Cùng với hàng loạt động thái trên thực địa ở Biển Đông như tuần tra tự do hàng hải, tập trận chung với các nước, Quốc hội Mỹ đang xem xét áp dụng các biện pháp pháp lý để trừng phát trực tiếp đối với các cá nhân, chủ thể từ Trung Quốc do liên quan đến hành động quân sự hoá, bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của nước này ở Biển Đông.
Quốc hội Mỹ xem xét dự luật về hoạt động của TQ ở Biển Đông. Nguồn: AP
Các dự luật của Quốc hội Mỹ được coi là biện pháp hữu hiệu đối với những hành động phi pháp của TQ ở Biển Đông
Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ (23/5) đã trình Quốc hội dự luật trừng phạt các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Dự luật yêu cầu Chính phủ Mỹ tịch thu tài sản tại Mỹ, thu hồi hoặc không cấp thị thực cho bất cứ ai tham gia “hoạt động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” ở Biển Đông. Dự luật cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ cáo báo cho quốc hội 6 tháng một lần, trong đó xác định cá nhân hoặc công ty Trung Quốc liên quan đến hoạt động xây dựng hoặc phát triển dự án ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Các hoạt động dự luật nhắm đến là cải tạo đất, xây đảo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng thông tin di động của Trung Quốc tiến hành trên các thực thể do nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Dự luật được giới thiệu lần đầu vào tháng 3/2017 và cần được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua trước khi được gửi đến Tổng thống Donald Trump để ký thành luật. Cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Andrew Thompson cho biết việc giới thiệu dự luật này cho thấy sự phẫn nộ của lưỡng đảng đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Dự luật cũng thể hiện sự thất vọng của quốc hội khi phản ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ giới hạn trong thực hiện tự do hàng hải.
Dự luật tương tự cũng đã được Quốc hội Mỹ ban hành trước đây nhằm vào các hoạt động của TQ ở Biển Đông
Hồi tháng 8/2018, Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 đã được Quốc Hội Mỹ thông qua, trong đó đề ra các bước cơ bản nhưng quan trọng cho một chiến lược đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc ở Biển Đông. Chương trình này được tuyên bố vào 2015 và sẽ kéo dài đến 2025, nhằm giúp tăng cường năng lực của các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, giúp họ không bị Trung Quốc “đẩy ra khỏi vùng biển tranh chấp” hoàn toàn. Chương trình sẽ hứa hẹn cung cấp 425 triệu USD trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo trong 5 năm. NDAA tài khóa 2019 còn bao gồm cả Bangladesh, Sri Lanka và Ấn Độ. Đặc biệt, NDAA cũng xác định khai trừ vĩnh viễn Trung Quốc khỏi các cuộc tập trận thường niên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã không mời Bắc Kinh tham dự RIMPAC 2018, và NDAA cấm Lầu Năm Góc đảo ngược quyết định trên cho tới khi Trung Quốc ngừng việc xâm lấn ở Biển Đông, và “4 năm liên tục có những hành động để ổn định khu vực” cũng như gỡ bỏ các vũ khí trên các đảo tranh chấp. Quốc hội Mỹ đang gửi đi thông điệp rằng, Washington chưa hề quên vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hay những đồng minh của Mỹ bị liên lụy. Quốc hội Mỹ muốn Nhà Trắng và Lầu Năm Góc sẽ hành động nhiều hơn với vấn đề này.
Những biện pháp đối phó kết hợp công cụ pháp lý của Mỹ đối với hành động của TQ ở Biển Đông
Đưa ra những biện pháp trừng phạt đánh vào những cá nhân có liên quan và giới tinh hoa Trung Quốc nói chung, tăng cường sự hiện diện quân sự ở quanh Biển Đông, tiếp tục hỗ trợ các nước nhỏ nâng cao năng lực trên biển, thực thi quyền tự do hàng hải thường xuyên bên ngoài các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) và tham gia vào các nỗ lực ngoại giao giải quyết tranh chấp là các giải pháp Mỹ cầnxem xét để đối phó với đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Để răn đe hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ có thể áp đặt chế tài đối với các công ty Trung Quốc tham gia bồi đắp đảo và triển khai các máy bay tác chiến điện tử luân phiên đến Philippines để phá sóng lực lượng của Trung Quốc. Mỹ cũng có thể tạm dừng cấp thị thực du học cho con em các quan chức và các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, treo lại chương trình thị thực đầu tư EB-5 cho các công dân Trung Quốc và cho phép các quan chức chạy trốn chiến dịch truy quét tham nhũng mang tên ‘Săn cáo’ của Chính phủ Trung Quốc được trú ẩn ở Mỹ. Điều này sẽ gây áp lực trực tiếp lên giới lãnh đạo Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ có thể công bố báo cáo về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Tân Cương và nêu ra những lập trường có thể của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền này (riêng về Đài Loan, Mỹ đã có lập trường đối với chính sách “Một Trung Quốc” kể từ Thông cáo Thượng Hải năm 1972 cũng như đạo Luật về Quan hệ với Đài Loan năm 1979) và thiết lập Viện Mỹ ở Dharamsala để nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và chính phủ lưu vong Tây Tạng.
Những phản ứng từ Bắc Kinh
Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng dự luật của nhóm nghị sĩ Mỹ đã “vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, quan hệ quốc tế và Trung Quốc kiên quyết phản đối” và kêu gọi phía “Mỹ không tiến hành thảo luận về luật để không gây ra sự gián đoạn mới cho quan hệ hai nước”. Phản ứng của Trung Quốc được cho là không phù hợp do nước này đã đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn lên lãnh hải của các nước trong khu vực. Truyền thông Trung Quốc cho rằng Mỹ đang tìm cách hạn chế sự phát triển và có chính sách thù địch với Trung Quốc. Việc Mỹ tính thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc khiến tình hình thêm phức tạp để can thiệp vào vấn đề khu vực.