Một bài xã luận được Tân Hoa Xã đăng tải ngày 26/5 nói rằng các yêu cầu mà Mỹ đặt ra đối với Trung Quốc là một sự xâm phạm đến “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc chỉ trích Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại với ý đồ chính trị (ảnh YouTube)
Khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng hướng trọng tâm vào cách đối xử của Bắc Kinh đối với các công ty nước ngoài, Bắc Kinh lại cho rằng những lời than phiền của Mỹ về mô hình kinh tế của họ là một sự xâm phạm đến “lợi ích cốt lõi”.
Bắc Kinh muốn hàm ý rằng những vấn đề này không bao giờ được phép đặt lên bàn đàm phán.
Trước đây, thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” khá mơ hồ thường được Bắc Kinh sử dụng để khẳng định những yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, chẳng hạn như chủ quyền đối với Đài Loan. Nhưng một bài xã luận được đăng tải trên Tân Hoa Xã ngày 26/5 đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp để thay đổi mô hình kinh tế.
Bài báo bằng tiếng Trung của Tân Hoa Xã viết rằng Hoa Kỳ đã thực hiện 5 bước đi gây tổn hại đến sự phát triển nền kinh tế toàn cầu khi khơi mào một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn nhất châu Á.
“Trên bàn đàm phán, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều yêu cầu kiêu ngạo, trong đó có việc đòi Trung Quốc phải hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp quốc doanh. “Rõ ràng điều này vượt ra khỏi phạm vi đàm phán thương mại và đụng chạm đến mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc”, trích một đoạn trong xã luận của Tân Hoa Xã.
“Điều này chứng tỏ, đằng sau cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ phát động chống lại Trung Quốc, là một sự vi phạm đến chủ quyền kinh tế của Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải làm tổn hại đến lợi ích cốt lõi của chính mình”, bài xã luận có đoạn viết.
Các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc hiện đang giữ vai trò kiểm soát các ngành kinh tế cốt yếu như năng lượng, viễn thông và quốc phòng. Vì các công ty quốc doanh được hưởng lợi từ các chính sách và trợ cấp của nhà nước, nên các công ty nước ngoài đã lên tiếng than phiền về sự đối xử không công bằng. Tranh chấp thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tập trung vào các cáo buộc chính phủ Trung Quốc cưỡng ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, và đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Các nhà phê bình nói rằng Trung Quốc đã được hưởng lợi từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 mà không cần tuân thủ các cam kết nhằm hạn chế sự kiểm soát của nhà nước [đối với các công ty lớn]. Về phần mình, Bắc Kinh đã nỗ lực để mở rộng vai trò của nền kinh tế tư nhân, cho phép công ty nước ngoài tiếp cận nhiều hơn. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng bước đi này của Bắc Kinh là quá ít, quá chậm.
Lợi ích cốt lõi
Chính phủ Trung Quốc có xu hướng đề cao sự tiến bộ dần dần trong các lĩnh vực kinh tế, trong khi đưa ra một đường lối cứng rắn trong vấn đề địa chính trị. Bài xã luận của Tân Hoa Xã đã cho chúng ta thấy Bắc Kinh đang mở rộng đường lối cứng rắn của mình sang cả lĩnh vực công nghệ và kinh tế.
Vào tháng Giêng năm ngoái, Tân Hoa Xã đã đăng tải một đoạn bình luận bằng tiếng Anh với nội dung: “Toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Hồng Kông, Macao, Đài Loan và Tây Tạng đều là những phần không thể thiếu của Trung Quốc. Đây là một thực tế không thể chối cãi”. Thậm chí bài báo này còn phê phán gay gắt việc công ty Marriott trong một bảng câu hỏi trưng cầu ý kiến đã liệt kê 4 vùng lãnh thổ nói trên như những quốc gia riêng biệt [không thuộc Trung Quốc].
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã khẳng định lại lập trường này.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng trước đây Trung Quốc cũng đã nói phát triển kinh tế là một trong những lợi ích cốt lõi của đất nước.
Vào tháng 9/2011, khi ông Hồ Cẩm Đào còn giữ chức Chủ tịch Trung Quốc, nước này đã phát hành Sách trắng về “Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”. Văn bản này tuyên bố rằng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao gồm: “chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết dân tộc, sự ổn định của hệ thống chính trị và xã hội nói chung được thiết lập bởi Hiến pháp Trung Quốc và bảo đảm cho sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững”.
Trung Quốc cũng có truyền thống sử dụng thuật ngữ tiếng Anh rất lỏng lẻo. Chủ tịch đương nhiệm của Trung Quốc là ông Tập Cận Bình từng có kế hoạch xây dựng một cơ sở hạ tầng rộng lớn tại nhiều quốc gia giúp cho việc thông thương trở nên thuận lợi. Thuật ngữ mà ông Tập Cận Bình dùng khi đó là “One Belt, One Road” (Một vành đai, Một con đường). Nhưng nó đã khiến người ta liên tưởng đến việc Trung Quốc muốn dùng chương trình này để tăng cường sự thống trị trên toàn cầu. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã đổi thuật ngữ này thành “Belt and Road Initiative” (Sáng kiến Vành đai và Con đường) – ngụ ý rằng Trung Quốc đang dẫn đầu chứ không thống trị.
Nhưng Trung Quốc vẫn chưa minh bạch về mục đích thực sự của sáng kiến nói trên. Các nhà phân tích cho rằng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” không chỉ là sự mở rộng về hạ tầng, mà lãnh đạo Trung Quốc đang muốn thống trị cả về công nghệ và sức mạnh toàn cầu.