trong hệ thống luật pháp và tập quán quốc tế. Trong quá trình xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với Biển Đông và 2 quần đảo, nội dung chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam luôn phù hợp với hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế, trong đó quy định: Một quốc gia khi xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải thể hiện đầy đủ tính chất về mặt nhà nước, tức là nhà nước đó có ban hành văn bản, chính sách và tổ chức quản lý hành chính vùng lãnh thổ đó khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào khác, đồng thời cách thức xác lập chủ quyền phải được thực hiện bởi tổ chức hành chính trực thuộc nhà nước. Xét về khía cạnh này, trong mấy trăm năm qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực đáp ứng đầy đủ tính chất trên đối với Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Nói cách khác, dựa trên cơ sở pháp lý về thiết lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đất, vùng biển vô chủ, Việt Nam có hoàn toàn chủ quyền đối với các vùng biển, đảo đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm và bãi chìm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc không có chủ quyền và cơ sở pháp lý quốc tế nào để tiến hành các hoạt động bồi đắp, mở rộng tại các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường, hủy hoại nghiêm trọng hệ thống sinh thái biển và đi ngược lại xu thế của khu vực về bảo vệ môi trường biển.

Theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các quốc gia ven biển kín hay nửa kín cần phối hợp với nhau trong việc quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật biển; hợp tác trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ liên quan đến việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Ngoài ra, các điều 192-196, 207-298 của Công ước cũng yêu cầu các quốc gia không được có hành động làm tổn hại đến môi trường mà có nghĩa vụ ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ bất kỳ nguồn nào. Là một trong những nước tham gia ký kết UNCLOS 1982, Trung Quốc đương nhiên có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tuân thủ và bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, những hành động trên thực tế của quốc gia này đang hoàn toàn đi ngược lại các quy định của Công ước. Hành động nạo vét, lấp biển, biến các bãi đá chìm thành các đảo nhân tạo đã vĩnh viễn làm mất đi hệ sinh thái tại khu vực này; các rạn san hô bị phá hủy; môi trường sống của các sinh vật biển tại các thực thể địa lý không còn, đặc biệt là các loài hải sản có giá trị kinh tế cao; đe dọa trực tiếp đến lợi ích chung của cộng đồng trong khu vực và quốc tế.

          Các hoạt động tôn tạo, mở rộng, bồi lấp của Trung Quốc trên các thực thể địa lý tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa còn vi phạm nội dung Công ước về đa dạng sinh học năm 1992. Trong công ước này có quy định: Các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc luật pháp quốc tế, có toàn quyền khai thác tài nguyên của họ theo các chính sách mà họ đề ra và có trách nhiệm bảo đảm rằng, những hoạt động trong phạm vi thẩm quyền hay kiểm soát của họ không làm phương hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực không thuộc thẩm quyền quốc gia. Xét trên thực tế, những hành động của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa chẳng những không thuộc “phạm vi thẩm quyền hay kiểm soát của họ” mà còn “làm phương hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực không thuộc thẩm quyền quốc gia”; vi phạm nghiêm trọng quy định này khi làm biến dạng hẳn môi trường, phá hủy hệ sinh thái tại các thực thể bãi đá chìm ở quần đảo Hoàng sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

          Công ước về đa dạng sinh học năm 1992 còn quy định nghĩa vụ của các thành viên tham gia, trong đó nhấn mạnh: Các quốc gia phải tiến hành đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện những dự án có thể gây ra hậu quả có hại tới đa dạng sinh học. Theo những tuyên bố của phía Trung Quốc gần đây, các dự án bồi lấp biển của nước này đã được “đánh giá và kiểm tra chặt chẽ về mặt khoa học” và được thực hiện “dựa trên tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường” cũng như “tính toán đầy đủ về mặt bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản”. Tuy nhiên, đó chỉ là những gì Trung Quốc khoác lác mà thôi. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được bất cứ đánh giá khoa học độc lập, khách quan nào về tác động môi trường từ những hoạt động bồi đắp, mở rộng các bãi đá chìm thành đảo nhân tạo và xây dựng những công trình quân sự trên các thực thể địa lý mà nước này đã và đang tiến hành. Ở mức cao hơn, Trung Quốc cũng chẳng dám mời bất cứ tổ chức quốc tế nào có trình độ và thẩm quyền tới đánh giá để thể hiện tính khách quan, công bằng. Vì nếu làm như vậy thì chân tướng sự việc sẽ được phơi bày khác hẳn những gì Trung Quốc khoe khoang.

