Chiến tranh thương mại đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của Trung Quốc và buộc nước này phải có phương án mới để đối phó với Mỹ.
Quân bài đang bị lầm tưởng
Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm nhà máy sản xuất đất hiếm ở thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, cổ phiếu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đất hiếm niêm yết trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến và Hồng Kông tăng như vũ bão. Nguyên nhân là do dư luận đồ rằng đất hiếm sẽ trở thành quân bài mới của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán Hồng Kông cho thấy mở cửa phiên giao dịch ngày 21/5, mã chứng khoán 00769 của công ty đất hiếm Trung Quốc tăng hơn 20%, sau đó tiếp tục leo dốc, trong ngày có lúc tăng tới 113,5%, lập kỷ lục cao mới trong hơn 3 năm.
Những mã cổ phiếu trong lĩnh vực đất hiếm niêm yết trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến như 300748; 300066 hay 000795 cũng tăng kịch trần.
Nguyên nhân có thể bắt đầu từ việc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc trưa 20/5 phát đi hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dưới sự tháp tùng của Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới thị sát tình hình phát triển của ngành đất hiếm ở tỉnh Giang Tây.
Sở dĩ thông tin nêu trên được dư luận quan tâm chú ý rộng rãi chủ yếu là do gần đây không ngừng xuất hiện lời kêu gọi sử dụng đất hiếm như một quân bài mặc cả với Mỹ trong chiến tranh thương mại.
Gần nhất là vào ngày 12/5, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh đăng đàn chỉ rõ chiến tranh thương mại tốt nhất là không nên xảy ra, bởi nó sẽ làm cho cả hai bên đều thiệt hại.
Nhưng nếu chiến tranh thương mại thực sự bùng nổ, Trung Quốc có 3 quân át chủ bài để chiến thắng Mỹ, bao gồm việc triệt để cấm xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ. Theo Kim Xán Vinh, Trung Quốc cung cấp 95% sản lượng đất hiếm của thế giới, có vị thế mang tính lũng đoạn, trong khi đó, đất hiếm là nguyên liệu quan trọng để chế tạo con chíp điện tử.
Nếu Trung Quốc cấm triệt để việc xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ, Washington buộc phải tự khai thác đất hiếm, nhưng quá trình này phải mất nhiều năm và trong thời gian đó, Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội để phát triển chíp điện tử của riêng mình.
Điều bất thường
Tuy nhiên, nếu bình tâm suy xét sẽ thấy có cái gì đó không bình thường khi Trung Quốc chỉ sở hữu 23% lượng đất hiếm toàn cầu, nhưng cung cấp hơn 90% lượng đất hiếm cho thế giới. Mấu chốt ở đây là không phải là vấn đề không thể khai thác đất hiếm mà chỉ là không muốn khai thác đất hiếm.
Bởi khai thác và phân tách đất hiếm ảnh hưởng lớn tới môi trường. Một quan chức thuộc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Bắc Kinh từng tiết lộ với tờ Nhật báo Chosun rằng khai thác 1 tấn đất hiếm sẽ làm sản sinh 8,5 kg khí độc và 13 kg bụi.
Ngoài ra, khi khai thác đất hiếm còn làm xuất hiện một số nguyên tố phóng xạ như thorium và quá trình phân tách đất hiếm cũng phải sử dụng một lượng lớn hóa chất. Để bảo vệ môi trường, Mỹ và phương Tây đều không khai thác đất hiếm. Còn Trung Quốc, do nhu cầu phát triển kinh tế, từ thập niên 1980, nước này ra sức khai thác đất hiếm để xuất khẩu, dần trở thành nước sản xuất đất hiếm chủ yếu trên thế giới.
Ba địa phương sản xuất đất hiếm lớn ở Trung Quốc lần lượt là thành phố Bao Đầu thuộc Khu Tự trị Nội Mông, thành phố Lượng Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Cán Châu. Tới năm 2011, do vấn đề ô nhiễm môi trường, Trung Quốc điều chỉnh chính sách, bắt đầu chỉnh đốn ngành đất hiếm, hạn chế khai thác, tuyển quặng, phân tách đất hiếm, khiến nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc ngày một căng thẳng.
Báo cáo thường niên mới nhất của công ty đất hiếm Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông chỉ rõ đất hiếm ở Trung Quốc chủ yếu vẫn do doanh nghiệp nhà nước kiểm soát, đa số quặng đất hiếm mà công ty sử dụng được nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vào tuần trước, tỉnh Vân Nam đã cấm nhập khẩu đất hiếm từ Myanmar. Hiện nay, người ta chưa biết lệnh cấm nêu trên có mở rộng ra các quốc gia khác hay không, nhưng khi nguồn cung bị thắt chặt, giá đất hiếm đương nhiên sẽ đi lên. Cổ phiếu của các công ty sản xuất, kinh doanh đất hiếm hưởng lợi cũng là điều không quá khó hiểu.
Nếu xem xét các yếu tố nêu trên, việc sử dụng đất hiếm làm quân bài mặc cả trong chiến tranh thương mại quả thực có phần ngây thơ.
Đó là chưa nói tới việc vào đầu tuần trước, tập đoàn Lynas của Australia – nhà sản xuất đất hiếm lớn duy nhất ngoài Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Blue Line ở bang Texas về việc xây dựng nhà máy phân tách đất hiếm ở Mỹ.
Theo tờ The Star của Malaysia ngày 21/5, liên doanh giữa Lynas và Blue Lines sẽ đảm bảo các công ty Mỹ tiếp tục tiếp cận với những sản phẩm đất hiếm. Điều đó có nghĩa phía Mỹ hoàn toàn có thể chủ động nguồn cung đất hiếm để bù đắp sự thiếu hụt từ Trung Quốc.
Đành rằng sự phát triển mạnh mẽ của xe điện, cộng thêm nhu cầu của các ngành công nghệ cao như công nghiệp quốc phòng, hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo… khiến nhu cầu về đất hiếm ngày một tăng. Nhưng nếu Trung Quốc đặt kỳ vọng vào việc sử dụng đất hiếm như một quân bài để mặc cả với Mỹ trong chiến tranh thương mại hoặc tranh giành cao thấp với Mỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, cách nghĩ này xem ra quá đơn giản.