Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến thương mại với Mỹ khiến TQ phải thay đổi trọng...

Cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến TQ phải thay đổi trọng tâm

Trung Quốc được đánh giá là sẽ phải “cập nhật và nâng cấp” lĩnh vực công nghiệp của họ để ứng phó với thách thức từ chiến tranh thương mại với Mỹ.

Ngân hàng DBS (Hong Kong) Ltd cho rằng chính quyền Trung Quốc dự kiến sẽ phải đẩy nhanh tốc độ cập nhật công nghiệp để tránh bị đe dọa bởi các đối tác thương mại trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cả về trung hạn và dài hạn.

Đột phá khẩu Châu Giang

Carol Wu Shuyan – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Hong Kong và Đại lục Trung Hoa tại Ngân hàng DBS cho biết: Cuộc chiến thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc tất yếu sẽ có tiêu cực trong ngắn hạn đối với khu vực Đồng bằng Châu Giang ở tỉnh Quảng Đông, nơi dựa nhiều vào chế tạo và xuất khẩu.

Bà Carol Wu cảm nhận rằng để tránh bị các đối tác thương mại đe dọa trong tương lai, có khả năng chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhịp độ nâng cấp công nghiệp và tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Vẫn theo bà này, trong vài năm kế tiếp, việc sản xuất các sản phẩm như các “xe ô tô năng lượng mới” (thuật ngữ mà chính phủ Trung Quốc dùng để chỉ một loại xe ô tô điện), các ứng dụng thông minh, các sản phẩm môi trường, và phần cứng “internet vạn vật” dành cho người tiêu dùng sẽ tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng Châu Giang.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục chạy đua trong công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực mà Đài Loan vẫn có lợi thế, theo nhà phân tích viễn thông và công nghệ Tam Tsz-wang của DBS.

Hồi đầu năm 2019, Bắc Kinh công bố Kế hoạch khung về phát triển Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, với mục đích gia tăng dòng người và hàng hóa đi vào khu vực này (gồm Hong Kong, Macau, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác trong tỉnh Quảng Đông).

Hợp tác xuyên ranh giới giữa 2 chế độ

Hôm 16/5, Đặc khu trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã gặp gỡ tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Mã Hưng Thụy tại Hội nghị chung về Hợp tác Hong Kong-Quảng Đông, tổ chức ở thành phố Quảng Châu. Hai vị này đã ký một thỏa thuận trong đó nêu 70 nhiệm vụ để hai bên cùng phát triển ở khu vực Vịnh Lớn (trước đây hay được gọi là Đồng bằng Châu Giang).

Bà Lâm cho biết Hong Kong và tỉnh Quảng Đông sẽ hợp tác trong các dự án bao gồm cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, nhập cư, công nghệ sáng tạo, công nghiệp dịch vụ, và phát triển văn hóa. Đặc khu trưởng Hong Kong cho biết, tỉnh Quảng Đông sẽ lập ra 10 trung tâm khởi nghiệp (startup) ở Quảng Châu, Thâm Quyến, Đông Hoản, và Phật Sơn dành cho giới trẻ địa phương và Hong Kong.

Các thách thức chính đối với việc phát triển khu vực Vịnh Lớn là việc thiếu hệ thống giáo dục giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như thiếu văn hóa chấp nhận rủi ro dài hạn, chuyên gia Carol Wu nói. Bà này cho biết thêm, chính quyền các địa phương ở khu vực này cần nỗ lực hơn trong thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Mũi nhọn Thâm Quyến

Theo nhà nghiên cứu Carol Wu, thành phố Thâm Quyến – với tư cách là phiên bản Thung lũng Silicon của Trung Quốc – được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy nghiên cứu công nghệ cao và phát triển.

Hiện tại, các nhà sản xuất  thiết bị viễn thông như Huawei (Hoa Vi), ZTE (Trung Hưng ), gã khổng lồ internet Tencent, và nhà sản xuất ô tô điện BYD đều đặt đại bản doanh ở Thâm Quyến.

GDP đầu người ở khu vực Vịnh Lớn là khoảng 23.000 USD, so với 42.000 USD ở Vịnh Tokyo, 82.000 USD ở Vịnh New York và 102.000 USD ở Vịnh San Francisco, theo một báo cáo nghiên cứu do DBS xuất bản. Nếu loại trừ Hong Kong và Macau, thì công nghiệp dịch vụ ở đây chiếm tới 57% GDP tại 9 thành phố của Quảng Đông. Vào năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 72%.

Ken Shih – nhà phân tích ngân hàng và bảo hiểm tại Ngân hàng DBS, cho biết ngành tài chính của khu vực Vịnh Lớn này sẽ tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới. Ông này bổ sung thêm rằng vào năm 2030, tăng trưởng phí bảo hiểm hàng năm sẽ đạt 16% so với 17% ở các khoản cho vay ngang hàng, 14% ở khu vực tài chính và 12% ở các khoản cho vay của ngân hàng.

RELATED ARTICLES

Tin mới