Đáng chú ý, các hoạt động bồi đắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc diễn ra trong khi nhiều bên có yêu sách chủ quyền ở khu vực này như Philippines, Malaysia và quốc gia có chủ quyền duy nhất là Việt Nam cũng như giới học giả quốc tế đều đang kêu gọi thiết lập các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ môi trường biển ở quần đảo Trường Sa. Cụ thể, các quốc gia hữu quan phải tiến hành đàm phán chế định quy hoạch quản lý hệ thống sinh thái biển, phân khu vực và phân loại để quản lý có hiệu quả đối với môi trường sinh thái biển; đồng thời tăng cường xây dựng môi trường sinh thái biển và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức khu vực về bảo vệ môi trường biển mà Trung Quốc cũng là thành viên như Cơ quan Điều phối các vùng biển Đông Á hay Tổ chức Đối tác quản lý môi trường các vùng biển Đông Á cũng đã và đang cố gắng thúc đẩy hợp tác nhằm bảo vệ các rạn san hô ở Biển Đông, một trong những khu vực có hệ sinh thái san hô đa dạng và phong phú hàng đầu thế giới. Trớ trêu thay, Trung Quốc hành động không có điều gì là phù hợp và đáp ứng với các kêu gọi trên. Chẳng khác gì dân gian thường bảo “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Thứ ba, Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc trong “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 – DOC”.

Tuyên bố DOC, dù ít nhiều cũng là văn bản pháp lý mang tính khu vực, gồm 10 điểm. Trong đó: Điểm 1 quy định cơ sở pháp lý chỉ đạo cách ứng xử của các bên tham gia ký kết. Theo đó, các bên cam kết tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật biển (Unclos 1982), năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc khác được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế làm cơ sở pháp lý điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia liên quan; điểm 4 ghi nhận “các bên liên quan cam kết tiến hành giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham khảo và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia liên quan trực tiếp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật quốc tế, kể cả Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982”; điểm 5 đã thể hiện “các bên liên quan tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, trong đó bao gồm cả việc kiềm chế các hoạt động đưa người ra các đảo, đá, bãi cạn và các vị trí không có người ở hiện tại và xử lý các khác biệt một cách có xây dựng”. Chiếu theo các điểm 1, 4, 5 quy định như trên, khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp xây đảo nhân tạo, không thấy họ “tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Unclos 1982, năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình…”; không thấy họ “tham khảo và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia liên quan trực tiếp” gì cả và cũng chẳng thấy Trung Quốc “kiềm chế các hoạt động đưa người ra các đảo, đá, bãi cạn và các vị trí không có người ở hiện tại và xử lý các khác biệt một cách có xây dựng”. Như vậy, chẳng khác gì Trung Quốc là một bên ký DOC nhưng chính họ lại giẫm đạp lên DOC.

Từ khía cạnh pháp lý và góc độ luật pháp quốc tế cho thấy, những hành động bồi đắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên các thực thể địa lý ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế hiện hành, không tôn trọng các cam kết chính trị song phương và đa phương cũng như vi phạm các cam kết khu vực. Hoạt động bồi đắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã làm tổn hại đến hệ sinh thái san hô ở 2 quần đảo trên, nó cho thấy phía Trung Quốc không hề coi trọng nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia và gây ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường biển.

Trước tình hình trên, cộng đồng quốc tế buộc phải cực lực phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và với tư cách một nước lớn có trách nhiệm, giải quyết những bất đồng, tranh chấp chủ quyền biển đảo thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới