Monday, January 20, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhật Bản có thể đóng góp những gì trong việc giải quyết...

Nhật Bản có thể đóng góp những gì trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay?

Những biến động trong tình hình Biển Đông đều tác động đến lợi ích của các nước, trong đó có Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, việc Trung Quốc tăng cường quân đội và những đòi hỏi phi lý về chủ quyền ở Biển Đông là một tiền lệ xấu trong việc tranh chấp biển đảo với Nhật Bản. Vậy Nhật Bản có thể đóng góp gì trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay?

Thứ nhất, Nhật Bản có thể tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông. Trước đây, Nhật Bản không muốn thách thức trực tiếp Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, nền hòa bình và ổn định của Biển Đông lại có quan hệ trực tiếp đến lợi ích quốc gia Nhật Bản. Như chúng ta đều biết Nhật Bản hầu như phụ thuộc 95% nguồn dầu lửa nhập khẩu. Trong đó có tới 80% nguồn đầu lửa Trung Đông nhập khẩu vào Nhật Bản phải đi qua Biển Đông. Hơn nữa, nếu Biển Đông mất an ninh, mất ổn định thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ thương mại của Nhật với Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông, châu Âu và cả châu Phi. Nhật Bản hoàn toàn có quyền đòi hỏi mạnh mẽ việc đảm bảo tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông, coi đó là điều tự nhiên và chính đáng, chống lại những hành động làm tổn hại đến an ninh và tự do hàng hải ở khu vực này.

Thứ hai, Nhật Bản có thể ủng hộ quan điểm của ASEAN về việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng phương pháp hòa bình và dựa vào luật quốc tế. Trong chuyển thăm Việt Nam tháng 7/2012, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Gemba Koichiro bày tỏ quan điểm của Nhật Bản là ủng hộ việc đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Trong Thông cáo chung Nhật Bản – Philippines, nhân chuyến đi thăm Nhật của Tổng thống B. Aquino, có ghi rõ: “Biển Đông có vị trí quan trọng kết nối giữa thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hòa bình và ổn định sẽ đem lại lợi ích chung cho cộng đồng quốc tế”. Tổng thống Aquino còn nhấn mạnh “Là 2 quốc gia trên biển, chúng tôi khẳng định có lợi ích ràng buộc trong hợp tác về các vấn đề an ninh hàng hải”.

Thứ ba, Nhật Bản có thể sử dụng các diễn đàn khu vực và quốc tế để khẳng định quyền tự do và an ninh hàng hải trên Biển Đông và ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của ASEAN coi giải quyết vấn đề Biển Đông là công việc của ASEAN chứ không phải của từng nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và phải giải quyết bằng cơ chế đa phương. Trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, có nước trong khối ASEAN, vì quyền lợi trước mắt của nước mình, có những phát ngôn coi vấn đề Biển Đông là của một vài thành viên ASEAN chứ không phải của cả ASEAN và hành động đi ngược lại lợi ích của ASEAN. Nhật Bản ủng hộ sự đồng thuận của ASEAN và kêu gọi ASEAN đoàn kết trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Với sự liên kết chặt chẽ với ASEAN, Nhật Bản có thể đóng góp vào hành động tập thể để gây sức ép với Trung Quốc ngồi vào bàn thương thuyết với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC) và Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông. Thông qua các hội nghị cấp cao với ASEAN, Nhật Bản có thể kêu gọi thực thi “hòa bình và ổn định” ở các vùng biển. Quan điểm của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng cơ chế đa phương không dừng lại ở phạm vi đó mà muốn mở rộng ra cả khu vực Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản có thể biểu thị sự ủng hộ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông ở các của Hội nghị cao cấp Đông Á (EAS) và Diễn đàn hợp   tác   kinh   tế   châu   Á – Thái   Bình   Dương (APEC)… Riêng về an ninh hàng hải ở Biển Đông, Nhật Bản khởi xướng tổ chức Diễn đàn hàng hải ASEAN và mong muốn mở rộng thêm những đối tác đối thoại của khối này như Australia, Ấn Độ và Mỹ. Nhật Bản coi diễn đàn này như một nơi hữu ích để thúc đẩy các khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện hành và phát triển những cơ chế giải quyết tranh chấp cho vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Thứ tư, việc giải quyết vấn đề Senkaku/Điếu Ngư cũng như vấn đề khai thác tài nguyên với Trung Quốc ở biển Hoa Đông của Nhật Bản có khả năng trợ giúp các nước ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Trước đây, Trung Quốc phản   đối   Nhật   Bản,   đòi   trả   lại Senkaku/Điếu Ngư, song do đang tranh thủ viện trợ của Nhật để phát triển kinh tế, hiện đại hóa đất nước nên chỉ dừng lại các tuyên bố phản đối. Sau nhiều năm cải cách mở cửa với tốc độ phát triển nhanh, vào năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Kể từ đó, Trung Quốc tỏ thái độ ngày càng cứng rắn hơn trong quan hệ với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và nhiều vấn đề khác. Các tàu đánh cá và các tàu ngư chính, hải giám của Trung Quốc liên tục vi phạm vùng biển của Nhật Bản và tiến sát đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước những hành động của Trung Quốc, Nhật Bản đã tỏ thái độ cương quyết bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cũng tuyên bố sẵn sàng đáp trả bằng vũ lực nếu Trung Quốc dung vũ lực xâm chiếm đảo. Trước tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông và khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản một mặt tăng cường lực lượng quốc phòng, mua sắm nhiều trang thiết bị quân sự mới như tàu ngầm, tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay tối tân nhất.., mặt khác tăng cường liên minh quân sự với Mỹ, mở rộng hợp tác hải quân với Ấn Độ, Australia và cả ASEAN… Mặc dù, thái độ của Nhật Bản rất kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư nhưng Nhật Bản cũng làm hết sức mình để giữ nguyên tắc hòa bình, không sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp biển đảo. Chính điều này cũng có khả năng giúp giải quyết vấn đề Biển Đông theo nguyên tắc không thỏa hiệp, đa phương và hòa bình của ASEAN.

Tóm lại,hiện nay Nhật Bản đang có vai trò lớn trong việc gải quyết vấn đề Biển Đông theo hướng hòa bình, hợp tác và phát triển thông qua những tuyên bố và hành động để bảo vệ nguyên tắc tự do và an ninh tuyến hàng hải qua biển Đông; liên kết chặt chẽ với Mỹ và các nước khác bảo đảm cho biển Đông được hòa bình và ổn định; giải quyết tốt vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hỗ trợ gián tiếp cách giải quyết hòa bình nhưng không thỏa hiệp của các nước ASEAN đối với vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, khi tình hình biển Đông phát triển theo hướng căng thẳng, dẫn đến xung đột, để phòng chống xung đột lan rộng và duy trì an ninh hàng hải thì việc tăng cường hợp tác của lực lượng phòng vệ ven biển và sau đó là hải quân giữa Nhật Bản và ASEAN là cần thiết. Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác hải quân đa phương giữa Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ… sẽ tăng thêm sức mạnh cho ASEAN trong việc giữ gìn Biển Đông hòa bình và ổn định.

RELATED ARTICLES

Tin mới