Tuesday, November 5, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới“Quyền chủ đạo quan hệ Trung – Mỹ hiện đang nằm trong...

“Quyền chủ đạo quan hệ Trung – Mỹ hiện đang nằm trong tay người Mỹ“

“Quyền chủ đạo quan hệ Trung – Mỹ hiện đang nằm trong tay người Mỹ, họ muốn phát động cuộc chiến tranh gì thì phát động; họ muốn cái gì thì có thể nêu ra, nhưng ta có cho hay không, có thể cho hay không lại là chuyện khác. Hiển nhiên, nhiều đòi hỏi của Mỹ là đơn phương, không hợp lý”- GS Chu Thành Hổ, Viện trưởng Học viện Phòng vệ thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Trong bối cảnh Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ hiện nay, quan hệ hai nước trở nên khó đoán định

Giáo sư Chu Thành Hổ, sinh 1952, Thiếu tướng, Viện trưởng Học viện Phòng vệ thuộc Đại học Quốc phòng là một nhà lý luận nổi tiếng ở Trung Quốc thường xuất hiện trên các diễn đàn của các đài truyền hình, các trang báo điện tử. Ông là cháu ngoại của cố nguyên soái Chu Đức (cha là Lưu Tĩnh, một quan chức ngoại giao, mẹ là Chu Mẫn, con gái Chu Đức; tên thật là Lưu Kiến, Chu Thành Hổ là tên do ông ngoại Chu Đức đặt cho). Mới đây ông đã trả lời phỏng vấn của trang tin Đa Chiều về Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ và các vấn đề xung quanh quan hệ Trung – Mỹ cũng như đối phó của Trung Quốc. Bài được đăng trên Đa Chiều ngày 26.5, nguyên văn đầu đề là “Đi sâu lý giải: phía sau cuộc chiến mậu dịch, “đại cục” của Thời đại Tập Cận Bình sẽ ra sao”. VietTimes xin chuyển ngữ để bạn đọc tham khảo.

Qua việc Mỹ truy đánh đến cùng người khổng lồ viễn thông Trung Quốc – Công ty Huawei, có thể nhận thấy: sự thực mà cuộc chiến mậu dịch đại diện không chỉ là va chạm giữa hai nước Trung – Mỹ trong lĩnh vực mậu dịch. Mấy ngày gần đây, phía Mỹ gây sức ép đến giới hạn cực điểm với khí thế toàn bộ chuỗi ngành nghề vây đánh Trung Quốc; phía Trung Quốc thì kích nộ công chúng, tạo dư luận đáp trả mạnh mẽ. Thiếu tướng quân đội Chu Thành Hổ khi trả lời phỏng vấn Đa Chiều đã bày tỏ: hơn một năm qua, quyền quyết định có đánh chiến tranh thương mại hay không thực ra đã không nằm trong tay Trung Quốc; điều Trung Quốc có thể làm chỉ là cố gắng kìm hãm cuộc chiến leo thang, vì thực chất quan hệ Trung – Mỹ hiện nay là vấn đề quốc gia bá quyền đối phó như thế nào với một quốc gia trỗi dậy.

Đa Chiều: Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nhìn bề ngoài là Mỹ tiến hành nhằm tới mục tiêu trực tiếp được gọi là xóa bỏ nền mậu dịch không công bằng; nhưng phía sau kỳ thực là để Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây có một bài viết gây ảnh hưởng rất rộng là diễn thuyết về chiến tranh thương mại Trung – Mỹ của ông Long Vĩnh Đồ (cựu Thứ trưởng Ngoại giao, Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao – ND). Ông ấy dẫn thuật luận thuyết “tam quan” của Tập Cận Bình về nhìn nhận cục diện thế giới đưa ra tại Hội nghị công tác đối ngoại trung ương, tức là: quan điểm lịch sử, quan điểm vai trò và quan điểm đại cục.

