Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLực lượng tuần duyên Mỹ và Philippines tuần tra chung ở Biển...

Lực lượng tuần duyên Mỹ và Philippines tuần tra chung ở Biển Đông lần đầu sau 7 năm qua: Thông điệp và phản ứng của các bên

Một tín hiệu đáng chú ý trong hợp tác quân sự hàng hải giữa Mỹ và Philippines vừa qua khi lần đầu tiên sau 7 năm qua, lực lượng tuần duyên hai nước mới lại tổ chức một đợt tuần tra chung ở Biển Đông.

Bối cảnh cuộc tập trận

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng khi Mỹ quyết định áp thuế mới 25% lên toàn bộ 325 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, hải quân Mỹ đã cùng với hải quân Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 16/5. Trong khi các cuộc diễn tập tương tự đã diễn ra ở Biển Đông trong quá khứ, hình ảnh của bốn quốc gia kết hợp lại với nhau để tập trận, thể hiện một thách thức mới đối với Bắc Kinh trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ tăng mức thuế đánh trên 200 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc.Tư lệnh Andrew J. Klug, chỉ huy tàu khu trục USS William P. Lawrence, khẳng định trong một tuyên bố:“Tham gia diễn tập chuyên nghiệp với các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực là những cơ hội để chúng tôi xây dựng và củng cố hơn nữa mối quan hệ hiện hữu vốn đã bền chặt, kiên cường”. Nhật Bản đã gửi tàu sân bay Izumo, một trong hai hàng không mẫu hạm lớn của nước này, trong khi Ấn Độ triển khai khu trục hạm INS Kolkata và tàu chở dầu INS Shakti.

Cuộc tuần tra chung ở Biển Đông lần đầu sau 7 năm của tuần duyên Mỹ và Philippines

Đáng chú ý trong hoạt động tập trận của 4 nước trên là việc tuần dương hạm Bertholf của lực lượng tuần duyên Mỹ được bổ sung cho Đệ thất Hạm đội, đã tập trận với Philippines tại Biển Đông. Tờ Stars and Stripes của lực lượng viễn chinh Mỹ hôm 16/5 cho biết đây là lần đầu tiên kể từ 7 năm qua có sự phối hợp với tuần duyên Philippines. Chiếc Bertholf cùng với hai chiến hạm BRP Batangas và BRP Kalanggaman đã thực hiện các kịch bản tìm kiếm, cứu nạn và các hoạt động khác tại bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012. Theo đài truyền hình NHK của Nhật Bản, các tàu tuần duyên Trung Quốc tại vùng biển này đã dừng lại và quan sát cuộc tập trận Mỹ – Philippines nhưng không can thiệp.

Thông điệp rõ ràng của các nước gửi đến Trung Quốc?

Hai điều đáng chú ý lần đầu tiên diễn ra tại đợt tập trận của Mỹ với các nước lần nay.

Thứ nhất, là cuộc tập trận chung lần đầu tiên của bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines tại Biển Đông. Trong đó, Nhật Bản và Philippines là hai đồng minh của Mỹ ở khu vực. Philippines được cho là đang có sự rạn nứt nhất định trong quan hệ đồng minh với Mỹ. Nhật Bản đang mở rộng hiện diện ở khu vực. Còn Ấn Độ là nước đối tác quan trọng trong sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” do Mỹ đề xuất. Vì vậy cuộc tập trận lần này được xem là tín hiệu mạnh mẽ cảnh báo đến những hành động lộng hành của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực. Điều này cũng cho thấy xu hướng liên kết giữa Mỹ và các nước trong việc đối phó với Trung Quốc.

Thứ hai, là lần đầu sau 7 năm tuần duyên Mỹ và Philippines mới lại tuần tra chung ở Biển Đông, điều này khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa hai nước không thể phá vỡ. Mặc dù chính sách cân bằng lợi ích của chính quyền Tổng thống Philippines Duterte có phần lệch hẳn về phía Trung Quốc, song giới quân sự nước này vốn là lực lượng quan trọng ở Philippines vẫn xác định không thể tách rời Mỹ. Đây cũng có thể là tín hiệu mà Philippines gửi đến Trung Quốc trước việc Trung Quốc đang lấn át Philippines ở bãi Scarborough.

Phản ứng của Trung Quốc, Mỹ và các nước khu vực

Phía Trung Quốc phản ứng quyết liệt với hoạt động tập trận chung của các nước, cho rằng Mỹ và các nước vi phạm, đe dọa chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đòi các nước phải dừng các hoạt đông nói trên. Song Hải quân Mỹ nói họ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải như vậy ở các vùng biển quốc tế trên khắp thế giới, ngay cả trong những vùng biển mà các đồng minh của Mỹ tuyên bố chủ quyền, mà không phải cân nhắc tới các vấn đề chính trị. Trong một thách thức riêng rẽ với Bắc Kinh trên các vùng biển ở châu Á, tàu USS William P. Lawrence và một khu trục hạm khác của Mỹ đã đi ngang qua eo biển Đài Loan hồi tháng 4. Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh thuộc lãnh thổ Trung Quốc đang tìm cách tách ra đòi độc lập khỏi Đại lục.

Là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và là quốc gia ven biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”. Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia ven biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới