Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNa Uy ủng hộ Việt Nam duy trì hòa bình, ổn định...

Na Uy ủng hộ Việt Nam duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông

Trong chuyến thăm Na Uy, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Na Uy Tone Troen nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi quan điểm về một số vấn đề cùng quan tâm, trong đó có diễn biến tình hình Biển Đông.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg (24/5), Hai Thủ tướng đánh giá quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước đang phát triển tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên; cho rằng hợp tác song phương trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực lâm nghiệp, môi trường, thủy hải sản, năng lượng tái tạo, vận tải biển và đóng tàu. Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trong đó Na Uy là nước điều phối đàm phán; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng mặt trời, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, kinh tế biển xanh, trong đó hai bên thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao chất lượng hải sản của nhau…

Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Na Uy Tone Troen, lãnh đạo hai nước nhất trí rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước còn nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực. Chủ tịch Quốc hội Tone Troen đánh giá cao Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) về xóa đói giảm nghèo và khẳng định Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này; nhất trí trong thời gian tới quốc hội hai nước tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng, giám sát và thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA).

Trong vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Na Uy Tone Troen nhất trí việc cùng nỗ lực duy trì hòa bình, đảm bảo tự do, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trong những năm gần đây, tuy không có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Na Uy đã tích cực thể hiện sự quan ngại đối với những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Na Uy Anniken Huitfeldt (6/2014) từng bày tỏ sự quan tâm đối với tình hình Biển Đông, sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014 và khẳng định luật pháp quốc tế phải là cơ sở để giải quyết các tranh chấp quốc tế hiện nay, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm Việt Nam (16 – 18/04/2015), Thủ tướng Na Uy Erna Solberg quan ngại những diễn biến trên Biển Đông, song khẳng định Na Uy không đứng về bên nào mà muốn giải quyết vấn đề mang tính hòa bình. Bà Erna Solberg nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như việc các bên liên quan cần sớm thỏa thuận Bộ Quy tắc ứng xử (COC); nhấn mạnh Na Uy mong muốn các bên của tranh chấp tìm kiếm các giải pháp mang tính hợp tác và hòa bình để giải quyết những tranh chấp này trong khuôn khổ pháp luật quốc tế, công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển; tin tưởng rằng việc xây dựng và hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc sẽ góp phần đáng kể vào việc làm giảm những căng thẳng trong khu vực. Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước cũng tái khẳng định cam kết tôn trọng và tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, thịnh vượng và thúc đẩy an ninh, an toàn và hợp tác hàng hải, tự do hàng hải, hàng không, thương mại, chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Được biết, Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971. Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh hai nước sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021). Hợp tác thương mại-đầu tư, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Na Uy năm 2018 đạt 363 triệu USD so với mức 354 triệu USD năm 2017. Hiện cộng đồng người Việt tại Na Uy có khoảng hơn 20.000 người (đông nhất tại Bắc Âu).

Hiện Na Uy có 41 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 166 triệu USD, xếp thứ 41/130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Na Uy chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế biến gỗ, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; nông lâm nghiệp, thủy sản, thông tin và truyền thông. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy gồm: Hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Na Uy các mặt hàng, như: Hàng thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phân bón các loại, các sản phẩm hóa chất, sắt thép.

Cho đến nay, Na Uy đã cung cấp 320 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam và là một trong số ít các nước còn duy trì hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực môi trường, giáo dục, quản lý kinh tế, cải cách hành chính, rà phá bom, mìn… Các dự án do Na Uy tài trợ cũng đang được triển khai hiệu quả, góp phần giúp Việt Nam hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới