Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ điều Ngụy Phụng Hòa tham dự Đối thoại Shangri-La 2019 để...

TQ điều Ngụy Phụng Hòa tham dự Đối thoại Shangri-La 2019 để đối trọng với cộng đồng quốc tế về tranh chấp Biển Đông

Đối thoại Shangri-La 2019 sẽ diễn ra từ 31/5 – 2/6. Khu vực biển Đông nơi Trung Quốc xây các đảo nhân tạo vi phạm luật pháp quốc tế sẽ tiếp tục là một trong những vấn đề được cộng đồng quốc tế đưa ra chỉ trích, lên án Bắc Kinh.

Đối thoại năm nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều cử Bộ trưởng quốc phòng đến tham dự. Sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Đối thoại năm nay cùng với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy ban tổ chức đối thoại nỗ lực cân bằng, để các bên có cơ hội tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghề cá và quản lý thiên tai ở biển Đông.

Đây là lần đầu tiên trong 8 năm Bắc Kinh mới cử quan chức cấp này đến diễn đàn, sự kiện diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang rất căng thẳng về thương mại và an ninh. Theo Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (IISS, đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La), Tướng Ngụy Phượng Hòa năm nay sẽ có bài phát biểu về vị trí của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và trả lời trực tiếp các câu hỏi từ khán giả vào sáng 2/6. Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ phát biểu đề cập đến duy trì trật tự dựa trên luật lệ tại châu Á – Thái Bình Dương vào ngày 1/6. Nhiều bộ trưởng quốc phòng châu Á và châu Âu sẽ phát biểu trong các phiên thảo luận từ ngày 1-2/6.

Trong những năm qua, Trung Quốc gần như bị cô lập giữa những lời chỉ trích thẳng thừng của đại diện các nước tại Đối thoại Shangri-La, xoay quanh những hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tại đối thoại năm ngoái, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là tướng James Mattis mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các điểm và thực thể trên Biển Đông, nói Mỹ “có thể đối đầu cứng rắn nếu cần”. Những đe dọa tương tự cũng được đưa ra tại sự kiện năm 2017, khi ông Mattis cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tham dự Diễn đàn Shangri-La 2019 là do quân đội Trung Quốc “ít nhiều đã hoàn tất việc cải tổ” và Bắc Kinh đang quay lại “tái khởi động” ngoại giao quốc phòng. Ngoài ra, việc Diễn đàn Hương Sơn, vốn được Bắc Kinh tạo ra để đối trọng với Diễn đàn Shangri-La, không đạt hiệu quả như kỳ vọng có lẽ cũng khiến giới chức Trung Quốc phải thay đổi chính sách. Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư Thành Hiểu Hà, giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định, tham dự Đối thoại Shangri-La, ông Ngụy có thể chuyển tải thông điệp mới, quan trọng đến cộng đồng quốc tế mà có thể thách thức những cáo buộc của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.

Gregory B. Poling, Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định, trong bối cảnh Mỹ chỉ có thể gửi một quyền bộ trưởng và cả khu vực đang lo lắng về sự cam kết của Washington, Trung Quốc đang lợi dụng cơ hội này để gửi đến một quan chức cấp cao hơn và chiếm lấy sân khấu; đồng thời cho rằng đây là động thái khôn ngoan của Trung Quốc, sau nhiều năm họ chịu chỉ trích vì chỉ gửi các quan chức cấp thấp đến để né tránh các câu hỏi gai góc.

Trong khi đó, chuyên gia Trương Bạc Hối của Trung Quốc lại cho rằng Bắc Kinh có lẽ đã lo lắng trước việc Mỹ ngày càng tỏ rõ thái độ gay gắt và cạnh tranh hơn với Trung Quốc. Mới đây, Washington không chỉ tăng cường tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, mà còn đang xem xét một dự luật tại thượng viện nhằm trừng phạt các cá nhân, tổ chức làm tổn hại hòa bình và ổn định tại khu vực. Trung Quốc muốn dùng những quan chức ở cấp quan trọng hơn để thuyết phục các nước trong khu vực rằng sự trỗi dậy của nước này không phải là mối đe dọa với họ; đồng thời nhấn mạnh điều này về cơ bản cho thấy cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực.

Đáng chú ý, The Diplomat nhận định việc Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tham gia diễn đàn ở Singapore sẽ là nền tảng để ông Ngụy “thổi phồng những đóng góp của Trung Quốc dành cho an ninh khu vực”, đồng thời trả lời những thắc mắc về cách Bắc Kinh hình dung vai trò của mình ở châu Á. Hơn nữa, sau khi ưu tiên các sự kiện an ninh khác ở châu Á trong những năm vừa qua, Trung Quốc có thể thay đổi lộ trình bằng cách tái tham dự Đối thoại. The Diplomat cho rằng Bắc Kinh dường như không muốn bị loại ra khỏi diễn đàn này. Ngoài ra, việc Mỹ giảm sự tham gia thực sự hoặc giảm sự nhận thức đối với châu Á ở cấp khu vực đảm bảo cho Trung Quốc giữ vai trò nổi bật hơn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trương Bạc Hối, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong cho rằng đây sẽ là “cuộc chiến truyền thông giữa hai cường quốc”.

Ngoài vấn đề Biển Đông, một trong những vấn đề được nói đi nói lại nhiều lần tại Đối thoại chính là tình trạng quan hệ Mỹ – Trung, cặp quan hệ song phương được cho là quan trọng nhất của thế giới hiện nay. Trong những năm gần đây, quan hệ này có nhiều biểu hiện khác nhau tại Đối thoại Shangri-La. Đó có thể là những trao đổi nảy lửa về quan điểm của Mỹ và Trung Quốc trong những vấn đề như biển Đông hay việc Trung Quốc cử đại diện cấp nào đến dự Đối thoại Shangri-La nói lên đánh giá của Trung Quốc về diễn đàn này, trong bối cảnh Bắc Kinh đang phát triển các tổ chức của riêng họ như Diễn đàn Tương Sơn. Nhưng năm nay đặc biệt hơn, khi Đối thoại Shangri-La diễn ra trong bối cảnh chủ đề cạnh tranh Mỹ – Trung đang là tâm điểm chú ý của tất cả những người tham dự và giới quan sát. Dù tiêu đề báo chí thế giới về Đối thoại Shangri-La 2019 có thể nói về những diễn biến riêng lẻ, như hành động của chính phủ Mỹ với Huawei hay cuộc gặp có khả năng diễn ra giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vào tháng 6, nhưng bức tranh rộng lớn hơn và lấn át cả năm qua là căng thẳng Mỹ – Trung. Căng thẳng đó đang dần cụ thể hóa kiểu quan hệ cạnh tranh dài hạn như đã được nêu ra trong các tài liệu an ninh quốc gia của Mỹ như Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng. Không chỉ thế, cạnh tranh Mỹ – Trung dự kiến sẽ phủ bóng lên tất cả các khía cạnh khác của Diễn đàn năm nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới