Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm kiếm ngân sách liên bang mới để tăng cường sản xuất đất hiếm trong nước và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, giữa bối cảnh Bắc Kinh cân nhắc tung ra “át chủ bài” trong cuộc thương chiến.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một nhà máy sản xuất đất hiếm ở Trung Quốc hồi tuần trước. Ảnh: Tân Hoa xã
Đề xuất của Lầu Năm Góc đã được phác thảo trong một báo cáo gửi tới Nhà Trắng và thông báo trước Quốc hội – trung tá không quân Mike Andrews, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay hôm 29.5.
Đất hiếm là một nhóm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng, từ iPhone đến động cơ xe điện, và trong các thiết bị quân sự quan trọng như động cơ phản lực, vệ tinh và laser.
Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng vị trí là nước sản xuất và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới làm đòn bẩy trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Từ năm 2004 đến 2017, Trung Quốc chiếm 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu. Rất ít nhà cung cấp thay thế có thể cạnh tranh với Trung Quốc – quốc gia sở hữu 37% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.
Ngày 29.5, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra nhiều bài viết dọa cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Trong một bài bình luận, Tân Hoa Xã lưu ý: “Tiến hành một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc , Mỹ có nguy cơ mất nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng để duy trì sức mạnh công nghệ của họ”.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói với Reuters: “Bộ Quốc phòng đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổng thống, Quốc hội và ngành công nghiệp Mỹ để cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ trong thị trường khoáng sản”.
Ông Andrews không cung cấp chi tiết, nhưng cho biết báo cáo được gửi đi có liên quan đến một chương trình liên bang được thiết kế để tăng cường khả năng sản xuất nội địa thông qua những ưu đãi kinh tế mục tiêu.
Lầu Năm Góc đã nhiều lần nêu quan ngại về sự phụ thuộc của Mỹ vào đất hiếm Trung Quốc, bao gồm báo cáo năm 2018 về những hạng mục dễ tổn thương trong nền công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Lầu Năm Góc cho biết, báo cáo mới nhất là báo cáo Dự luật sản xuất quốc phòng III về đất hiếm. Theo website Lầu Năm Góc, chương trình này cho Tổng thống Mỹ “quyền hạn rộng lớn để đảm bảo kịp thời có nguồn lực công nghiệp thiết yếu trong nước nhằm hỗ trợ các yêu cầu quốc phòng và an ninh nội địa, thông qua việc sử dụng các ưu đãi kinh tế phù hợp”.
Lầu Năm Góc chiếm khoảng 1% nhu cầu đất hiếm của Mỹ, tương đương với khoảng 9% nhu cầu đất hiếm trên toàn thế giới – theo báo cáo năm 2016 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ.
Các tập đoàn Raytheon Co, Lockheed Martin Corp và BAE Systems Plc đều chế tạo tên lửa hiện đại sử dụng kim loại đất hiếm trong các hệ thống dẫn đường và cảm biến.
Khoáng sản đất hiếm cũng cần thiết trong các thiết bị quân sự khác như động cơ máy bay phản lực, laser và thiết bị nhìn trong đêm.
Mỏ Mountain Pass ở California là nơi khai thác đất hiếm duy nhất của Mỹ còn hoạt động. Tuy nhiên, khoảng 50.000 tấn đất hiếm khai thác ở mỏ này mỗi năm đều được chuyển đến Trung Quốc để xử lý.