Xét từ góc độ quan điểm lịch sử, quan hệ Trung – Mỹ về cơ bản là ổn định. Long Vĩnh Đồ còn đặc biệt nhắc đến việc ông Đặng Tiểu Bình từng nói “Phàm nước nào quan hệ tốt với Mỹ đều giàu lên”. Xét từ quan điểm vai trò, Trung Quốc sau mấy chục năm phát triển, địa vị đã nhảy lên “nhị ca” (đứng thứ 2) toàn cầu. Từ xưa đến nay, vị trí “nhị ca” luôn khó nhằn nhất; mặc dù Trung Quốc luôn nhấn mạnh bất kể Trung Quốc phát triển đến trình độ nào cũng đều không trở thành mối đe dọa đối với bất cứ bên nào. Nhưng sự thực là, sự đe dọa và thách thức (của Trung Quốc) là điều ai cũng thấy rõ, không thể thay đổi bằng ý chí của bản thân, đúng như ông từng nói, cuộc chiến mậu dịch không phải là vấn đề Trung Quốc muốn đánh hay không. Xuất phát từ ba quan điểm đó, ông lý giải thế nào về sự tự định vị của Trung Quốc trong quan hệ Trung – Mỹ hiện nay?

Giáo sư Chu Thành Hổ: Xét về quan điểm lịch sử, cách nghĩ của Đặng Tiểu Bình về quan hệ Trung – Mỹ rất đúng. Ai (nước nào) quan hệ tốt với Mỹ thì đều phát triển; nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, cũng có nhiều quốc gia có quan hệ tốt với Mỹ, nhưng Mỹ không dẫn dắt họ phát triển, đó là một sự thật khách quan. Trung Quốc phát triển đến trình độ như hiện nay, có một nguyên nhân rất lớn là được hưởng lợi từ Mỹ: một là tiền vốn của Mỹ, hai là công nghệ của Mỹ, ba là thị trường Mỹ, bốn là học tập cách quản lý và kinh nghiệm của Mỹ.

Là người Trung Quốc, là người theo chủ nghĩa duy vật thì không được phủ nhận điều này. Đó là lịch sử của quan hệ Trung – Mỹ. Nhưng, xét từ lịch sử quan hệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ Hai thì Mỹ không bỏ qua cho bất cứ một “nhị ca” nào. Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vai trò (của Trung Quốc) đã có sự thay đổi về chất, hơn nữa lại đang phát triển với tốc độ cao, đã tạo thành mối đe dọa với Mỹ trên nhiều mặt. Nếu chúng ta vẫn cứ hy vọng quá đáng vào việc Mỹ ủng hộ Trung Quốc phát triển như 30 năm cải cách mở cửa trước đây thì e rằng đó chỉ là mơ tưởng hão huyền.

Tôi đã đọc kỹ bài nói của tiên sinh Long Vĩnh Đồ, rất nhiều học giả trong nước có quan điểm giống ông ấy. Tôi cũng tán thành nhiều quan điểm của ông ấy. Nhưng, vấn đề hiện nay là, quyền chủ đạo quan hệ Trung – Mỹ không ở trong tay người Trung Quốc, không phải người Trung Quốc muốn giữ gìn đại cục quan hệ Trung – Mỹ là giữ được, không phải Trung Quốc muốn đóng vai trò gì cũng được. Đại cục trong mắt người Trung Quốc chưa chắc đã là đại cục trong mắt người Mỹ. Dĩ nhiên, đại cục của Trung Quốc là vẫn phát triển, quan hệ Trung – Mỹ chỉ là một quân cờ quan trọng ảnh hưởng đến đại cục ấy.

Tôi cho rằng, việc cấp bách hiện nay là tiến hành định tính, định vị, định hướng lại quan hệ Trung – Mỹ. Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ là gì? Mục tiêu chiến lược với Trung Quốc của họ là gì? Cần xem xét lại một số nguyên tắc chỉ đạo quan hệ Trung – Mỹ phát triển trước đây nay còn thích hợp hay không? Ví dụ, kinh tế mậu dịch có còn là hòn đá tảng trong quan hệ Trung – Mỹ hay không? Quan hệ Trung – Mỹ dù vẫn tốt thì  cũng tốt đến mức thế nào? Xấu cũng không xấu đến mức ra sao? Có cần vẫn kiên trì nguyên tắc đấu tranh nhưng không phá bỏ? Trung Quốc có cần tiếp tục ẩn mình chờ thời nữa không? Thỏa hiệp và nhượng bộ liệu có kéo được quan hệ Trung – Mỹ trở lại với mức như thời kỳ Barak Obama nắm quyền chứ đừng nói đến mức như thời kỳ những năm 1980.

Đa Chiều: Trong cuộc chiến đàm phán mậu dịch giằng co Trung – Mỹ, rất nhiều cú giao đấu thực ra chỉ là chơi trò tâm lý chiến. Trước đây rất nhiều nhân sỹ phân tích cho rằng, Donald Trump giỏi về “nghệ thuật giao dịch”, tức trước khi đàm phán thì nêu ra cái giá vượt quá sự chuẩn bị tâm lý của đối phương, sau đó trong quá trình đàm phán dần dần trở về với thực tế, khiến kết quả luôn ngả về phía có lợi cho ông ta. Nhưng có một sự thay đổi đáng chú ý ở lần này là: trước vòng đàm phán lần thứ 11, ông ta đe dọa tăng thuế và lập tức thực hiện ngay, đã vượt quá phạm vi của sự uy hiếp.

Giáo sư Chu Thành Hổ: Những người (Trung Quốc) chủ trương nhượng bộ đều cho rằng Donald Trump “sấm to mưa nhỏ”, nhưng lần này thì mưa có nhỏ không? Tăng thuế 250 tỷ USD  cũng đã rõ ràng (nguyên văn: rạch ròi vàng, bạc); sau đó lại còn muốn đánh thuế tiếp với hơn 300 tỷ USD hàng hóa nữa. Ngày 15.5, ông Trump đã ký Mệnh lệnh hành chính, cấm Huawei tiếp xúc với công nghệ của các công ty Mỹ, đã chặt đứt mối liên hệ công nghệ cao. Điều đó cho thấy, cuộc chiến mậu dịch giữa Trung Quốc và Mỹ đã phát triển thành cuộc chiến công nghệ cao toàn diện. Tên gọi của hành động này của Mỹ là tranh đoạt công nghệ 5G, nhưng trên thực tế là muốn khiến Trung – Mỹ không còn gắn với nhau trong lĩnh vực công nghệ cao. Đương nhiên, không thể xem thường một sự thực là: nếu đa số các quốc gia trên thế giới sử dụng thiết bị của Huawei thì Mỹ sao có thể xem xét việc dùng thiết bị viễn thông để nghe trộm, xem trộm nước khác, trong đó có các nước đồng minh của họ được nữa?

Cách nghĩ dùng nhượng bộ để đổi lại sự ổn định quan hệ Trung – Mỹ ban đầu là tốt, trước đây có thể, đã đổi được thời cơ; nhưng hiện nay lực lượng hai nước Trung, Mỹ đã xảy ra biến đổi, sinh thái chính trị ở Mỹ cũng xảy ra biến đổi rất lớn. Mấu chốt của vấn đề là, ai có thể nói chắc Mỹ muốn gì. Quyền chủ đạo quan hệ Trung – Mỹ hiện đang nằm trong tay người Mỹ, họ muốn phát động cuộc chiến tranh gì thì phát động; họ muốn cái gì thì có thể nêu ra, nhưng ta có cho hay không, có thể cho hay không lại là chuyện khác. Hiển nhiên, nhiều đòi hỏi của Mỹ là đơn phương, không hợp lý. Chúng ta có thể chấp thuận toàn bộ hay sao? Ở đây còn có vấn đề đối đẳng (cân bằng nhau) nữa. Yêu cầu Trung Quốc đối đẳng, nhưng Mỹ có đối đẳng không? Mỹ có cho phép tiền vốn của Trung Quốc gửi vào ngân hàng Mỹ không? Mỹ có bãi bỏ trợ cấp cho nông nghiệp không? Mỹ yêu cầu cải cách chế độ sở hữu của các công ty quốc doanh thì chúng ta lấy gì để làm những việc lớn?

Nếu đúng như điều ông hỏi, rất nhiều người cho rằng cuộc chiến tranh lạnh Trung – Mỹ đã bắt đầu. Tôi cho rằng có thể nói như thế. Bởi vì một số “túi khôn” quan trọng của chính phủ Donald Trump muốn kéo đổ Trung Quốc như thời kỳ chiến tranh lạnh để đạt được mục đích duy trì địa vị bá chủ thế giới của họ. Nhưng, quan trọng là nay không thể lặp lại lịch sử chiến tranh lạnh Mỹ – Xô trước đây. Đặc điểm của chiến tranh lạnh Mỹ – Xô là sự đối kháng ý thức hệ, đối kháng hai khối, đối kháng quân sự, tiến hành chạy đua quân bị toàn diện, về cơ bản hai bên không giao lưu kinh tế. Còn trong cái gọi là chiến tranh lạnh mới, sự đối kháng về ý thức hệ vẫn tồn tại, sự đối kháng quân sự chỉ có thể tiến hành ở khu vực liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, chạy đua quân bị không thể mất kiểm soát, Trung Quốc sẽ không mưu cầu ưu thế tuyệt đối.

Một số người ở Mỹ định tách khỏi Trung Quốc về kinh tế và công nghệ cao. Suy nghĩ đó là ấu trĩ và không thực tế. Liên hệ kinh tế Trung – Mỹ chặt chẽ như thế này, thực sự tách rời nhau là rất khó. Mức độ phụ thuộc lẫu nhau về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc là rất cao, cũng không thể hoàn toàn tách khỏi nhau được; Mỹ không làm được và cũng không có được ngành chế tạo, hệ thống nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh như Trung Quốc. Cứ cho là công nghệ Mỹ rất ưu tú, nhưng không có hệ thống công nghiệp chế tạo hoàn chỉnh thì cũng khó phát huy được tác dụng lớn nhất. Cục diện có thể xuất hiện là, họ cho rằng có thể ngăn cản Trung Quốc có được công nghệ và sự phát triển quan trọng; họ muốn có nhưng không thể có được những thứ từ những nước khác, họ vẫn phải mua của Trung Quốc. Tôi khá bi quan về tương lai quan hệ Trung – Mỹ, nhưng cho rằng quan hệ Trung – Mỹ sẽ không đến mức đi tới một cuộc chiến tranh toàn diện.

Đa Chiều: Ông từng nói đến một ưu thế của Mỹ là có hệ thống đồng minh rất rộng; tuy Trung Quốc theo đuổi chính sách không liên kết nhưng cũng đang tích cực trong việc tìm kiếm quan hệ đối tác. Trung Quốc có ý đồ xây dựng một kiểu quan hệ đồng minh tương đối mềm, dùng giao lưu kinh tế, văn hóa để thúc đẩy quan hệ. Đại hội đối thoại văn minh châu Á họp tháng 5 vừa qua có vẻ để phục vụ cho mục tiêu đó. Trung Quốc có một hệ thống tư duy và bố cục ngoại giao, tích cực tìm kiếm đối tác, nhưng không có ý xây dựng kiểu quan hệ đồng minh theo ý nghĩa truyền thống.

Giáo sư Chu Thành Hổ: Chính sách của Trung Quốc là “kết bạn bất kết minh”, Trung Quốc đã xây dựng nhiều mối quan hệ đối tác, nhưng đều không mang tính chất đồng minh quân sự; cái gọi là tính chất đồng minh quân sự tức là khi đồng minh bị xâm phạm thì đồng minh có nghĩa vụ sử dụng vũ lực bảo vệ  lợi ích cốt lõi của nước bị xâm phạm; đương nhiên giữa các nước đồng minh với nhau lúc thường cũng có rất nhiều hoạt động hỗ trợ nhau. Trung Quốc không có đồng minh kiểu như thế, Trung Quốc chỉ có đối tác về mặt đạo nghĩa; cho nên Trung Quốc chiếm được cao điểm kiểm soát về đạo đức. Mỹ hiện nay ra sức quảng bá chủ nghĩa đơn phương, Trung Quốc thì đề xướng chủ nghĩa đa phương, đề xướng cùng phát triển, cùng giàu có, cùng an toàn, hình thành sự tương phản rất rõ với Mỹ.

Đa Chiều: Có thể thấy, ông Tập Cận Bình có tư duy cốt lõi về bố cục ngoại giao và tuần tự nhi tiến, xử lý quan hệ với các nước khác nhau, cách thức cũng khác nhau. Với sự quan sát của ông, đại cục ngoại giao  mấy năm tới của Trung Quốc sẽ “mưu” (tìm kiếm) thế nào? Mấy năm tới liệu có những biến đổi đột xuất gì?

Giáo sư Chu Thành Hổ: Tôi cho rằng trong mấy năm qua Trung Quốc đã có những biến đổi rõ rệt về ngoại giao; rõ nhất là từ song phương đến đa phương. Gần đây Trung Quốc đứng ra chủ trì nhiều hoạt động ngoại giao lớn, như Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Quỹ Con đường Tơ lụa, Diễn đàn Trung Quốc – châu Phi và Diễn đàn Trung Quốc – Pakistan…Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không coi trọng quan hệ song phương Trung – Mỹ. Trước đây Trung Quốc bỏ ra 60% tinh lực ngoại giao cho mối quan hệ với Mỹ, hiện nay đa phương cũng trở nên quan trọng.

Đa Chiều: Trung Quốc không phải không suy nghĩ đến việc sau khi Trung Quốc trỗi dậy cần phải xử lý quan hệ Trung – Mỹ như thế nào. Ông Tập Cận Bình sau Đại học 18 ít lâu đã đề ra khái niệm quan hệ nước lớn kiểu mới, thông qua cấu trúc quan hệ nước lớn kiểu mới để ổn định quan hệ Trung – Mỹ, nhưng có vẻ Mỹ không chấp nhận.

Giáo sư Chu Thành Hổ: Mỹ không đếm xỉa và cũng không chấp nhận. Thay đổi ngoại giao rõ rệt thứ hai của Trung Quốc là coi trọng xung quanh. Trong nước từng có người oán trách Trung Quốc không có “Thiết ca môn” (anh em chí cốt) trong số các quốc gia ở xung quanh; quan điểm thô thiển đó không thể chấp nhận. Bởi vì bản chất quan hệ giữa các quốc gia là quan hệ lợi ích, không thể giống như anh em. Thêm nữa, không phải Trung Quốc không có anh em chí cốt. Khi xảy ra động đất ở Vấn Xuyên, Pakistan đã chở tới Trung Quốc tất cả số lều bạt trong nước có thể sử dụng được; nếu quan hệ không tốt thì rất khó làm được điều đó.

Đáng chú ý hơn là, mấy năm nay trong quan hệ với láng giềng xung quanh, các vấn đề lớn đều đã cơ bản được giải quyết. Trung Quốc và nhiều quốc gia xung quanh đều đã xây dựng cơ chế đối thoại chiến lược, có lợi cho việc tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Đồng thời, quân đội Trung Quốc và quân đội các nước xung quanh đều đã tiến hành hợp tác diễn tập các kiểu khác nhau, rất có lợi cho việc ổn định cục diện xung quanh. Trong quan hệ kinh tế, mậu dịch với các nước xung quanh, kim ngạch tăng dần từng năm, đầu tư song phương cũng gia tăng. Trong các vấn đề điểm nóng khu vực cũng có nhiều tiến triển tích cực. Quan hệ Trung-Nhật cũng đang cải thiện, cho nên tôi cho rằng ngoại giao của Trung Quốc với xung quanh mấy năm gần đây đã giành được thành tựu rất rõ rệt.

Về quan hệ nước lớn kiểu mới, khái niệm này đã bị Mỹ bóp méo. Chủ trương này thực tế là được đề ra để duy trì quan hệ nước lớn ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước lớn phát triển. Lúc mới đề ra, phía Mỹ đã cử rất nhiều học giả đến Trung Quốc tìm hiểu nội hàm của quan hệ nước lớn kiểu mới và các vấn đề liên quan. Nhưng tình hình tốt đẹp đó không kéo dài, chỉ ít lâu sau Mỹ không phụ họa quan hệ nước lớn kiểu mới nữa, thậm chí nội bộ họ cho rằng, quan hệ nước lớn kiểu mới là Trung Quốc nhằm chia sẻ quyền lãnh đạo của Mỹ, cùng Mỹ cai trị thế giới. Nếu lý giải quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Trung – Mỹ như thế thì liệu hai bên có tìm được tiếng nói chung hay không?

Đa Chiều: Đúng như ông nói, ví dụ như “bất chiến nhi khuất nhân chi binh” (không đánh mà khuất phục được quân đội nước khác) trong xử lý xung đột biên giới Trung – Ấn, hay “Ổn tọa Điếu Ngư Đài” (ngồi chờ ở Điếu Ngư Đài) trong việc xử lý quan hệ Trung – Triều, có thể nói đều đã phá được bế tắc, linh hoạt biến thông.

Giáo sư Chu Thành Hổ: Tính khác biệt của các quốc gia xung quanh rất  lớn, có yêu cầu khác nhau với Trung Quốc, yêu cầu của Trung Quốc với các nước xung quanh cũng khác nhau; cho nên không thể dùng một mô thức để giải quyết các vấn đề khác nhau, ngoại giao với xung quanh cần phải phù hợp thực tế; như vậy mới có lợi cho việc thực hiện cùng phát triển với các nước xung quanh.

Sự biến đổi thứ ba trong ngoại giao Trung Quốc gần đây, cũng là thay đổi lớn nhất, theo tôi là: trước đây là ẩn mình chờ thời, hiện nay là hăng hái hành động. Có người nghi vấn, vì sao Trung Quốc không ẩn mình chờ thời nữa? Đó là vì điều kiện để Trung Quốc ẩn mình chờ thời không còn nữa. Đương nhiên tôi không tán thành thủ đoạn tuyên truyền kiểu khua chiêng gõ mõ như phim “Lợi hại thay, đất nước ta”, khuếch trương quá mức một số thành tựu mà Trung Quốc đạt được trên một số mặt.

Thực tế là Trung Quốc đã trở thành “nhị ca” và cung cấp nhiều sản phẩm công cộng cho thế giới. Sáng kiến “Vành đai, con đường” chính là sản phẩm công cộng lớn nhất mà Trung Quốc dành cho thế giới, được rất nhiều quốc gia hoan nghênh. Ngoại trừ số ít quốc gia không muốn tham gia, trong nội bộ các quốc gia không muốn tham gia cũng có bất đồng. Trong nội bộ Nhật có bất đồng, không muốn gọi là “Vành đai, con đường”, mà gọi là Trung, Nhật hợp tác bên thứ 3. Dù dùng từ thế nào thì nội dung vẫn giống nhau, thực sự phản đối “Vành đai, con đường” có lẽ chỉ có mỗi nước Mỹ.

Ấn Độ cũng khả năng không thích “Vành đai, con đường”, nhưng tuyệt đại đa số các quốc gia đều là thành viên của “Vành đai, con đường”. “Vành đai, con đường” rõ ràng khiến Mỹ lo ngại; ngoài ra cũng có một số sản phẩm chung vốn do Mỹ cầm đầu như Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mục đích là nhằm cô lập Trung Quốc, nhưng không ngờ sau khi Donald Trump lên cầm quyền đã tự tay xé bỏ hiệp định. Sau đó Nhật liền bắt tay tổ chức lại Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng ý nghĩa đã hoàn toàn khác.

TPP do Mỹ chủ đạo tuyệt đối là dùng để đối phó Trung Quốc, vì Mỹ cho rằng sau khi Trung Quốc gia nhập WTO đã lên được chuyến tàu phát triển kinh tế, không thể tiếp tục để Trung Quốc “đáp tàu”nữa.

Tiêu chuẩn của TPP rất cao, yêu cầu rất chặt chẽ; rất nhiều quốc gia đều không đạt chuẩn. Điều then chốt hơn là, Mỹ cũng không đối xử bình đẳng với các nước tham gia về mặt tâm lý. Trái lại, sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc lại cùng kinh doanh, cùng xây dựng, cùng hưởng với các nước khác. Hội nghị thượng đỉnh “Vành đai, con đường” có người lãnh đạo rất nhiều nước đến dự, mục đích là mong có được đầu tư từ Trung Quốc giúp họ phát triển; điều này Mỹ làm không được. Cho nên, cung cấp sản phẩm công cộng, ở mức độ nhất định đã có tác dụng phân hóa thế trận của Mỹ. Bất kể về chủ quan Trung Quốc có ý định đó hay không, nhưng cũng khiến Mỹ lo lắng.

RELATED ARTICLES

Tin mới