Ngày 28/5, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Sách Trắng về khoa học và công nghệ năm 2019, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện năng lực nghiên cứu cơ bản của nước này.
Trong Sách Trắng, Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản, và coi đây là nền tảng cho sự phát triển của xã hội và có thể đem lại các giá trị mới cho xã hội cũng như cuộc sống của người dân trong tương lai. Tokyo cũng thừa nhận vị trí của Nhật Bản trên trường quốc tế liên quan tới số lượng các báo cáo khoa học có chất lượng cao đã suy giảm trong những năm gần đây, đồng thời cảnh báo sự hiện diện của Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có thể sẽ tiếp tục giảm thêm.
Theo đài NHK, có nhiều số liệu cho thấy nghiên cứu cơ bản của Nhật Bản đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Trước hết, mặc dù ngân sách dành cho khoa học-công nghệ của Nhật Bản lên tới 3.800 tỷ yên (33,8 tỷ USD) trong năm 2018, cao nhất từ trước tới nay, nhưng chỉ bằng 1/5 ngân sách dành cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc năm 2016. Bên cạnh đó, tỷ lệ các nhà nghiên cứu trẻ dưới 35 tuổi ở các trường đại học quốc lập đang giảm, từ con số 17,5% năm 1998 xuống còn 9,6% năm 2016.
Mặt khác, số lượng nghiên cứu khoa học được công bố cũng giảm. Trong giai đoạn 2004-2006, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 4 trong số các cường quốc khoa học hàng đầu thế giới về báo cáo nghiên cứu. Đến giai đoạn 2014-2016, nước này đã tụt xuống vị trí thứ 9 trong danh sách này
Dẫn ví dụ về công trình nghiên cứu điốt phát ra ánh sáng xanh đạt giải Nobel của giáo sư Hiroshi Amano thuộc Đại học Nagoya – người đã phải tiến hành các thí nghiệm tới hơn 1.500 lần, Sách Trắng nhấn mạnh cần phải có một tầm nhìn dài hạn bởi vì, nghiên cứu cơ bản đòi hỏi thời gian và công sức. Trước đó, hồi tháng 10/2018, hàng loạt nhà khoa học Nhật Bản đã từng đoat giải Nobel đã kêu gọi chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu cơ bản. Giáo sư Tasuku Honjo của Đại học Kyoto, một trong hai người nhận giải Nobel Sinh học/Y học năm 2018, nói: “Tôi nghĩ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa, càng nhiều, càng tốt, cho nghiên cứu cơ bản, thậm chí đầu tư một cách phung phí.”