Friday, May 10, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhu vực tự do mậu dịch tại Hải Nam: Âm mưu và...

Khu vực tự do mậu dịch tại Hải Nam: Âm mưu và chiêu trò quen thuộc của TQ trên Biển Đông

Kế hoạch phát triển Hải Nam của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực lập nên những liên minh với các quốc gia tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả Australia và Ấn Độ.

Đặc khu kinh tế Hải Nam

Ngày 13/4/2018, tại cuộc mít tinh kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Hải Nam, Trung Quốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình trịnh trọng tuyên bố, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định ủng hộ toàn đảo Hải Nam xây dựng khu thí điểm thương mại tự do, ủng hộ tỉnh Hải Nam từng bước tìm kiếm, thúc đẩy vững chắc xây dựng cảng thương mại tự do, từng bước xây dựng chính sách và hệ thống chế độ cảng thương mại tự do theo giai đoạn. Đây là quyết sách quan trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hướng tầm ngắm vào đại cục phát triển quốc tế và trong nước, là biện pháp quan trọng làm nổi bật quyết tâm mở rộng mở cửa đối ngoại, tích cực thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế của Trung Quốc.

Đến ngày 13/5, Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Tỉnh ủy tỉnh Hải Nam khoá 7 đã chính thức xác lập kế hoạch đưa đảo Hải Nam thành Khu thương mại tự do thí điểm vào năm 2020.

Sau 30 năm, Trung Quốc muốn đưa Hải Nam thành khu thương mại tự do, thể hiện tham vọng đẩy mạnh nền kinh tế và tạo ra một sân sau lớn mạnh của Bắc Kinh và Thượng Hải tại phía Nam của Trung Quốc. Là đặc khu kinh tế, Hải Nam có không gian kinh tế – hành chính tương đối riêng biệt, được vận hành bởi khung pháp lý riêng, linh hoạt và một môi trường đầu tư, kinh doanh thích hợp cho hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường, hướng ngoại đầy đủ và phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Nhưng một khi trở thành khu thương mại tự do, Hải Nam sẽ phải thực sự “mở” với các quy định khác biệt nhằm giảm hoặc xoá bỏ các ràng buộc về thuế quan và quy định của chính quyền Trung Quốc, đồng thời đi sâu vào mở cửa đối ngoại ngành công nghiệp hiện đại…

Bắc Kinh cho biết, việc xây dựng Hải Nam thành một cửa ngõ quan trọng cho các nước thuộc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đến với Trung Quốc là phù hợp với “xung hướng toàn cầu hóa kinh tế mới”. Với tiềm lực vốn có sau nhiều năm là đặc khu kinh tế với vị trí thuận lợi để phát triển nhanh chóng kết cấu hạ tầng bao gồm cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ… và nằm kế cận các đô thị và khu vực kinh tế lớn, phát triển như Hong Kong, Macau, Thẩm Quyến…, Hải Nam có đầy đủ và tiềm năng lớn để tiến lên trở thành khu thương mại tự do của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hải Nam có thể cùng với Thẩm Quyến, Hong Kong, Macau tạo ra một vành đai kinh tế vững chắc của Trung Quốc ở phía Đông Nam.

Mặc dù vậy, Hải Nam nằm gần khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông, khiến cho việc tiếp cận khu thương mại tự do tương lai này ít nhiều gặp khó khăn. Trung Quốc cũng muốn thông qua kế hoạch trên để đối trọng với “chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Washington. Gupreet Khurana, giám đốc điều hành Quỹ Hàng hải Quốc gia (Ấn Độ) cũng thể hiện sự đồng tình rằng, kế hoạch Hải Nam là đòn phản công của Trung Quốc đối với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền ông Trump. Tương tự như Thẩm Quyến, Hải Nam từ khi trở thành đặc khu kinh tế đã trải qua 3 thập niên phát triển nhanh cơ sở vật chất hạ tầng. Trước tình hình phát triển bất động sản quá nóng, năm 1993, giới chức Bắc Kinh đã phải can thiệp, chặn mọi nguồn cấp vốn cho các dự án xây dựng và phá vỡ bong bóng bất động sản.

Hơn 30 năm nỗ lực thành “điểm du lịch quốc tế”

Hải Nam tách khỏi tỉnh Quảng Đông vào năm 1988 và trở thành vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Tài năng và tiền được đổ vào đảo. Tuy nhiên, Hải Nam nhanh chóng rơi vào vòng xoáy bong bóng bất động sản, đỉnh điểm là giá nhà ở thủ phủ Hải Khẩu tăng gấp ba lần vào năm 1992, buộc chính quyền trung ương phải can thiệp.

Trong suốt 25 năm sau, tầm quan trọng của Hải Nam trong nền kinh tế Trung Quốc đã bị giảm đáng kể. Chỉ thu hút được 10 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tương đương với 1,5% tổng đầu tư của Trung Quốc trong 5 năm, từ 2012 đến 2017, hòn đảo chật vật tìm cách lấy lại vị trí trong nền kinh tế quốc gia.

Tương tự, kế hoạch biến Hải Nam thành “hòn đảo du lịch quốc tế”, được thực hiện từ năm 2009, cũng không mấy thành công. Nhiều khoản đầu tư lớn được đổ vào hòn đảo, thị trường bất động sản sôi động trở lại và cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay) được xây mới. Năm 2017 có 67 triệu du khách đến đảo, tăng gấp đôi so với năm 2012 và chi 12,8 tỷ USD, nhưng chỉ có khoảng 1 triệu du khách nước ngoài. Con số này chưa bằng 1/5 so với số du khách nước ngoài đến đảo Bali vào năm 2016, trong khi hòn đảo của Indonesia chỉ bằng 1/6 diện tích Hải Nam.

Lý do được nhà kinh tế Lưu Dũng (Liu Yong), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc, đưa ra là do các dịch vụ vui chơi giải trí và điểm tham quan trên đảo Hải Nam chưa thể cạnh tranh được với các điểm du lịch khác ở Đông Nam Á như Bali hoặc Thái Lan vì giá cao trong khi chất lượng dịch vụ lại thấp và thiếu cơ sở hạ tầng.

Hải Nam cũng không thể cạnh tranh được với các thành phố mua sắm nổi tiếng trong khu vực như Hong Kong hay Tokyo, thương mại điện tử hoặc không đáp ứng được nhu cầu mua hàng nước ngoài giá rẻ của người tiêu dùng Trung Quốc. chính bối cảnh này đã làm nảy sinh ý tưởng biến Hải Nam thành một vùng thương mại tự do như Hong Kong.

Từ năm 2013, Trung Quốc đã lập 11 khu vực tương tự trên khắp đất nước. Khi Hải Nam được tách tỉnh cách đây 30 năm với những đặc quyền kinh tế nnnhất định, ông Đặng Tiểu Bình hy vọng thể hiện được khả năng thúc đẩy sự phát triển trên đảo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2017, GDP bình quân đầu người của Hải Nam vẫn thấp hơn mức trung bình toàn quốc và đứng thứ 22 trong 31 tỉnh về tốc độ tăng trưởng.

Âm mưu quen thuộc trong vấn đề Biển Đông

Về mặt địa lý, đảo Hải Nam, với diện tích 34.000 km2, có vị trí chiến lược – nằm ở phía Bắc Biển Đông, phía Tây là Việt Nam và phía Đông là Philippines – đã trở thành nơi đồn trú chiến lược của quân đội Trung Quốc. Chính vì nằm ở vị trí địa lý và chiến lược quan trọng, Trung Quốc đã cho xây dựng trên đảo một “Trân Châu Cảng” (Pearl Harbour) của chính mình bằng cách biến các khu cảng ở thành phố du lịch Tam Á (Sanya) thành một cảng quy mô có khả năng chứa nhiều tàu sân bay. Mục đích là hình thành một khu căn cứ có thể hỗ trợ cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc cân bằng sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Hải Nam cũng là nơi đồn trú của lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Nam Hải Trung Quốc (gồm cả tàu tấn công lẫn hạt nhân), một lực lượng không quân lớn, nhiều vị trí radar và tên lửa trên mặt đất, cũng như các cơ sở bảo vệ bờ biển và vài nghìn quân nhân.

Đảo Hải Nam còn hỗ trợ về mặt hậu cần và quân sự cho các đảo và đá bị Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nằm cách Hải Nam hơn 1000 km. Ngoài ra, trên đảo Hải Nam còn có một cảng không gian, nơi duy trên toàn Trung Quốc có khả năng xử lý các tên lửa mạnh nhất của quân đội.

Liu Zongyi, học giả cao cấp thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Thượng Hải thì cho rằng, chiến lược Hải Nam chủ yếu là kế hoạch kinh tế nhưng công nhận khả năng nơi này có thể đóng một vai trò quan trọng cho lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo ông Liu Zongyi, “Trung Quốc có căn cứ hải quân ở biển Đông, vì thế Hải Nam rất quan trọng để duy trì ổn định và hòa bình ở đó, cũng như an ninh cho nguồn lực, hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc”.

Còn Richard A. Bitzinger, học giả của Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, nhận định, một Hải Nam phát triển hơn có thể đóng vai trò như một “xuất phát điểm tốt hơn cho quân đội Trung Quốc”. Đảo này vốn đã là nơi đặt căn cứ chính cho tàu ngầm hạt nhân và Hải Nam là một căn cứ tốt để củng cố cơ sở quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Nơi này cũng đưa năng lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc tới gần nhất có thể đối với eo Malacca, eo Singapore, và tiếp cận Ấn Độ Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới